Hai năm trước, ngày con gái đầu lòng Đào Thị Việt Trinh đỗ vào Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, anh chị Đào Trọng Thanh và Nguyễn Thị Mười – quê Hà Tĩnh lại dắt díu thêm đứa con út lên 4 tuổi vào Đà Nẵng làm phụ hồ để nuôi con ăn học. Giấc mơ con chữ cho con được nhọc nhằn viết nên bởi những ngày đổ mồ hôi làm nghề phụ hồ nơi thành phố!
Chị Mười cùng con gái chuẩn bị bữa cơm chiều
Trong căn phòng trọ rộng 15 mét vuông, tường vách đã rêu cũ, ở đường Đỗ Thúc Tịnh (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), chị Nguyễn Thị Mười cho biết: “Ở quê, ruộng ít, thu nhập chẳng bao nhiêu nên ba năm trước hai vợ chồng từng đi làm thuê tận Đà Lạt. Lúc đó cháu nhỏ vừa 4 tuổi, để lại nhà cho cháu Trinh đang theo học lớp 12 chăm em. Rồi cháu Trinh đỗ ĐH, hai vợ chồng bàn nhau trở về dắt díu đứa bé vào Đà Nẵng đi làm thuê để cho con theo đuổi cái chữ”, chị Mười kể.
Hàng ngày, hai con đến trường, vợ chồng chị lại cùng nhau đi làm phụ hồ cho các công trình xây dựng. Anh Thanh nói: “Công việc cũng không phải đều đặn lắm, phụ thuộc vào ngày nắng hay mưa. Hai vợ chồng sức khỏe lại yếu, thường hay ốm vặt. Cuộc sống khá eo hẹp nên cả nhà phải cùng nhau ở trong phòng trọ nhỏ nhằm giảm bớt chi phí sinh hoạt. Dù vậy vẫn phải trụ lại với phố vì nếu trở về quê, ruộng nương ít ỏi, con lại đối diện nguy cơ thất học”.
Thương cho nỗi nhọc nhằn của cha mẹ, em Đào Thị Việt Trinh dù đã bước vào sinh viên năm thứ 2 vẫn không ngại tham gia bất cứ công việc gì để phụ cha mẹ kiếm thêm thu nhập. Ngoài giờ học, Trinh trải qua nhiều nghề từ đi nhặt ve chai cho đến phụ quán cà phê, shipper, chạy Grab… Vất vả là vậy, nhưng Trinh luôn đạt thành tích học tập giỏi, tham gia nhiều hoạt động Đoàn, công tác tình nguyện, xã hội. Trinh bảo, bây giờ em chạy thêm Grab và làm shipper để kiếm thêm ít tiền phụ ba mẹ trang trải chi phí cho cuộc sống và học tập. Trước đây khi mới đến Đà Nẵng, Trinh đi nhặt phế liệu. “Hồi đó em mới từ quê vào Đà Nẵng, cứ sợ giọng mình nói khó nghe nên em đi nhặt ve chai, thường là giấy vụn và mua ve chai về bán lại để kiếm tiền. Sau đó, giá giấy vụn xuống thấp, em xin vào phục vụ quán cà phê. Rồi chuyển dần sang bán trà sữa, làm shipper, chạy Grab để tiện cho thời gian đến trường”, Trinh nói.
Khó khăn dường như không cản bước cô bé có thân hình nhỏ nhắn Đào Thị Việt Trinh trên con đường chinh phục giảng đường ĐH. Điểm tổng kết cuối năm Trinh đạt loại giỏi, 3.44/4.0 điểm. Trinh còn là một lớp phó học tập năng nổ, luôn có mặt trong nhiều hoạt động của lớp, khoa và trường, như: chương trình Xuân tình nguyện, Chủ nhật xanh, hoạt động Nụ cười của em, dạy vẽ và tổ chức các hoạt động cộng đồng, tham gia CLB Sinh viên 5 tốt, chương trình Kiến trúc vì cộng đồng ước mơ cho em… Hoạt động nào, Trinh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trinh bảo, mỗi hoạt động mà em tham gia mang về cho em những kinh nghiệm sống khác nhau, nên dù các hoạt động đó chiếm khá nhiều thời gian học và kiếm sống, em vẫn cố gắng sắp xếp để tham gia.
Nhìn vào khối lượng công việc tỷ lệ nghịch với thân hình bé nhỏ của Trinh, ít ai hình dung được cô nữ sinh ấy phải phân chia thời gian như thế nào để có thể hoàn thành được. Nhưng ở Trinh, vẫn luôn hiện hữu nụ cười tươi và sẵn sàng đối mặt. “Bây giờ em muốn chọn những công việc nhiều áp lực để hiểu hơn về cuộc sống cũng như rèn luyện thêm khả năng chịu đựng, vượt qua của mình. Sau này khi tốt nghiệp ĐH, ước mơ của em là làm cô giáo và có thể kiếm được tiền tự trang trải cuộc sống cũng như cùng bố mẹ cho em của em đến trường. Em mong bố mẹ có những giấc ngủ thật ngon sau những ngày lao động vất vả”, Trinh chia sẻ.
Mỗi ngày, trong căn phòng trọ chật hẹp ấy, cả gia đình vẫn cần mẫn với ước mơ giảng đường ĐH của Trinh. Khó khăn vẫn chồng chất phía trước nhưng tin rằng với những nỗ lực họ đã cùng nhau đi suốt chặng đường 2 năm qua, khát vọng cho con một tương lai tươi sáng của họ sẽ thành hiện thực!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)