Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thêm một góc nhìn về thực học

Tạp Chí Giáo Dục

Thực học thường gắn liền với thực nghiệp, để khẳng định rằng việc học tập một cách nghiêm túc, có trách nhiệm là cơ sở để có một nghề nghiệp chắc chắn, ổn định.

Một học sinh Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) tự tin đặt câu hỏi với Ban tư vấn chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: N.Trinh

1. Thực học thường để phân biệt với “học giả bằng thật”, tức là học để lấy kiến thức một cách thực chất chứ không chỉ vì bằng cấp, khác với tình trạng học qua quýt nhằm lấy bằng, mà xã hội thường lên án với các biểu hiện thuê người đi học, chạy điểm…

Thực học còn được gắn với thực hành, tức là học gắn với thực hành để có thể hiểu kiến thức một cách đầy đủ, có thể biến kiến thức thành hoạt động cụ thể chứ không phải lý thuyết suông. Không chỉ vậy, thực học gắn với thực hành còn để từ đó có thể chuyển thành hoạt động nghề nghiệp một cách đúng đắn, tránh việc giữa lý thuyết và thực tiễn có sự cách biệt quá lớn. Vì nếu không học tập đầy đủ, nghiêm túc thì khó có thể thực hành và từ đó cũng khó thực nghiệp. Ở một khía cạnh khác, thực học còn tạo ra uy tín cho ngành giáo dục nói chung và từng cơ sở giáo dục nói riêng. Bởi ở nơi nào học sinh có tỉ lệ đỗ cao vào các trường ĐH, CĐ, ra trường dễ tìm được việc làm, có thu nhập tốt, có phẩm chất, đạo đức tốt… thì đó là kết quả chủ yếu của việc thực học, từ đó tạo ra uy tín của cơ sở giáo dục. Uy tín đó có tác động cộng hưởng: bản thân trường có nhiều học sinh/sinh viên giỏi thì càng thúc đẩy giáo viên dạy tốt, giáo viên càng dạy tốt thì học sinh/sinh viên càng học tốt… Nhiều quan điểm cho rằng, có thực học thì mới tạo nên giá trị, bởi có thực học mỗi cá nhân mới khẳng định được mình, tạo được chỗ đứng về mặt nghề nghiệp và trong xã hội. Thực học cũng tạo ra uy tín cá nhân không chỉ về kiến thức mà còn về nhân cách, đạo đức, từ đó tạo nên cá nhân thực tài, có những hành động cụ thể, thiết thực cho xã hội.

2. Đặt vai trò quan trọng của thực học thì phải hết sức chú trọng việc thực dạy. Thực dạy là dạy một cách thực chất, dạy đúng kiến thức theo chương trình và theo lứa tuổi, theo bậc học, không chạy theo thành tích, không qua loa, chiếu lệ. Thực dạy còn là dạy những điều cần thiết, bổ ích, gắn với cuộc sống và sự phát triển tư duy (và thể chất) của học sinh, tránh nhồi nhét, một chiều, áp đặt; đồng thời tránh cả những biểu hiện mất công bằng, thiếu dân chủ hoặc xúc phạm trẻ… Thực dạy cũng cần gắn với tinh thần trách nhiệm, tình yêu nghề, thái độ trân trọng học sinh của giáo viên nói riêng và tất cả những người làm việc trong nhà trường.

Muốn thực dạy, còn phải xuất phát từ thượng tầng, tức là ở tầm vĩ mô. Chẳng hạn, chương trình học phải hợp lý, phù hợp với thực tế xã hội và định hướng phát triển của xã hội; hay sách giáo khoa phải thực sự khoa học, tránh những sai sót, phù hợp với vùng miền; phải có phương tiện, thiết bị đầy đủ, phù hợp, nhằm đáp ứng hiệu quả việc dạy và học (như phòng thí nghiệm, băng đĩa tư liệu, máy chiếu…). Tức là phải có một triết lý giáo dục phù hợp, đúng đắn và có cơ sở vật chất kỹ thuật đầy đủ, hợp lý, có thể giảm sự mất sức cho người dạy và tăng sự tiếp thu cho người học.

Dĩ nhiên, đòi hỏi ở tầm vĩ mô có thể mất nhiều thời gian, để việc thực học có kết quả ngay, chính tầm vi mô cũng có thể thực hiện được. Đó là sự linh hoạt, chủ động của giáo viên và các cơ sở giáo dục trong việc lựa chọn cách thức giảng dạy phù hợp, tích cực, bám sát thực tiễn mà không đi ngược lại với yêu cầu chung của chương trình. Chẳng hạn, ở môn toán tiểu học, thay vì có bài về số lít dầu bán được của một cửa hàng (trong phạm vi 100), kích thước của một sân vận động (trong các cách tính về diện tích, chu vi)… vốn khá xa lạ với phần đông học sinh thì giáo viên có thể thay thế bằng số hộp kẹo bán được của căng tin, kích thước của một cái sân… sẽ gần gũi hơn. Cũng như vậy, các kiến thức và bài tập nên hướng đến giải quyết những vấn đề thực tế của cuộc sống và bản thân các em có thể đem điều mình học được vào áp dụng ngay trong gia đình mình.

3. Thực học là một đòi hỏi cần thiết và quan trọng của học sinh nói riêng và nền giáo dục nước ta hiện nay nói chung. Thực học phải gắn với thực dạy và trong nhiều trường hợp, chính thực dạy mới tạo ra được thực học. Điều này có thể liên hệ với nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, với quan điểm lấy người học làm trung tâm thì không phải chỉ yêu cầu người học phải thực học mà chính là người dạy phải thực dạy để giúp người học đạt được mục tiêu đó!

ThS. Nguyễn Minh Hải

Bình luận (0)