Chiều 24/8, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ – Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Quảng Ngãi cho biết: Ông vừa tìm thấy thêm một bài văn tế Khao lề thế lính Hoàng Sa – Trường Sa do một gia đình họ Diệp ở thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) lưu truyền suốt gần 200 năm qua. Đây là bài văn tế được viết bằng chữ Hán – Nôm.
TS Nguyễn Đăng Vũ (phải) cùng ông Diệp Công Thang đọc bản chép bài văn tế lính Hoàng Sa – Trường Sa viết trên giấy dó (Ảnh: Internet)) |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, ông Diệp Công Thang, hiện 88 tuổi, người đang giữ bài văn tế này cho biết, gia đình ông đã có 4 đời làm thầy cúng. Bài văn tế hiện ông đang giữ là bản do cha ông là Diệp Công Xưng chép lại cách đây khoảng 80 năm từ bản văn tế mà họ tộc lưu truyền. Sở dĩ phải chép lại vì bài văn tế gốc vốn được viết trên giấy dó, sau nhiều đời làm nghề thầy cúng, bản văn tế gốc đã bị rách nát.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ cho biết thêm, cho đến nay, ông đã tìm thấy 5 bài văn tế Khao lề thế lính Hoàng Sa – Trường Sa bằng Hán Nôm. 4 bản tìm thấy trước đây đều trên đảo Lý Sơn và lần này là bản tìm thấy trên đất liền. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ nhận định: “Lâu nay, tôi cũng như nhiều nhà nghiên cứu cứ tưởng trên đất đảo Lý Sơn, hoặc dọc vùng ven biển có Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa – Trường Sa mới có văn tế lính Hoàng Sa – Trường Sa. Bằng sự phát hiện này, góp phần chứng minh rằng, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa – Trường Sa không phải chỉ có ở đảo Lý Sơn mà còn có ở các huyện đồng bằng, ven biển trong tỉnh Quảng Ngãi. Nói chung, nơi nào có người đi lính Hoàng Sa – Trường Sa trong thời nhà Nguyễn cũng như triều Nguyễn sau này là nơi đó đều làm lễ khao lề thế lính”.
Theo TTXVN
Bình luận (0)