Sự kiện giáo dụcTin tức

Thêm rối rắm

Tạp Chí Giáo Dục

 

Để đánh giá hạnh kiểm và học lực học sinh, Thông tư số 58/2011- TT- BGDĐT ngày 12-12-2011 của Bộ GD-ĐT nêu rõ: Việc đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học sinh phải căn cứ vào kết quả nhận xét đánh giá thái độ, hành vi của học sinh đối với nội dung môn giáo dục công dân

Theo đó, việc đánh giá hạnh kiểm học sinh do giáo viên môn giáo dục công dân và giáo viên chủ nhiệm đánh giá vào học bạ. Đây là chủ trương mới. Tuy nhiên, chủ trương này lợi bất cập hại, bởi lẽ việc đánh giá hạnh kiểm học sinh lâu nay được thực hiện theo trình tự: Học sinh tự viết bản kiểm điểm đánh giá nề nếp của mình và tự xếp loại; giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào quá trình rèn luyện nề nếp và học tập của học sinh để đánh giá; hội đồng nhà trường xét đạo đức của học sinh với thành phần bao gồm toàn bộ giáo viên và cán bộ, CNVC nhà trường, từ đó thống nhất chung về hạnh kiểm của học sinh.
Như vậy, có thể nói việc đánh giá hạnh kiểm học sinh như lâu nay là nhất quán và rõ ràng, giáo viên chủ nhiệm là người quản lý, theo dõi học sinh sát sao nhất nên việc đánh giá học sinh và phê vào học bạ học sinh là khách quan. Nay theo chủ trương mới sẽ thêm giáo viên giáo dục công dân tham gia đánh giá nữa thì cũng bằng thừa, chưa kể một giáo viên giáo dục công dân phải dạy nhiều lớp mà mỗi lớp có hàng chục học sinh thì việc đánh giá làm sao chuẩn xác.
Đó là chưa nói sẽ thêm việc cho giáo viên dạy môn giáo dục công dân khi tiêu chuẩn định mức của một giáo viên đã quy định rõ là 17 tiết/tuần. Chưa kể giáo viên dạy môn giáo dục công dân ở các trường hiện nay vừa dạy kiến thức vừa kiêm giáo dục ý thức, lối sống, kỹ năng, môi trường… nay lại thêm việc đánh giá, nhận xét hạnh kiểm của học sinh thì liệu có đủ sức?
Cũng theo chủ trương mới thì việc đánh giá sẽ thực hiện ngay từ năm nay. Như vậy là phải thay đổi học bạ của học sinh. Bởi lẽ, trong học bạ của học sinh chỉ có chỗ để giáo viên chủ nhiệm ghi lời phê và xác nhận của ban giám hiệu, vậy giáo viên giáo dục công dân sẽ ghi lời phê ở đâu? Đó là chưa nói đến việc học bạ của học sinh được xây dựng liên tục từ lớp 10 đến lớp 12 nên việc thay mới học bạ của học sinh là việc làm vừa không hợp lý vừa có thể sẽ phát sinh tốn kém.
Đổi mới là để công việc tốt hơn, đơn giản và nhẹ nhàng hơn nhưng xem ra cách đổi mới về việc đánh giá hạnh kiểm và học lực học sinh như thế sẽ chỉ rối rắm thêm, tốn kém hơn, giáo viên chắc chắn vất vả hơn mà hiệu quả thì cũng như cũ. Vậy thì có nên đổi mới?
Theo Tô Văn Quy
(nld)

Bình luận (0)