Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thêm trường mầm non bị dịch quai bị… tấn công

Tạp Chí Giáo Dục

Một bệnh nhi bị viêm màng não đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng I

Từ đầu tháng 2 đến nay, các dịch bệnh như sởi, rubella và sốt phát ban đã bùng phát ở nhiều trường học trên địa bàn Q.3, Q.Tân Phú, Q.12, Q.Thủ Đức. Theo đó hàng trăm học sinh phải nghỉ học và nhập viện. Ngày 8-3, tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết mới phát hiện thêm một ổ dịch quai bị tại Trường Mầm non Họa Mi I, Q.12.
Cô và cháu cùng mắc bệnh
Ngày 5-3, Trung tâm Y tế dự phòng Q.12 phát hiện một số học sinh của Trường Mầm non Họa Mi I (phân hiệu I) – P.Thới An, Q.12 bị sốt kèm theo đau hàm. Với những triệu chứng ban đầu, các bác sĩ nghi đây là bệnh quai bị. Qua điều tra dịch tễ, Trung tâm Y tế Q.12 phát hiện toàn trường có 20 học sinh bị sốt, trong đó có nhiều em kèm theo đau hàm, khó nuốt khi ăn. Ngoài ra còn phát hiện thêm 2 cô giáo của trường cũng bị sốt.
Ngày 6-3, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP, Trung tâm Y tế dự phòng quận 12, Phòng GD-ĐT Q.12 đã có buổi làm việc với phân hiệu I Trường Mầm non Họa Mi I. Ngay sau đó nhà trường đã được tổng vệ sinh bằng thuốc khử trùng, tất cả các đồ chơi trong lớp cũng như ngoài trời của học sinh đều được lau chùi bằng Cloramin B. Sở Y tế TP cũng khuyến cáo các cô giáo khi phát hiện học sinh sốt, đau hàm, khó nuốt khi ăn thì phải đưa ngay tới trạm y tế gần nhất vì có nhiều khả năng đó là bệnh quai bị.
Trung tâm Y tế dự phòng Q.12 cũng đã lấy mẫu máu của học sinh gửi Viện Pasteur xét nghiệm, phát hiện 9 trường hợp dương tính với quai bị. Riêng 2 cô giáo thì chỉ bị sốt.
Ngày 8-3, ông Trần Trung Hiếu – Trưởng phòng GD-ĐT Q.12 cho biết: “Phân hiệu I của Trường Mầm non Họa Mi I có khoảng 80 học sinh. Theo hướng dẫn của ngành y tế, những học sinh và giáo viên bị bệnh đều được nghỉ ở nhà 10 ngày. Trường cũng đã tiến hành lau chùi phòng học, cầu thang, đồ chơi của cháu. Thứ hai tới (9-3) trường vẫn hoạt động bình thường…”.
Cũng theo ông Hiếu, trước sự tấn công của các dịch bệnh như sởi, rubella, sốt phát ban…, ngày 22-2, Trung tâm Y tế dự phòng Q.12 phối hợp cùng Phòng GD-ĐT quận đã tổ chức tập huấn cách phát hiện dịch bệnh, cách lau chùi vệ sinh cho hiệu trưởng hoặc hiệu phó bán trú, cán bộ y tế học đường của tất cả các trường trên địa bàn quận, bao gồm cả trường tư thục.
Viêm màng não, thủy đậu vào mùa

Còn hơn 80% trẻ có khả năng mắc thủy đậu

Sáng 7-3, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo “Cập nhật xu hướng phòng ngừa thủy đậu hiện nay” do Viện Pasteur và Tập đoàn Dược phẩm GlaxoSmithKline tổ chức.
Tại hội thảo, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết: “Thủy đậu hay còn gọi là bệnh trái rạ, thường xảy ra vào tháng 3-4 hằng năm. Đối tượng chiếm tỷ lệ cao nhất thường là trẻ em trong độ tuổi từ 1-10. Có khoảng 80% đến 90% trẻ em chưa chủng ngừa vắc xin thủy đậu có khả năng mắc bệnh. Thủy đậu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong cho trẻ”. Ủy ban Thực hành tiêm chủng Hoa Kỳ cũng khuyến cáo, việc chủng ngừa 2 liều vắc xin thủy đậu cho trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi sẽ giúp tăng cường hiệu quả bảo vệ chống lại căn bệnh này cho trẻ.
Q.Huy
Cũng trong thời gian này, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Củ Chi phát hiện 55 công nhân phân xưởng 3 của Công ty may mặc Hansae (Củ Chi) bị thủy đậu. Theo điều tra dịch tễ của Trung tâm Y tế dự phòng Huyện Củ Chi, công nhân đầu tiên bị bệnh vào tháng 2, sau đó lây cho những công nhân khác. Đặc biệt là ngày 5-3 có tới 5 công nhân bị bệnh. Xác định nguy cơ bùng phát thành ổ dịch lớn ở đây là rất lớn nên Sở Y tế TP đã tiến hành phun xịt hóa chất diệt khuẩn và yêu cầu Công ty may mặc Hansae vệ sinh toàn bộ khu vực nhà xưởng, nơi ở của các bệnh nhân bằng Cloramin B. Những người tiếp xúc với các ca bệnh đều được tiêm vắc xin phòng bệnh.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, đây là thời điểm của bệnh thủy đậu. Khả năng lây lan của bệnh là rất lớn, trên 80% trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân đều bị mắc bệnh. Khả năng biến chứng là rất cao như nhiễm trùng nốt rạ, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm gan… Đối tượng bị bệnh nhiều nhất là trẻ em, đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non. Do vậy, nguy cơ thủy đậu xảy ra ở khu vực trường học, nhất là các trường tổ chức bán trú là rất lớn.
Ngày 8-3, tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng II, chúng tôi ghi nhận có gần chục trường hợp mắc bệnh viêm màng não. Còn ở Khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng I thì có trên 30 ca. Theo các bác sĩ, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để bệnh viêm màng não bùng phát.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng I cho biết: “Khi bị bệnh viêm màng não, trẻ nhỏ thường có các triệu chứng như: người sốt, ói, thậm chí là co giật. Ở trẻ em lớn hơn thì ngoài sốt, ói, còn kèm theo tiêu chảy, ho, sổ mũi. Bệnh viêm màng não khá nguy hiểm vì có thể để lại nhiều di chứng về thần kinh…”.
Bài & ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)