Y tế - Văn hóaThư giãn

Theo Dấu chân lục bát của Nguyên Hùng

Tạp Chí Giáo Dục

Là một tiến sĩ công trình thủy chuyên về hồ chứa, đê đập, nhà máy thủy điện, công trình bảo vệ bờ biển, nhưng Nguyên Hùng đã có một gia tài văn chương kha khá với những tập thơ Cánh buồm thao thức, Bay về phía bão…và mới đây nhất là tập thơ Dấu chân lục bát.
Nguyên Hùng làm thơ đủ các thể loại, niêm luật chặt chẽ như thơ đường luật, phóng túng ngổn ngang như thơ tự do, chỉn chu dịu dàng như thơ lục bát… Thể loại nào anh cũng đạt được những thành công nhất định nhưng với 68 bài trong tập thơ mới nhất này, bạn đọc càng thấy rõ hơn dòng chảy thể thơ dân tộc cuồn cuộn, dạt dào trong anh.
Việc chọn số lượng 68 bài thơ lục bát trong tập thơ này đã cho thấy ngụ ý của anh. Ngay từ khi đọc bài đầu tiên, người đọc đã bị cuốn hút luôn một mạch cho đến bài cuối cùng. Đọc đi rồi đọc lại càng thấy cái hồn lục bát của anh đậm đà biết nhường nào. Dấu chân lục bát của anh chạm tới khắp mọi nẻo đường đất nước, cả về không gian và thời gian.
Theo không gian, mở đầu tập thơ, dấu chân anh tìm về chính là quê hương của chính mình: Về thăm cha mẹ chiều mưa/ Con mang theo cả tuổi thơ ân tình/ Nén hương con khấn thần linh/ Cầu mong cha mẹ yên bình cõi tiên (Về thăm cha mẹ chiều mưa). Chọn khung cảnh trời mưa, buổi chiều để về quê thăm viếng mộ cha mẹ, rồi lại dùng thể thơ lục bát truyền thống để diễn đạt tâm trạng của mình thì quả là đắc sách. Nỗi buồn cứ nao nao, Thương cha, nhớ mẹ… rưng rưng trời chiều.
Xong việc tâm linh đó, Nguyên Hùng đưa độc giả Về thăm quê biển. Cảnh cũ, bạn xưa, tri âm tri kỷ gặp lại nhau đủ thứ chuyện trên đời để đến nỗi Hàn huyên, lách cách cốc chai/ Không hay biển gọi ban mai tới gần. Trở về quê hương, xuất phát của dấu chân lục bát cũng từ nơi chôn nhau cắt rốn đó, trong Một thoáng trên hai vùng đất là đất Tổ vua Hùng và Trà Cổ (Móng Cái). Anh về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, ra địa đầu Tổ quốc để rồi Đặt chân lên dải địa đầu/ Nhìn về chót mũi Cà Mau nghẹn lời/ Rừng xanh, biển thẳm ngàn đời/ Chung tay nguyện giữ đất trời của ta. Bước chân lục bát của anh đến Hà Nội giữa lúc thu về để Vẳng nghe sấu rụng vẫn se sắt lòng/ Nhớ ngày em nói lời “không”/ Heo may chợt nổi bão giông Bờ Hồ.
Theo bước chân người thơ, nhịp sáu tám trữ tình, Nguyên Hùng đưa người đọc ngược đến Mèo Vạc, Tam Đảo, qua Tràng An, Cửa Lò, Cửa Hội đến Đồng Lộc, Phong Nha, Đà Nẵng, Đà Lạt; rồi xuôi về Cần Thơ, Cần Giờ… Anh không ngần ngại lấy lên tên địa danh nơi đặt chân đến làm tiêu đề cho bài thơ của mình. Cái tài, cái hóm của Nguyên Hùng là anh “chơi chữ” để chuyển tải tình cảm, nỗi niềm mình với nơi ấy.
Không chỉ đặt dấu chân lục bát theo không gian, anh còn lưu dấu lục bát qua thời gian, trong những trạng huống tình cảm, những khoảnh khắc bất chợt buồn, bất chợt nhớ, chơi vơi: Giao thừa hai đứa hai nơi/ Nhớ nhau ngửa mặt lên trời tìm nhau” (Giao thừa). Câu tám thật ám ảnh. “Từ ngày may mắn có nhau/ Nhìn đâu cũng chỉ một màu Huế thơ (Ngực đêm). Hai bài Em và rượu, Em và trăng, mỗi bài chỉ có bốn câu nhưng rất chắt lọc, ấn tượng. Anh so sánh giữa rượu, trăng và em. Khác chăng rượu uống thì vơi/ Riêng em đầy mãi một trời trong ta (Em và rượu); Em đi hun hút lối mòn/ Không em mùa cũng héo hon đợi mùa (Em và trăng).
Lục bát Nguyên Hùng đúng theo “lối cổ”. Anh không cố tình ngắt câu, bẻ chữ, xuống dòng mà cứ “chằn chặn” sáu tám từng cặp một. Nhịp thơ cũng đều đều nhịp chẵn, 2/4, 2/2 hoặc 4/4, rất ít gặp nhịp lẻ 3/3, vần lưng. Nhà văn Kao Sơn đã nhận xét về lục bát của Nguyên Hùng: “Tâm trí anh không dồn cho những cách tân hình thức, không mấy dễ bị cuốn vào những câu chữ lạ, cách chọn tứ, chọn cấu trúc, hình tượng thể hiện độc đáo hay cầu kỳ mà nằm ở điều anh muốn giãi bày. Cái ý được đặt lên hàng đầu”. Đó cũng vừa là thế mạnh cũng là điểm hạn chế của Nguyên Hùng. Lục bát của anh thiếu vắng những câu “độc”, vắng những bài “đinh”. Tuy thế, anh không “trắng tay”, không “là ai” giữa cõi đời này. Anh có một gia sản thơ rất đáng trân trọng, trong đó có tập lục bát 68 bài này. Anh là thi sĩ của tình yêu, của biển và của sóng…
Theo SGGP

Bình luận (0)