Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thi ca bất ngờ sôi động trở lại

Tạp Chí Giáo Dục

Triển lãm thơ kết hợp với trình diễn, những chương trình ngâm thơ có bán vé, nhiều tập thơ bán chạy và được yêu thích… thi ca như mạch ngầm chảy trong những giới hạn nhưng chưa bao giờ bị đứt đoạn.

“Còn hôm nay, ta còn mãi mãi”

Bước vào không gian triển lãm thơ nghệ thuật chủ đề Còn hôm nay, ta còn mãi mãi (vừa diễn ra vào cuối tuần qua), người thưởng lãm không khỏi bất ngờ trước sự hoành tráng, sang trọng của một không gian thơ đầy chất nghệ thuật. Đây là sự kiện thường niên do một công ty tư nhân tổ chức, nhằm mục đích tôn vinh các loại hình nghệ thuật, đồng thời quảng bá thương hiệu của đơn vị. Những năm trước là các triển lãm về tư duy ngôn ngữ, năm nay thơ được chọn. 

Nhà thơ Ngô Thị Hạnh đọc thơ tại sự kiện Còn hôm nay, ta còn mãi mãi

Nhà thơ Ngô Thị Hạnh đọc thơ tại sự kiện "Còn hôm nay, ta còn mãi mãi"

Không gian triển lãm được thiết kế kết hợp với nghệ thuật sắp đặt, thơ được giới thiệu nổi bật bằng ánh sáng và hiệu ứng 3D. Có riêng một khu vực dành cho khách ghi lại thơ của mình/hoặc tác phẩm thơ yêu thích. Những bài thơ được chọn trưng bày tại triển lãm được thiết kế những không gian riêng biệt, vừa để thưởng lãm, vừa làm phối cảnh chụp hình. Các nhà thơ Vi Thùy Linh, Nguyễn Phong Việt, Ngô Thị Hạnh, Nam Thi và rapper Táo là những tác giả có tác phẩm được chọn triển lãm và trình diễn thơ tại sự kiện. 

Nhà thơ Vi Thùy Linh nói chị đã từng tham gia một số sự kiện trình diễn thơ tại Hà Nội, vốn không xa lạ với những không gian thơ như thế này. Nhưng đây là lần đầu tiên có một sự kiện hoành tráng dành cho thơ ở TP.HCM, kể từ dịch COVID-19 cho đến nay. “Tôi cảm thấy thơ được tôn vinh đúng nghĩa. Lâu nay cũng thường chỉ đến dịp ngày Thơ Việt Nam mới có các hoạt động cho thơ, và chủ yếu chỉ là tổ chức triển lãm thơ ngoài trời. Rất ít chương trình kết hợp trình diễn, sắp đặt. Một phần vì thiếu kinh phí đầu tư, phần khác tôi nghĩ những hoạt động như thế này chưa được các nhà thơ nghĩ đến” – nhà thơ Ngô Thị Hạnh chia sẻ. 

Tìm tài trợ cho thơ không khó

Nhà thơ Lữ Mai, cây bút thơ 8X được bạn đọc yêu thích, có nhiều tác phẩm thơ bán chạy nói rằng, việc tìm tài trợ cho thơ không phải là quá khó. “Bí quyết ấy thuộc về hai chữ kế hoạch. Tôi luôn có kế hoạch cho công việc. Với một cuốn sách, ngoài việc viết thì có cả kế hoạch in ấn, truyền thông, phát hành…

Tôi nghĩ đây là xu hướng mang tính thời đại mà người viết cần quan tâm nếu muốn tác phẩm của mình có sự hỗ trợ và lan tỏa nhiều hơn.

Các nhà tài trợ hiếm khi tự tìm đến người viết, nếu người viết muốn có tài trợ thì hãy đưa ra một kế hoạch cụ thể, thuyết phục. Ngoài nội dung, ý nghĩa tác phẩm, họ còn xét đến các yếu tố khác, trong đó có quyền lợi hình ảnh, uy tín của họ, và điều này cũng phải được xây dựng bởi chính nhà văn. Tôi từng làm việc với nhiều đơn vị, doanh nghiệp và thấy điều này không khó khăn gì cả, chỉ cần người viết chịu khó cập nhật, nắm bắt thông tin và thiện chí” -Lữ Mai chia sẻ

Trong một ngày diễn ra triển lãm, ngoài tham quan thưởng thơ, chụp ảnh, khách còn có thể nghe các nhà thơ trình diễn, ngâm thơ trong khuôn khổ sự kiện. Suốt từ sáng đến tối, không gian thơ Còn hôm nay, ta còn mãi mãi không lúc nào ngớt khách. Rất nhiều bạn trẻ đã đến và bày tỏ sự ngạc nhiên lẫn yêu thích không gian thơ đặc biệt này. Điều đó chứng tỏ rằng thi ca vẫn đầy sức hút, nếu biết cách tổ chức, khơi nguồn cảm hứng. Giá trị của thơ được nâng tầm ấn tượng khi được đầu tư kết hợp cùng loại hình nghệ thuật khác. 

Mạch ngầm vẫn chảy

Thi ca có một đời sống trầm hơn xưa, nhưng dòng chảy ấy chưa bao giờ cạn. Nhà thơ Ngô Thị Hạnh kể, trước dịch COVID-19, chị từng được mời tham gia trình diễn thơ trong các chương trình nghệ thuật của lãnh sự quán Úc. Và đó là những đêm thơ có bán vé. “Tôi cứ nghĩ, thơ thì không dễ bán vé, nhưng không ngờ khán phòng 100 chỗ ngồi mà vẫn không đủ vé cho người yêu thơ đến thưởng thức. Đọc thơ trong những không gian như vậy thật sự rất ấm lòng. Hiện tôi đang nghĩ đến việc mình có thể tiếp tục tổ chức những đêm thơ sang trọng, ấm cúng như vậy. Tất nhiên cần phải có nguồn kinh phí lớn để có thể đầu tư và duy trì, nếu chúng ta nghĩ đến thì hoàn toàn có thể thực hiện được” – nhà thơ Ngô Thị Hạnh bày tỏ.

Các tập thơ được yêu thích của nhà thơ Lữ Mai

Các tập thơ được yêu thích của nhà thơ Lữ Mai

Cách đây không lâu, chị tổ chức ra mắt tập thơ Lặng soi trong một không gian đầy hoa sen và âm nhạc. Đó cũng là một sự kiện hiếm hoi của thơ kể từ khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới. 

Không giống như văn xuôi, các tác phẩm thơ rất ít khi được các đơn vị xuất bản lẫn tác giả tổ chức những buổi ra mắt, giao lưu. Chỉ riêng việc in thơ cũng đã không dễ dàng với tác giả. Ngoại trừ những tên tuổi có tác phẩm bán chạy như nhà thơ Nguyễn Phong Việt, rất ít tác giả thơ được công ty sách/nhà xuất bản đầu tư in thơ theo kế hoạch A (nhà xuất bản mua bản quyền và trả nhuận bút cho tác giả).

Hầu hết nhà thơ tự bỏ tiền túi hoặc tìm tài trợ/hỗ trợ sáng tác mới có thể in được tác phẩm của mình. Sự thật “ngậm ngùi” là thế, nhưng không vì vậy mà mạch nguồn thi ca bị gián đoạn. Thơ vẫn âm thầm chảy và có đời sống riêng. Vào thời điểm dịch bệnh, các chương trình thơ online đều thu hút những người yêu thơ: Thơ Việt thế hệ mới (do chuyên đề Văn+ tổ chức), Khúc yên giữa hoang mang

Nhà thơ Nguyệt Phạm cho rằng khi mọi người cùng nhau đọc thơ, tâm tình, chia sẻ cảm xúc trong những chương trình thơ, mang lại cho thơ không khí thân tình, đầm ấm và đáng nhớ. Mới đây, nhà thơ Trần Mai Hường cùng nhà thơ Thu Nguyệt đã tổ chức một buổi ra mắt, đọc thơ ấm áp dành cho tác phẩm Đi để trở về của nhà thơ Nguyễn Văn Cư, tại Bảo Lộc. Không có những sự kiện đình đám, nhưng luôn được yêu thích và lan tỏa, là thơ của Nồng Nàn Phố, Nguyễn Thiên Ngân, Nguyễn Thế Hoàng Linh…

Theo Cầm Thi/PNO

 

Bình luận (0)