Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Theo dõi 24 người cùng ăn tiết canh với người bị tử vong

Tạp Chí Giáo Dục

Có 24 người đang được ngành chức năng theo dõi do cùng ăn tiết canh trong buổi liên hoan với nạn nhân vừa bị tử vong do ăn tiết canh nhiễm liên cầu lợn tại xã Nga An, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa).

Ngày 23/3, trao đổi với Tiền Phong, ông Hà Đình Ngư – Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Thanh Hóa cho biết: Liên quan đến vụ việc nạn nhân Trần Văn Phi (SN 1967, xã Nga An) vừa bị tử vong do ăn tiết canh nhiễm liên cầu lợn, ngành chức năng đã tiến hành xác minh sự việc.

Theo đó, nạn nhân Phi được xác định ăn tiết canh trong buổi liên hoan ngày 5/3. Trong buổi liên hoan này có 34 người tham gia, trong đó có 26 người ăn tiết canh.

Theo dõi 24 người cùng ăn tiết canh với người bị tử vong

Số người này hiện đang sinh sống ở nhiều xã khác nhau của huyện Nga Sơn. Khoảng 7 ngày sau khi ăn tiết canh thì 2 trong số 26 người khởi phát bệnh đó là Trần Văn Phi và Nguyễn Đình Nhàn (SN 1967, ở xã Ba Đình). Lần lượt các bệnh nhân được đưa đi điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Nga Sơn rồi chuyển lên điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Phi diễn biến nặng nên gia đình xin đưa về nhà và tử vong trong ngày 18/3. Bệnh nhân Nhàn đã ổn định sức khỏe, vẫn tiếp tục được theo dõi.

Theo xác minh của ngành chức năng thì tiết canh mà 26 người ăn là tiết canh dê, nhưng trong bát tiết canh dê có một số thành phần lấy từ lợn như sụn hầu, cuống họng… Đặc biệt có một trường hợp ăn cùng một bát tiết canh mà nạn nhân Phi ăn (Một bát tiết canh chia đôi cho 2 người), nhưng cho đến nay, người này không có biểu hiện phát bệnh.

Lý giải việc cùng ăn tiết canh nhưng có người phát bệnh, có người không, ông Hà Đình Ngư cho biết: Về cơ bản trong nhiều loài động vật đều có thể có vi khuẩn liên cầu lợn. Do vi khuẩn này được xác định có nhiều ở lợn nên gọi là liên cầu lợn. Có nhiều lý do giải thích cho việc nhiều người cùng ăn tiết canh trong bữa liên hoan lại không phát bệnh như: Trong bát tiết có nơi tập trung mật độ vi khuẩn cao, có nơi thấp; có những người vi khuẩn vào cơ thể nhưng không gây bệnh do sức đề kháng tốt; lượng vi khuẩn vào từng người khác nhau…

“Thời gian ủ, phát bệnh đối với người ăn tiết canh nhiễm liên cầu lợn là khoảng từ 2 tiếng đến 13 ngày sau khi ăn. Dù đã qua 13 ngày, nhưng hiện ngành chức năng vẫn theo dõi, thực hiện công việc dự phòng cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho người dân”- ông Hà Đình Ngư cho biết thêm.

Hoàng Lam (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)