Bên cạnh nỗi thống khổ quá tải, tình trạng mất an ninh trật tự, trộm cắp hoành hành tại các bệnh viện tuyến cuối ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đặt thêm một áp lực nặng nề lên vai không chỉ những người bị trọng bệnh.
Sau nỗi lo có giường nằm điều trị và sự chiến đấu giành giật cuộc sống, chiến thắng bệnh tật; người bệnh và người thân của họ còn canh cánh nỗi lo, sự ám ảnh trước nạn trộm cắp, lừa đảo, côn đồ và cò mồi hoành hành…
Trộm tung hoành trong BV lâu nay dư luận đã lên tiếng, nhưng vẫn không giảm. Đó là một tệ nạn mà ngay cả các nhân viên y tế, lãnh đạo BV cũng ngán ngẩm: “Nói mãi, chẳng ai giải quyết”, mới bắt giao cho công an hôm trước, hôm sau lại thấy xuất hiện…
1.001 chiêu trộm cắp, lừa đảo…
Tại TPHCM các điểm nóng về trộm cắp trong BV phải kể đến những BV thường xuyên quá tải như: Chợ Rẫy, 115, Ung bướu, Gia Định, Bình Dân, Nhi Đồng 1,2… Còn tại Hà Nội, các bệnh viện: K, Việt – Đức, Phụ sản Trung ương là những cái tên nhức nhối nạn trộm cắp… Vấn nạn trên đã trở nên quá quen thuộc, nên tại khu vực phòng khám, phòng bệnh nào của các BV lớn này đều có bảng: “Coi chừng trộm cắp, móc túi”…
Tại BV Chợ Rẫy, chị L – trú tại Sóc Trăng – đưa người nhà bị đột quỵ theo xe cấp cứu từ BV địa phương chuyển lên. Cùng đứng phía ngoài cửa phòng cấp cứu với chị L có một người đàn ông ăn bận lịch sự, đeo hành lý đang nhìn chăm chú vào một bệnh nhân trong phòng cấp cứu và nói đó là người nhà của mình. Người đàn ông nhờ chị L giữ hộ túi hành lý để vào trong lo cho người nhà và nói sẽ ra ngay. Chị L đồng ý giữ hộ, 5 phút sau, người đàn ông quay ra và hỏi chị L có muốn vào thăm thân nhân không và sẽ giữ giùm hành lý. Không ngần ngại, chị L giao hành lý và khi quay trở lại thì người “cùng cảnh ngộ” đã biến mất khiến chị “chết dở, sống dở” vì mất 10 triệu đồng.
Trộm cắp trong BV đang là một vấn nạn, thậm chí có nhiều BV ngay cả BS, hộ lý, bệnh nhân đều biết nhẵn mặt nhưng đành nhắm mắt làm ngơ. Thậm chí, nhiều BV bắt được trộm giao cho CA phường thì chỉ sau một ngày… đối tượng này lại xuất hiện và tiếp tục hành nghề, thậm chí đe dọa BS đã báo với CA. Tại BV Nhi Đồng 1, đối tượng nhẵn mặt nhất mà mọi người đều biết đó là người phụ nữ tên Khương (trú tại quận 3).
Qua tìm hiểu, thâm niên trộm cắp của người phụ nữ này cũng thuộc loại… hiếm. Thậm chí, một BS lớn tuổi của BV Nhi Đồng 1 tiết lộ: Ba thế hệ của gia đình người phụ nữ này đều hành nghề móc túi tại BV này. Bảo vệ biết rõ đối tượng này nhưng bắt quả tang cũng không phải dễ. Có đợt, bảo vệ của BV bắt được và giao cho CA xử lý nhưng tang vật nhỏ, chưa đến mức xử lý hình sự nên cũng đành phạt hành chính và thả.
Côn đồ truy sát bệnh nhân
Chỉ tính riêng BV Nhi Đồng 1 (TPHCM), mỗi ngày có khoảng 6.000 lượt bệnh nhân đến khám, chưa kể thân nhân đi theo. BV Chợ Rẫy mỗi ngày có khoảng 4.500 – 4.7000 bệnh nhân đến khám với 20.000 – 30.000 lượt người vào ra nên việc kiểm soát an ninh không phải dễ. Cả BV Bình Dân có trên 10 bảo vệ, BV Nhi Đồng 1 có 20 người, BV Chợ Rẫy có 58 người nhưng kiểm tra cũng không nổi và nạn móc túi, trộm cắp, lừa đảo vẫn xảy ra.
BV Việt – Đức (Hà Nội) đã bố trí đội bảo vệ lên tới 105 người kiểm soát 24/24h. Ông Hoàng Trung Đông – Đội trưởng đội bảo vệ – cho biết, vấn đề không chỉ thuần túy là trộm cắp cò mồi, tình trạng một số đối tượng đâm thuê, chém mướn sử dụng vũ khí “nóng” cay cú vào viện truy sát bệnh nhân hoặc dùng bình xịt hơi cay áp đảo nhân viên quầy thuốc mới thực sự là một thách thức lớn, thậm chí có đối tượng liều lĩnh dùng súng tự chế bắn bệnh nhân trong khi đang cấp cứu…”.
Theo ông Đông, vào cuối đêm tháng 4.2011, bệnh nhân Nguyễn Văn T (25 tuổi, Long Biên, HN) bị đâm vào bụng được đưa vào viện cấp cứu. Khi bác sĩ đang chụp X-quang thì có 2 đối tượng lao vào phòng chụp dùng súng bắn vào đầu bệnh nhân T, gây náo loạn BV.
Không quan tâm hay chế tài quá nhẹ
Đội trưởng đội bảo vệ trật tự an ninh BV Chợ Rẫy Trần Cư cho biết, năm 2010, bảo vệ BV bắt được 60 vụ trộm cắp, năm 2011 bắt được 41 vụ… Trên thực tế, số lượng bệnh nhân và người nhà báo mất trộm thì gấp nhiều lần. Trước đây, các BV khi bắt được đều chụp ảnh và dán trước cổng BV cho người bệnh và thân nhân cảnh giác. Tuy nhiên, với cách làm trên không đúng luật nên BV chỉ biết dán các bảng thông báo cảnh giác để lưu ý cho mọi người.
Trung tá Tô Quốc Đồng – Phó trưởng CA phường Hàng Bông( Hà Nội) – cho biết: “Vấn nạn cò mồi, trộm cắp trong các BV diễn ra từ lâu gây bức xúc trong nhân dân, tuy nhiên, lãnh đạo một số BV chưa thực sự quan tâm, phối hợp giải quyết nên cứ để dai dẳng hết năm này qua năm khác. Bằng chứng là chúng tôi đề nghị phối hợp tăng cường đội ngũ bảo vệ, nhưng họ nói số lượng người thế là đủ nên không làm. Hơn nữa, với chế tài xử phạt hành chính vẫn còn nhẹ khiến các đối tượng nhờn luật, khi được thả ra lại ngựa quen đường cũ…”.
Võ Tuấn – Dương Hải
Theo Lao Động
Bình luận (0)