Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Theo dấu giếng cổ trăm năm: Kỳ 3: Mưu sinh nhờ nước giếng

Tạp Chí Giáo Dục

Hai vợ chồng ông Đường ngoài 80 tuổi vẫn gắn bó với nghề bán nước lã mưu sinh

Nước máy được kéo đường ống về tận nhà. Giếng cổ mấy chục năm trở lại đây đã không còn cảnh người dân tấp nập gánh nước lúc tờ mờ sáng, nhưng nó vẫn là một cái nghề mưu sinh của những mảnh đời không có lấy đồng vốn giắt lưng. Nghề bán nước lã!
Sống nhờ nước lã
Có một cái nghề hẳn ai nghe qua cũng lạ lẫm: Nghề bán nước lã. Vậy mà chính cái sự lạ ấy lại là kế sinh nhai của nhiều người nghèo ở phố Hội. 5 giờ sáng, khuất lấp đằng sau những con hẻm nhỏ là các mảnh đời mưu sinh bằng nước giếng cổ. Những bước chân lặng lẽ với đôi quang gánh cũ mèm, chiếc xe đạp thồ ba bánh gỉ sét… tất cả đều cổ và lặng thầm như phố cổ.
Thấy chúng tôi chần chừ tìm lối vào giếng cổ Bá Lễ – nổi tiếng nhất trong quần thể giếng cổ ở Hội An, một người đàn ông trung niên đi ngược chiều với chiếc Cup 50 treo lủng lẳng mấy chiếc can nhựa đằng sau hồ hởi nói: “Các cô cậu tìm giếng cổ Bá Lễ chi? Cứ đi theo tui sẽ đến được nơi cần đến”. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh tiếp: “Ngại chi hè? Du khách đến Hội An, ai đến đây thì cũng tìm giếng cổ này để tham quan, tự tay múc gàu nước giếng để thưởng thức vị ngọt của nó mà nhớ mãi”. Anh tên là Trần Trung Mẹo (48 tuổi) với thâm niên 15 năm gánh nước. Anh Mẹo cho biết: “Trước đây tôi làm “thợ đụng”. Cái nghề dựa vào may rủi, mùa nắng còn có người kêu, mùa mưa ngồi bó gối. Nhiều ngày đến cháo cũng không đủ cầm hơi, tội nhất là ba đứa con đi học mà bụng đói meo. Một hôm đi ngang qua giếng này thấy nhiều người đến lấy nước, tôi lân la hỏi chuyện và bắt mối rồi theo nghề bán nước”.
Theo anh Mẹo, nghề này không cần vốn liếng nhiều, chỉ cần đầu tư mua vài cái can nhựa cỡ 20 lít, dùng lâu dài. Ban đầu anh bắt mối cho những cụ già có thói quen pha trà bằng nước giếng cổ rồi đến các quầy bán rau xanh ở chợ. Lâu dần, người ta quen anh và tự đặt hàng cho anh, kể cả các nhà hàng sang trọng dành cho khách Tây cũng đặt anh chở nước. Thu nhập từ đó nghiễm nhiên khấm khá dần. Không còn cảnh thiếu hụt, đói kém. Theo thời giá bây giờ, cứ mỗi can nước 20 lít có giá từ 3 ngàn đến 6 ngàn đồng tùy theo quãng đường đi kể từ giếng cổ Bá Lễ. Mỗi ngày với chiếc Cup 50, anh chở được khoảng 70 can. Trừ chi phí xăng xe cũng còn dư được 100 ngàn, coi như lấy công làm lãi.
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Trần Trung Mẹo cho biết, những người bán nước lã ở đây đều có hoàn cảnh na ná nhau: Nhà nghèo, con đông, không một tấc đất canh tác… Cuộc sống cả gia đình họ đều trông chờ vào gánh nước bán rong mỗi ngày.
Những mảnh đời buồn
Hỏi ra mới biết, ở giếng cổ Bá Lễ này người bán nước lã như anh Mẹo để nuôi sống gia đình, nuôi con ăn học chưa phải thuộc dạng éo le, cùng cực khi mà họ vẫn có sức khỏe. Hoàn cảnh đặc biệt nhất chúng tôi được nghe kể có lẽ là đôi vợ chồng ông Nguyễn Văn Đường và bà Nguyễn Thị Mỹ (cả hai đều gần 80 tuổi). Hỏi về ông bà, chúng tôi bắt gặp những cái lắc đầu ái ngại: “Hoàn cảnh lắm. Vợ chồng già yếu, con bị tâm thần, 50 tuổi vẫn chỉ là đứa trẻ lên ba. Bởi rứa, sống gần trọn đời rồi vẫn chưa có lấy một ngày sung sướng”.
Sống gần 80 năm tuổi đời, vợ chồng ông Đường có thâm niên 50 năm gánh nước đi bán rao. Cả đời chưa biết cảm giác cầm tay lái chiếc xe đạp, xe máy như bao nhiêu người khác. Đôi thùng nhôm cũ với chiếc đòn gánh tre mòn vẹt là vật dụng bất ly thân với họ. Ngày còn trẻ, ông bà có hai đôi gánh. Bây giờ chân yếu, mắt mờ, ông bà chung gánh. Sáng sáng người dân phố Hội quen với hình ảnh một bà già gầy tong teo cầm chiếc gàu nặng nhọc kéo từng mo nước đổ chừng nửa đôi thùng, sau đó lẽo đẽo đi theo sau chân ông lão để giúp ông vượt qua những vật cản dọc đường. Cũng có khi thay bằng hình ảnh ông lão gánh nước đó là một “đứa trẻ” 50 tuổi – con trai ông bà. Bà Mỹ nói: “Không có cái giếng này thì gia đình tôi không sống nổi đến ngày hôm nay”.
Dạo một vòng quanh các nhà hàng, quầy dịch vụ ăn uống ở phố cổ, có thể thấy rằng số lượng các nơi cần cung cấp nước hàng ngày chiếm tỷ lệ khoảng 30% tổng số các nơi mở dịch vụ toàn phố cổ. Nước để phục vụ rửa, tưới tắm cho hoa quả, rau dưa, đặc biệt là dùng để pha trà xanh, chế các món ăn đặc sản như Cao lầu, mì Quảng… Bà Lê Thị Cẩm, chủ quầy hàng rau quả chợ Hội An nói: “Rau quả nhìn tươi ngon thế là nhờ có nước giếng phun tưới thường xuyên. Mùa hè, quê mình vừa nắng vừa gió Lào, rau quả phơi bán giữa chợ cả ngày như thế này mà không có nước là héo hết. Tôi mua nước giếng cổ tưới rau đã gần chục năm rồi”.
Theo nhẩm tính của anh Mẹo, hiện có khoảng hơn chục người thường xuyên mưu sinh bằng nước giếng cổ Bá Lễ. Ngoài ra, một số người sống gần các giếng cổ khác nên họ lấy nước từ đó đi bán dạo. Hàng chục năm nay, nguồn nước ở các giếng cổ này không những nuôi sống mà thậm chí còn là nghề làm giàu cho nhiều người dân một thuở không có đồng vốn giắt lưng. Cái triết lí “nước lã cầm hơi” đã được đổi bằng phương châm “làm giàu nhờ nước lã”. Giếng cổ nuôi người và chính nó tự cứu nó trong khi bị nhịp sống hiện đại vùi trong quên lãng. Tuy nhiên, trong 80 chiếc giếng cổ hiện còn trên toàn thành phố Hội An mà ngành văn hóa thống kê được, số lượng giếng có thể tự cứu mình bằng cách ấy chỉ đếm được trên đầu ngón tay…
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bài cuối: Mai này giếng cổ về đâu?
Tốc độ đô thị hóa chóng mặt, một số ít giếng cổ bị vùi sâu trong lòng đất nhường mặt bằng cho đường sá, số khác không được quan tâm bảo tồn cộng thêm ý thức giữ gìn của người dân kém dần dần hoang hóa, rệu rã… Nhiều người chợt giật mình thảng thốt: Không có biện pháp bảo tồn, mai này tìm đâu ra giếng cổ?

Bình luận (0)