- 1 Thêm nhiều vấn đề được góp ý trong Dự thảo Luật Nhà giáo
Dự thảo Luật Nhà giáo tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, góp ý ở nhiều vấn đề như các chế độ chính sách cho nhà giáo ngoài công lập, việc phân cấp quản lý đối với nhà giáo… để hoàn thiện, trước khi trình Quốc hội thông qua vào tháng 5 tới.

Xuyên suốt, nhất quán trong quan tâm đối tượng nhà giáo ngoài công lập
Thầy Tưởng Nguyên Sự – Hiệu trưởng Trường TH, THCS và THPT Ngô Thời Nhiệm cho biết, điểm phấn khởi nhất trong dự thảo Luật Nhà giáo hiện đang được lấy ý kiến, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thông qua vào tháng 5 tới đó là đã tạo được tính bình đẳng về vị trí, vai trò của nhà giáo ngoài công lập như nhà giáo công lập. Điều này chính là sự ghi nhận, động viên rất lớn với đội ngũ nhà giáo ngoài công lập.
Quan điểm, mục tiêu xây dựng cũng như nội dung của dự thảo Luật Nhà giáo đều đã hướng tới bảo vệ quyền lợi của nhà giáo, tôn vinh nhà giáo, trong đó có giáo viên ngoài công lập, từ chế độ làm việc cho đến quyền, nghĩa vụ của nhà giáo… Đây là điều hết sức nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo ngoài công lập.
Dù vậy, thầy Sự đề xuất dự thảo luật cần ràng buộc thêm chính sách được thụ hưởng khi nghỉ hè đối với nhà giáo ngoài công lập, có định hướng nguồn kinh phí cho việc đào tạo, nâng cao trình độ của nhà giáo ngoài công lập. Đề xuất tiền lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập được thực hiện theo thỏa thuận giữa người đứng đầu cơ sở giáo dục và cá nhân nhà giáo phù hợp với quy định của pháp luật về lao động…
“Quan trọng nhất là cần có cơ chế giám sát việc thực hiện quy định của luật nếu được ban hành vì cần có sự cộng đồng trách nhiệm của cả nhà đầu tư, người đứng đầu cơ sở giáo dục và nhà giáo thì các quy định của luật mới được thực hiện đạt mục tiêu, hiệu quả” – thầy Sự nêu.
Theo TS. Lê Lâm – Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, hiện nay một số vấn đề chính sách đối với nhà giáo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập vẫn còn nhiều hạn chế: Việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ của nhà giáo còn thiếu quy định cho đối tượng là giáo viên hệ thống ngoài công lập; Chế độ phụ cấp, trợ cấp thâm niên và nghỉ hưu đối với nhà giáo đã và đang công tác trong hệ thống các trường ngoài công lập còn chưa quy định điều kiện, thủ tục để giáo viên, giảng viên được hưởng quyền lợi cần thiết…
Từ đó, ông Lâm kiến nghị nguyên tắc quản lý và phát triển nhà giáo được nêu ra trong dự thảo Luật Nhà giáo: “Thực hiện bình đẳng giới, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, hoạt động nghề nghiệp giữa nhà giáo của cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục ngoài công lập” cần phải được nhất quán, xuyên suốt trong các điều khoản có liên quan như về chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ… nêu ra trong dự thảo luật.

“Sự hỗ trợ từ chính sách về nhà giáo nói chung và nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập nói riêng bình đẳng hơn, có sự ghi nhận và đãi ngộ công bằng thích hợp sẽ tạo thêm động lực để thu hút người giỏi tham gia trở thành giáo viên, tạo động lực để đội ngũ nhà giáo thêm cống hiến, tận tâm với nghề…” – TS. Lê Lâm nhấn mạnh.
TS. Phan Thanh Bình – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, dự thảo Luật Nhà giáo đã có nhiều điểm tích cực nhưng cần được làm rõ hơn về chế độ đãi ngộ, bảo vệ danh dự nhà giáo và chính sách đối với giáo viên vùng khó khăn. Ngoài ra, cần bổ sung các quy định về trường đào tạo giáo viên, tổ chức nghề nghiệp của giáo viên và quy định riêng cho giáo viên nước ngoài.
“Dự thảo Luật Nhà giáo với những hoàn thiện, bổ sung kỳ vọng sẽ trở thành bộ luật có tính thực tiễn cao, giúp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và đảm bảo công bằng trong giáo dục…” – TS. Phan Thanh Bình nhận định.
Làm rõ thêm tính phân cấp, ủy quyền
PGS.TS Vũ Văn Nhiêm, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Luật TP.HCM nêu ý kiến rằng Luật Nhà giáo nên xác định, khoanh vùng những nội dung cốt lõi, cơ bản nhất trong quản lý Nhà nước về nhà giáo đối với Chính phủ, từ đó Chính phủ quy định, phân cấp ủy quyền cho Bộ GD-ĐT, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh…
Cạnh đó, PGS.TS Nhiêm cho rằng quy định về việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với nhà giáo có đủ điều kiện nêu trong dự thảo luật (nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ, nhà giáo làm việc trong các ngành chuyên sâu đặc thù) là quyền của nhà giáo, chỉ cần nhà giáo có đủ sức khỏe, tự nguyện là được thực hiện quyền này mà không cần kèm theo các điều kiện khác như cơ sở giáo dục có nhu cầu, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của cơ sở giáo dục.
Trong khi đó, nêu góp ý về dự thảo Luật Nhà giáo, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng dự thảo luật cần làm rõ thêm các cơ chế giám sát, kiểm tra để đảm bảo việc tuyển dụng và điều động nhà giáo không bị cát cứ, tùy tiện giữa các địa phương. Nếu không có sự hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ từ cấp Trung ương có thể dẫn đến tình trạng không đồng nhất chất lượng nhà giáo giữa các vùng miền.
Việc giao thẩm quyền tuyển dụng và điều động nhà giáo cho chính quyền địa phương đòi hỏi phải có cơ chế giám sát trách nhiệm chặt chẽ, tránh tình trạng lạm quyền, tiêu cực trong bổ nhiệm, tuyển dụng. Dự thảo chưa đề cập rõ trách nhiệm thanh tra, kiểm tra của Bộ GD-ĐT cũng như UBND cấp tỉnh đối với các địa phương trong việc thực hiện phân cấp này.
Đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng trong việc phân cấp quản lý nhà giáo cần tính đến đặc thù của từng cấp học và loại hình giáo dục. Dự thảo chưa quy định rõ ràng nguyên tắc tuyển dụng và điều động giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, khiến việc thực hiện có thể gặp khó khăn…
Khương Yến
Bình luận (0)