Từ năm học 2024 – 2025 này, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gọi tắt chương trình mới) áp dụng với học sinh các lớp 5, 9, 12, như vậy là toàn bộ học sinh phổ thông cả 12 khối chính thức được học và thi với chương trình mới.
Năm học mới 2024 – 2025 sẽ là năm đầu tiên thầy Mai Ngọc Giàu – 29 tuổi, có 7 năm công tác tại Trường tiểu học Thạnh An, H.Cần Giờ (TP.HCM) dạy lớp 5. "Trước đây tôi dạy lớp 4. Tôi dành hơn một tháng nghỉ hè để nghiên cứu SGK lớp 5 mới, đủ các môn từ toán, tiếng Việt, khoa học… Tôi cho rằng đến với chương trình mới, người thầy cần nghiên cứu kỹ các nội dung bài học để mang lại những kiến thức, hiểu biết với học trò. Đồng thời, mỗi GV như tôi phải học hỏi từ những thầy cô đi trước, đồng nghiệp… để tìm ra cách truyền đạt kiến thức hiệu quả. Thời đại ngày nay, HS dễ tiếp cận với các thông tin trên internet, tuy nhiên người thầy cần định hướng để các em có được thông tin đúng đắn", thầy Giàu nói.
Một nữ GV nhiều năm làm công tác chủ nhiệm ở một trường tiểu học tại Q.Gò Vấp, TP.HCM cho biết, tâm thế người thầy ở thời đại nào cũng luôn cần sự đổi mới, sáng tạo, luôn luôn phải vì người học. Cô bày tỏ: "Chỉ vài phút trò chuyện, gợi mở cho các HS về cuốn sách các em nên đọc cũng giúp lan tỏa văn hóa đọc cho học trò. Chỉ vài phút hướng dẫn học trò làm thí nghiệm đơn giản như làm giá từ hạt đậu, trồng lúa từ hạt thóc… cũng khiến HS thêm hứng khởi, yêu thích đến trường. Đổi mới không nói đâu xa khi người GV cứ mỗi ngày chăm chút từng điều nho nhỏ như vậy".
Cố gắng mỗi ngày một chút vì học trò
Là báo cáo viên tại buổi tập huấn SGK lớp 5 mới môn khoa học diễn ra tại Trường tiểu học Bình Khánh, H.Cần Giờ hôm 9.7, thạc sĩ Võ Thị Hồng Thu, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Hưng, H.Bình Chánh (TP.HCM), cho biết các cuốn SGK chương trình mới được biên soạn theo hướng phát triển năng lực phẩm chất của người học, giúp HS được không ngừng sáng tạo, ứng dụng những điều đã học vào cuộc sống. Phương pháp giáo dục môn khoa học theo chương trình mới cũng là cho HS học qua trải nghiệm, học qua khám phá, trao đổi, thảo luận, dạy học theo dự án…
Một GV nêu câu hỏi: "Làm sao để dạy và học qua trải nghiệm, thực hành ở những nơi điều kiện cơ sở vật chất hạn chế?". Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Ba, Q.Phú Nhuận (TP.HCM), cho biết có thể kết hợp giữa thực hành thí nghiệm và quan sát thí nghiệm, ví dụ GV thực hiện mẫu thí nghiệm, quay lại video cho HS xem, tuy nhiên điều này cũng nên hạn chế. "Nếu mỗi GV cố gắng một chút, trong từng môn học thì chúng ta có thể thấy sự thay đổi rõ rệt ở các học trò. Các thầy cô hãy quan sát, những HS được học chương trình mới từ lớp 1, tới lớp 5, các em sẽ rất tự tin khi thuyết trình, bản lĩnh khi làm việc nhóm…", thạc sĩ Hạnh trao đổi.
Các giáo viên tại buổi tập huấn SGK lớp 5 môn tiếng Việt tại Q.10, TP.HCM. THÚY HẰNG
Nâng cao năng lực tự học của người thầy
Cô Đinh Thị Liễu, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Thạnh An, H.Cần Giờ, cho hay trường có đội ngũ GV trẻ, nhiệt huyết, luôn năng động và sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin nhanh nhạy. Đây cũng là yếu tố thuận lợi khi triển khai chương trình mới. "Trong giáo dục, sự sáng tạo của người thầy rất quan trọng. Và đặc biệt, khi đồng bộ triển khai chương trình mới, tôi càng cho rằng người thầy cần phải không ngừng tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực tự học của chính mình, bên cạnh việc tham gia các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn từ ngành GD-ĐT", cô Liễu nói.
Theo cô Võ Thị Kim Anh, chuyên viên Phòng GD-ĐT H.Cần Giờ, chương trình mới phát huy sự chủ động, phát triển năng lực, phẩm chất của HS, dạy học bám sát thực tế… "Với chương trình mới, cần cách đánh giá nhân văn, khách quan từ các GV, bởi mỗi em sẽ có những năng lực riêng, sở trường riêng, không thể bắt HS học tốt đều các môn như nhau. Quan trọng là GV cần giúp HS phát huy năng lực, sở trường các em đã có, cố gắng hơn nữa ở những kỹ năng chưa đạt để ngày hôm nay sẽ tốt hơn hôm qua", cô Kim Anh trao đổi.
Theo Thúy Hằng/TNO
Bình luận (0)