Thí sinh dự thi ĐH-CĐ năm 2012 |
Không đợi đến 3 năm sau khi tốt nghiệp mới liên thông theo quy chế mới, nhiều SV bỏ hẳn việc học CĐ, chuyển sang thi đại học (ĐH)…
Theo ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM), tỷ lệ đậu ĐH của những thí sinh thi lần 2, lần 3 hằng năm không cao, các em phải cố gắng gấp nhiều lần.
SV tài năng cũng “ra trường sớm”
Tuy mới chỉ học năm nhất ngành điện lạnh tại Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng nhưng Ngô Nguyên Phú (quê Đắk Lắk) vừa mới quyết định “ra trường sớm” để đăng ký luyện thi lại ĐH. Với 11 điểm khối A tại kỳ thi ĐH năm ngoái, Phú “ngậm ngùi” chọn học NV2 hệ CĐ và hy vọng sẽ liên thông sau khi hoàn thành. Thế nhưng, “phải chờ đến 3 năm sau mới được thi liên thông thì lâu quá! Nếu liên thông ngay sau khi tốt nghiệp CĐ phải thi cùng “3 chung” thì cũng chẳng khác gì thi lại ĐH. Vì vậy, em luyện thi lại ĐH luôn” – Phú chia sẻ. Vẫn giữ nguyên ngành học cũ nhưng sắp tới Phú sẽ thi hệ ĐH tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
Mặc dù học lớp CĐ tài năng ngành tài chính – ngân hàng của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nhưng Nguyễn Thị Thu Hằng cũng vừa gác hẳn việc học giữa chừng để tập trung luyện thi. Năm nay em nhắm đến Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM). Hằng thổ lộ: “ĐH mới là mục tiêu lớn nhất của em, việc học CĐ cũng chỉ là bước đệm để thực hiện giấc mơ ĐH. Vì thế em cố gắng đạt bằng khá, giỏi nhằm liên thông liền. Tuy nhiên, theo quy định mới phải chờ lâu quá, trong khi muốn thi liền sau khi tốt nghiệp lại phải thi cùng “3 chung”. Nhưng dù có chờ học xong CĐ rồi liên thông liền bằng kỳ thi “3 chung” thì em sợ đã quên hết kiến thức văn hóa. Vì vậy, tranh thủ thời gian này còn nhớ kiến thức, em ôn luyện và thi lại ĐH luôn”. Cũng theo Hằng, lớp CĐ tài năng của em có trên 10 SV khác cũng chung ý định luyện thi lại ĐH.
Trên cả nước, hằng năm luôn có một lượng không nhỏ SV bỏ CĐ để thi lại ĐH. Năm nay, “áp lực” từ quy chế liên thông mới càng khiến nhiều SV rời trường CĐ sớm. Và nếu như các năm trước đây, khái niệm vào ĐH bằng đường vòng được thí sinh hết sức quan tâm thì giờ đây, vào thẳng ĐH mới trở thành xu hướng được lựa chọn.
Trọng năng lực thay vì bằng cấp
Ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) nhận định, cơ cấu lao động các trình độ ĐH, CĐ và TCCN luôn ở mức cân bằng trong xã hội. Người học cần tìm hiểu năng lực của mình có phù hợp nhu cầu xã hội hay không, nếu chỉ vì đạt mục tiêu ĐH mà chấp nhận học trái ngành, không phù hợp sở thích thì thật sai lầm.
Ông Tuấn còn cho rằng, vấn đề ôn thi lại ĐH không phải ai làm cũng thành công. Hằng năm, số thí sinh ôn thi lại mà đậu ĐH đạt tỷ lệ rất thấp, trong khi đó các em còn phải quyết tâm nhiều gấp 3, 4 lần.
“Trong thời đại hiện nay, người thanh niên nên nhận thức rõ khả năng của mình, chấp nhận học bậc TC, CĐ để tham gia thị trường lao động qua đó rèn luyện kỹ năng. Đồng thời trong quá trình thực tế như vậy, các em phát hiện tiềm năng của bản thân, từ đó có cơ sở để quyết định học liên thông lên hay chuyển đổi nguyện vọng” – ông Tuấn nhấn mạnh. Theo ông Tuấn, việc tham gia lao động thực tế, sau 3 năm tiếp tục học liên thông giúp người học xác định được giá trị, năng lực bản thân. Và điều quan trọng nằm ở giá trị năng lực hành nghề, sức lao động sẽ đóng góp chứ không phải bằng cấp. Thực tế có những em thi ĐH nhiều năm liền không đậu phải làm lại từ đầu bằng bậc học TCCN, CĐ. Thậm chí có những em thi lại ĐH đậu và học “đã đời” rồi khi tốt nghiệp lại phát hiện ra ngành nghề mình chọn vẫn không phù hợp, gây lãng phí.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (từng là giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cũng nêu thực tế, nhiều em bỏ công luyện thi nhiều lần nhưng khi vào học ĐH thực tế lại không đạt kết quả cao. Thà các em cứ chấp nhận học CĐ bởi trình độ sau 3 năm học CĐ vẫn hơn 3 năm luyện thi tú tài. Khi đó, các em học thêm 1,5 năm ĐH sẽ hợp lý hơn việc thi lại ĐH.
PGS. Tống bàn thêm, lấy những người học nổi trội của CĐ để liên thông sẽ chất lượng hơn tổ chức thi đầu vào chung với ĐH. Thực tế chúng ta quá chú trọng đầu vào mà thiếu kiểm soát chất lượng quá trình giảng dạy và đầu ra. Đúng ra, thị trường lao động mới đánh giá thực chất chất lượng đầu ra của quá trình đào tạo.
Để người học bằng lòng với bằng cấp và tự hào với năng lực của họ, PGS. Tống cho rằng, cần trả lương hợp lý. Hiện chúng ta trả lương theo bằng cấp, không chú trọng năng lực, trong khi lẽ ra một người tốt nghiệp CĐ nếu làm tốt phải được trả lương cao hơn người có bằng ĐH nhưng làm dở. ĐH vẫn được chuộng hơn CĐ, những ai bất đắc dĩ không có điều kiện học ĐH mới chọn CĐ là vì vậy. “Một ngành đào tạo cần có chính sách về lương và chế độ đãi ngộ hợp lý, người học mới tự hào với năng lực của chính họ” – PGS. Tống nói.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)