Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thép Trung Quốc đội lốt Malaysia vào Việt Nam: Doanh nghiệp thép lao đao

Tạp Chí Giáo Dục

Sau một thời kỳ suy thoái kéo dài, ngành thép đang dần dần phục hồi. Thép cán nóng, thép cán nguội và thép tấm dần dần tăng về sản lượng.
Doanh nghiệp sản xuất thép hình chữ H lao đao, thua lỗ  /// Ảnh: Anh Sơn
Doanh nghiệp sản xuất thép hình chữ H lao đao, thua lỗ. Ảnh: Anh Sơn
Nhưng sản phẩm thép Trung Quốc từ nước sở tại hoặc từ nước thứ 3 nhập vào Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp thép trong nước lao đao.
Lỗ, ngưng sản xuất vì thép bán phá giá
Mới đây vào đầu tháng 12, Công đoàn của Công ty Posco SS Vina đã gửi đơn kiến nghị khẩn thiết đến Bộ Công thương về việc thép hình chữ H nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam khiến công ty liên tục thua lỗ. Đơn kiến nghị nêu rõ, từ tháng 6.2015, Posco SS Vina đã vận hành dây chuyền sản xuất và cung cấp thép hình chữ H cỡ vừa và lớn.
Đây là sản phẩm vốn chưa có nhà máy nào có nhiều kinh nghiệm sản xuất tại Việt Nam. Theo sự khuyến khích đầu tư của Chính phủ Việt Nam, Posco SS Vina được thành lập và sản xuất, cung cấp thép hình chữ H chất lượng cao cho thị trường xây dựng trong nước.
Nhưng từ khi đi vào hoạt động, công ty đã bị thiệt hại lớn vì thép hình chữ H Trung Quốc giá rẻ khuynh đảo thị trường Việt Nam. Đến tháng 8.2017, Bộ Công thương đã ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhờ đó, Công ty Posco SS Vina bắt đầu có lãi từ tháng 10.2018.
Nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, công ty lại gặp khó khăn vì thép hình chữ H của Nhà máy Alliance Steel từ Malaysia (100% vốn từ Trung Quốc) nhập vào Việt Nam ồ ạt. Do muốn xuất khẩu vào Việt Nam – một thị trường dễ tính, Alliance Steel đã phá giá thị trường khi bán sản phẩm với giá thấp hơn Posco gần 60 USD/tấn.
Đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự thua lỗ hằng năm lên đến 20 triệu USD của công ty này. Số lỗ lũy kế từ năm 2015 đến hết năm 2019 của Posco SS Vina lên tới 200 triệu USD.
Mặc dù ban lãnh đạo công ty đã tìm mọi biện pháp như tiết kiệm và cắt giảm các chi phí không cần thiết nhưng tình hình không có tiến triển do Alliance Steel bán phá giá thị trường.
Do vậy Ban lãnh đạo Posco SS Vina đã chấm dứt hoạt động dây chuyền sản xuất thép thanh công suất 500.000 tấn/năm, cắt giảm lao động hơn 220 người để tái cơ cấu sản xuất và hiện chỉ còn tập trung sản xuất và bán thép hình.
Tuy nhiên để ngăn chặn thép hình của Alliance Steel tiếp tục bán phá giá vào Việt Nam cũng như để bảo vệ ngành sản xuất trong nước và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, Posco SS Vina đã và đang tiến hành khởi kiện việc bán phá giá đối với thép hình chữ H của Alliance Steel và đã hoàn tất nộp đơn khởi kiện việc bán phá giá này vào ngày 6.11.2019.
Do đó, Công đoàn tại Posco SS Vina kiến nghị Bộ Công thương tiến hành giải quyết nhanh chóng để có thể giảm thiểu thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước và bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong công ty.
Dựng hàng rào thương mại
Trao đổi với PV, ông Eom Gi Chen, Tổng giám đốc Công ty Posco SS Vina, nhấn mạnh: Sự hỗ trợ của Chính phủ là hoàn toàn cần thiết để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước. Điều này cũng được áp dụng theo quy định của WTO.
Ví dụ, trong trường hợp thép thanh và phôi thép, nếu không được bảo vệ bởi biện pháp tự vệ thương mại thời gian qua thì ngành công nghiệp thép của Việt Nam sẽ bị hạn chế. Nhằm mục tiêu cung cấp các sản phẩm chất lượng cao với giá cả hợp lý và để đảm bảo chất lượng liên quan trực tiếp đến an toàn của người Việt Nam, các đơn vị liên quan cũng như Posco đang phối hợp để chứng nhận QCVN (quy chuẩn Việt Nam) cho sản phẩm thép sớm được ban hành.
Bên cạnh đó, để duy trì được mức sản xuất cơ bản của nhà máy, công ty cho rằng cũng cần thiết tiến hành việc kiện bán phá giá. “Để phát triển ngành thép và thúc đẩy ngành sản xuất trong nước vào thời điểm này, như đã công bố trong Nghị định của Thủ tướng (Chiến lược phát triển hệ thống phân phối sản xuất thép (Mục tiêu tầm nhìn năm 2025), vai trò của Bộ Công thương là bảo vệ ngành thép trong nước khỏi sự cạnh tranh với các sản phẩm thép ở nước ngoài. Riêng các doanh nghiệp thép cần phải đồng tâm hiệp lực, đã đến lúc phải có hành động kịp thời cứu lấy thị trường bằng những biện pháp như ban hành QCVN hay áp dụng thuế chống bán phá giá…”, ông Eom Gi Chen, Tổng giám đốc Công ty Posco SS Vina – nói.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nhận định thép hình chữ H là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất như xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp. Sản phẩm này từ Alliance Steel ở Malaysia nhập vào Việt Nam tăng mạnh kể từ tháng 4.2019 đến nay. Dù thời gian chưa quá dài nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy có thể đang bán phá giá tại thị trường Việt Nam.
“Quan điểm của hiệp hội là luôn bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước, nên chúng tôi ủng hộ các doanh nghiệp chủ động có các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Doanh nghiệp có thể kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước xem xét áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp”, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nhấn mạnh.
Theo An Yến/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)