Được tận mắt quan sát công việc, cảnh sinh hoạt thiếu thốn của công nhân đắp bờ bao ngăn triều cường mới cảm hết nỗi vất vả của những con người ngày đêm âm thầm, không quản ngại hiểm nguy vì tính mạng của hàng ngàn hộ dân.
Anh Bùi Hữu Chơn (bìa phải) và người đồng hương |
Gặp tôi sau một đợt triều cường làm vỡ bờ bao tại bờ sông Mương Chuối (huyện Nhà Bè), anh Đỗ Văn Bé, nhóm trưởng chuyên thầu thi công đắp bờ bao để ngăn triều cường – người hộ đê – cho biết công việc này cũng như phòng cháy chữa cháy, tinh thần luôn sẵn sàng, tác phong nhanh nhẹn ứng phó với mọi tình huống.
Thân gửi ở đê bao
Bất kể giờ giấc, thời điểm triều lên là các anh mất ăn mất ngủ. “Riết rồi như một phản xạ, dù có thèm ngủ đến mức nào chỉ cần một tiếng gõ nồi là các anh đã bật dậy. Công việc cực nhọc, thức khuya dậy sớm, nhiều đêm thức trắng nhưng thù lao chẳng được bao nhiêu so với công sức đã bỏ ra”, anh Bé nói. Qua các anh, được biết ngày công lao động được chủ thầu trả từ 230.000 đồng – 250.000 đồng, tùy vào công trình xa hay gần.
Gắn bó với công việc này tròm trèm chục năm, anh Bé đã chứng kiến không biết bao lần vỡ đê bao bởi triều cường và sự cố thiên tai khác. Nhìn cảnh người dân vật vã với triều, cảnh người già, trẻ em sống chung với nước bẩn mà thương, nguyện làm tốt công việc của mình, góp phần giúp người dân bớt lo lắng. “Việc nặng là vậy nhưng khi được nghỉ một, hai ngày là nhức mình mẩy. Làm riết quen rồi, nằm không là mệt như người bịnh”, anh chia sẻ.
Tại một công trình khác, chúng tôi gặp một nhóm người đắp bờ bao vào một buổi chiều cuối tháng 10. Đó là thời khắc Sài Gòn đón nhận những cơn mưa như trút và những đợt triều cường dâng ở mức báo động 3. Các anh đang gấp rút hoàn thành tuyến đê bao gần sông Sài Gòn, bảo vệ hàng trăm hộ dân tại các P.27 và P.28, Q.Bình Thạnh. Từ xa, những tiếng “hê” liên tục dội ngược, hối thúc anh em khẩn trương hoàn thành trước khi trời đổ mưa. Vừa chuyển từng khối đất nhão nhoẹt đến khu vực đê bao, anh Bùi Hữu Chơn (39 tuổi, quê Sóc Trăng) vừa bắt chuyện: “Còn hàng trăm mét đê bao như thế này nữa, nếu không làm kịp trong tuần thì cả khu vực này sẽ bị nhấn chìm trong đợt triều sắp tới”.
Ăn bờ ngủ bụi, chuyện mở mắt ra thấy rắn rít, bò cạp bên mình không phải là hiếm. Người hộ đê còn phải chống chọi với bệnh tật, tai nạn mà bản thân không thể lường trước. “Ngụp lặn dưới nước, bùn ô nhiễm mà không bệnh mới lạ. Nhưng sợ nhất vẫn là giẫm phải mảnh chai, kim tiêm”, anh cho biết. Nguy hiểm là vậy nhưng vì đặc thù công việc không thể sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động. Ngoài công nhật, họ không được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp nào khác.
Từ khoảng trống bé tẹo nằm lọt thỏm giữa những khóm dừa nước, các anh chọn một vị trí thuận lợi để lấy đất bùn lên, chuyển bằng một băng chuyền gỗ dã chiến. Ở mỗi băng chuyền có hai người đứng chuyển lên một băng chuyền khác. Từng khối đất nặng trịch, nhão nhoẹt các anh nhấc như không. Số đất được lấy lên phơi một đến hai ngày, sau khi đã héo mặt thì cho vào bao rồi vác chất kiên cố đê bao. Anh Chơn nhẩm tính, trung bình mỗi ngày, một người phải chuyển ít nhất một tấn đất với quãng đường trên dưới 5km.
Vì an toàn tính mạng, tài sản người dân
Khi công trình ở một số địa phương gần khu dân cư, các anh dựng lán trại ngủ tạm để hạn chế côn trùng, rắn cắn. Tuy nhiên, cảnh không điện, không nước sạch và không có gì giải trí ngoài chiếc radio thì không phải ai cũng có thể chịu đựng được. Anh nào có điều kiện sở hữu chiếc điện thoại Smartphone thì còn nghe được bản nhạc, trích đoạn cải lương cho dễ đi vào giấc ngủ. “Về thăm nhà, con khóc thì ngán nhưng đi làm rồi, cả tuần không về thì thèm được nghe nó khóc”, anh Tuấn, người nhỏ tuổi nhất nhóm chia sẻ trong nước mắt. Tuấn bảo, đã hơn một lần nghĩ đến chuyện đưa vợ con lên thành phố, xin cho vợ theo làm nhưng đắn đo mãi bởi trai tráng còn phải chạy làng huống hồ vợ nay ốm mai đau. “Phải ráng một thời gian, có công việc thích hợp cho vợ thì mới dám đưa lên”, Tuấn kỳ vọng.
Nhóm người đắp đê bao của anh Chơn trên dưới 10 người là dân tộc thiểu số đến từ Sóc Trăng. Có thể khác nhau về tuổi tác, về quan điểm sống nhưng điểm giống nhau dễ thấy nhất là ngoại hình, anh nào anh nấy đều đen nhẻm, trùng trục to khỏe như gốc cây cổ thụ, bắp tay thì cuồn cuộn. Công việc cần lao động cơ bắp, sức khỏe dẻo dai này không phải ai cũng có thể trụ được. “Có không ít thanh niêm vạm vỡ nhưng chưa đầy một giờ thử việc đã bỏ… chạy”, anh Lắm kể.
Hôm làm ở Q.Bình Thạnh, khi tăng cường ở huyện Nhà Bè, lúc đang làm ở Q.Thủ Đức lại bị điều về Q.12, Hóc Môn, Củ Chi… giữa đêm hôm mưa gió. Quãng đường từ phía Bắc về Nam thành phố này không quá xa, càng không khó để đi lại nhưng vì công việc, có khi cả tháng không gặp được vợ con. “Tháng 10 vừa rồi, nhiều địa phương bị ngập nặng, anh em phải túc trực 24/ 24 chờ phân công khi có sự cố vỡ bờ bao. Có lần khăn gói xong chuẩn bị đón xe về thăm nhà nhưng nhận điện thoại yêu cầu phải có mặt ở hiện trường sạt lở bờ sông trong thời gian sớm nhất. Thế là phải tạm gác lại việc riêng tư mà lo việc chung, bởi đó là trách nhiệm của mình”.
Sống chung với cảnh ngập nước triền miên, hơn ai hết các anh thấu hiểu nỗi khổ của người dân sống vùng bị ngập. “Được đồng cảm của người dân, được uống một ly đá chanh, ăn một củ khoai cũng thấy ấm lòng”, Tuấn hồi tưởng về những đêm vỡ đê bao, chứng kiến cảnh người dân bên bờ vực sống-chết.
Hỏi chuyện vợ con, Lê Văn Ngà (21 tuổi) cười bẽn lẽn: “Cũng có chỗ nhớ thương nhưng thân mình lúc nào cũng lấm lem bùn đất, ngại không dám nghĩ đến chuyện tương lai”.
17 giờ, tôi rời đoạn đê bao cũng là lúc con nước đang lên nhanh. Lại một đêm vất vả với các anh.
Trần Anh
Bình luận (0)