Trao đổi với PV chiều 22-9, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính – Nguyễn Anh Tuấn, khẳng định: “Số liệu về mức lãi mà Bộ trưởng Tài chính đã nêu (780 đồng/lít xăng) là dựa trên cơ sở giá nhập khẩu thực tế do Hải quan cung cấp, được pháp luật thừa nhận”.
Ảnh minh hoạ. |
Ông Tuấn nói: Việc anh Bảo (ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch HĐQT Petrolimex- PV) nói không bóc tách lỗ lãi xăng và dầu là không thể chấp nhận, có thể nói đó là một hình thức gian lận trong quản trị. Trong kinh doanh, nguyên tắc hạch toán của tất cả các doanh nghiệp đều phải bóc tách lỗ và lãi riêng từng mặt hàng, sau đó mới có quyết toán lỗ lãi được.
Về việc Petrolimex nói chỉ lãi 441 đồng/lít (thời điểm trước khi giảm giá ngày 26-8), cần phải khẳng định: Mức lãi 780 đồng/lít xăng mà Bộ trưởng Tài chính nói chính là giá được tính toán dựa trên mức giá nhập khẩu thực tế mà Hải quan cung cấp.
Bình thường sẽ có hai mức giá được nêu khi nhập khẩu xăng dầu về. Mức thứ nhất là giá tạm tính khi mở tờ khai hải quan hàng hoá chưa về. Mức thứ hai là giá đã đóng dấu của cơ quan Hải quan hay chúng tôi còn gọi là giá thực. Đây mới là mức giá được pháp luật công nhận.
Còn tại sao khi khai báo lại cho DN đưa ra hai giá thì khi xây dựng Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu để đưa ra được một mức giá cơ sở tham chiếu, các cơ quan quản lý đã thống nhất lấy giá Palts xăng dầu Singapore- vốn gần với thị trường nước ta và đã được tính theo nguyên tắc quốc tế làm giá vốn khai báo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy giá tạm khai (giá FOB) có lúc cao hơn giá thực nhập (giá CIF vốn đã tính cả phí tàu biển, vận chuyển, bơm khí…).
Theo ông Tuấn, cũng nên lưu ý là trong giá khai báo xăng dầu của DN vừa qua có dấu hiệu có nhiều chi phí chưa hợp lý trong cơ cấu giá, đặc biệt là chi phí qua trung gian. Đã có cơ quan quản lý đặt vấn đề liệu có hay không hiện tượng chuyển giá.
Khánh Huyền / TPO
Bình luận (0)