Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Theo chân xử phạt người tiểu bậy ở nơi công cộng

Tạp Chí Giáo Dục

Lực lượng Quản lý trật tự đô thị quận 1, TPHCM đã tiến hành phạt hành chính người tiểu bậy ở nơi công cộng với mức 200 – 300 nghìn đồng. Nhiều người bị bắt quả tang tỏ ra bất ngờ vì không hay biết có quy định này, cũng có người viện lý do tìm nhà vệ sinh không có.

Nhà vệ sinh ở trung tâm TPHCM (quận 1) không nhiều và cũng không dễ tìm. Đồ họa: Việt Văn.
Nhà vệ sinh ở trung tâm TPHCM (quận 1) không nhiều và cũng không dễ tìm. Đồ họa: Việt Văn.

Sáng 24/3, tại góc giao lộ Cống Quỳnh – Nguyễn Cư Trinh (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM), nơi thường xuyên có xe ô tô, ba gác đỗ dừng, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều người tiểu lên vỉa hè. Chỉ trong buổi sáng, đã có gần 20 người, từ anh xe ba gác, anh xe ôm đến bác taxi,…thậm chí có những anh ăn mặc rất bảnh bao, lái xe ô tô cũng chọn điểm này làm nơi “trút bầu tâm sự”.

Mắc quá…anh thông cảm!

Ông Nguyễn Văn M (SN 1965, ngụ huyện Cần Giờ), tài xế taxi vừa trả khách xong gần BV Từ Dũ, đánh xe vòng lại góc đường Cống Quỳnh – Nguyễn Cư Trinh (quận 1) rồi chạy ào xuống “xả” một hơi. Ông không ngờ, hành vi của mình đã bị ghi hình. Ông M chối thì lực lượng quản lý đô thị cho xem lại băng ghi hình. Ông nhăn mặt năn nỉ: “Mắc quá…các anh thông cảm!”.

Ông M trình bày: “Thả khách xuống bệnh viện, trở ra đi tìm nhà vệ sinh thì gặp phải nơi đang bảo trì, cứng bụng quá chạy đến đây giải quyết đỡ chứ không còn nhớ nhà vệ sinh nào nữa mà tìm. Biết là tiểu ở nơi công cộng cũng ngại lắm nhưng mắc quá…”. Dù năn nỉ, ông M vẫn bị phạt 200 nghìn đồng. Ông Liên Thanh Lân, tổ trưởng Tổ 3 (Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1) yêu cầu với ông M 10 ngày sau đến nhận quyết định xử phạt, đi đóng tiền ở kho bạc. Sau đó, ông M phải khắc phục hậu quả bằng cách đi múc nước dội sạch “chiến trường”.

Theo chân xử phạt người tiểu bậy ở nơi công cộng - ảnh 1
Hậu quả của tiểu bậy là múc nước xả sạch. Ảnh: Việt Văn.

Không tìm được nhà vệ sinh: tè bậy!

Cũng có nhiều trường hợp người vi phạm tỏa ra khó chịu, cãi lại lực lượng chức năng khi cho rằng tìm nhà vệ sinh không có, không biết quy định đi tiểu bậy bị phạt,… Anh Lê Quang S. (SN 1971, ngụ quận 4) lái ô tô 7 chỗ đến đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 tiểu bậy. Bị phạt nhưng anh không đồng ý. “Nơi này không có để bảng cấm tiểu tiện, với lại chỗ không người thì tiểu có ảnh hưởng đến ai đâu. Đi tiểu trong nhà vệ sinh thì tốn tiền, dơ bẩn thì ai dám đi. Chạy tìm hết khu này không tìm thấy cái nhà vệ sinh nào, mắc quá không lẽ tiểu trên xe?”, anh S. lớn tiếng.

Ông Trần B. T (SN 1960, ngụ quận 1, TPHCM), đứng cạnh chiếc ô tô của mình phân trần chuyện không tìm thấy nhà vệ sinh, vào quán xá ăn uống thì người ta mới cho đi tiểu. Ông T năn nỉ: “Các anh nhắc nhở lần này thôi, tui lớn rồi, cũng biết xấu hổ với tụi nhỏ, nhưng mắc tiểu cứng cả bụng phải “xả” ngay chứ ôm là chết”.

Cũng có nhiều trường hợp tiểu ngoài đường để tiết kiệm tiền gửi xe, tiền phí nhà vệ sinh. Sáng 24/3, tổ kiểm tra phát hiện anh Lê Văn H (SN 1980, ngụ huyện Cần Giờ), chạy xe máy đến đường Cống Quỳnh rồi lên vỉa hè “xả”. Quay ra, nhận thông báo bị phạt, anh không hiểu gì, hỏi: “Đi tiểu ngoài đường cũng bị phạt nữa hả?. Tôi ở huyện lên không biết quy định này”. Cầm biên lai xử phạt, H. lầm bầm: “Sáng ra xui xẻo, chưa bắt được khách nào, giờ lại ôm cục nợ 200 nghìn này”.

Anh Trịnh Kỳ (cán bộ tổ 3, Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1) cho biết cái khó hiện nay là nhiều người dân ý thức kém đối phó với lực lượng kiểm tra như quan sát trước khi tiểu, thấy lực lượng chức năng là bỏ đi. “Khổ nhất là kiểm tra buổi tối ở dọc bờ kè Hoàng Sa – Trường Sa, khi mấy ông nhậu ngà ngà say là ra bờ kè tiểu, không biết trời đất gì nên khó xử lý”- anh Kỳ nói.

 

Phải xây thêm nhà vệ sinh

Thống kê từ Cty dịch vụ Công ích quận 1 cho biết, hiện đơn vị này đang quản lý 30 nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, số nhà vệ sinh này không đáp ứng đủ nhu cầu và nhiều nơi đã xuống cấp, hư hỏng.Theo khảo sát của PV, phần lớn các nhà vệ sinh này nằm trong các khu chợ, khu dân cư, công viên,…và đang xuống cấp nhưng vẫn thu phí khiến nhiều người cũng không mặn mà. Trong khi số ít nhà vệ sinh xã hội hóa, sạch sẽ luôn có đông người nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu.

Tại công viên 23/9, có 3 nhà vệ sinh được xã hội hóa khá sạch sẽ, miễn phí trong khi còn một nhà vệ sinh nằm trong bãi xe buýt đã xuống cấp nặng nhưng vẫn thu phí 3 nghìn đồng/lượt. Tại khu vực phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) ở hai tuyến đường Cống Quỳnh – Nguyễn Cư Trinh cũng không có nhà vệ sinh công cộng nào. Muốn “giải quyết” phải di chuyển một đoạn đường khá xa mới có một nhà vệ sinh ở gốc đường Nguyễn Cư Trinh – Trần Đình Xu. 

Ông Phan Trọng Hùng, Phó phòng Quản lý đô thị kiêm Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1, thừa nhận hiện nay các nhà vệ sinh công cộng chưa lắp đặt đủ so với mật độ dân số cũng như diện tích của quận 1.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh cho rằng hành vi tiểu tiện ngoài đường phố, nơi công cộng khá phổ biến nên xử lý hành vi này là đúng. Tuy nhiên, bên cạnh việc xử phạt, các cơ quan chức năng cần xây dựng nhiều hơn nữa nhà vệ sinh công cộng, đáp ứng nhu cầu tự nhiên của mỗi người. Mặt khác, cũng nên tăng mức phạt cao hơn quy định hiện hành để xử lý nghiêm hành vi cố tình vi phạm.

Theo TPO

 

Bình luận (0)