Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Thi cử gian lận để du học Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Tình trạng gian lận thi cử để đi du học Mỹ của sinh viên Trung Quốc đang là một vấn nạn dai dẳng và cực kỳ phiền toái đối với các trường ĐH Mỹ – theo đánh giá của tờ Business Insider.​Thi cử gian lận để du học Mỹ

Tốn hàng chục ngàn USD

Một điều tra của hãng tin Reuters đã cho thấy những bằng chứng về sự gian lận một cách phổ biến đến mức báo động trong một chương trình được thiết kế ở Trung Quốc nhằm giúp cho sinh viên nước ngoài được chấp nhận vào các trường ĐH ở Mỹ.

Chương trình này được gọi là Chứng nhận Đánh giá Toàn cầu (Global Assessment Certificate- GAC), có thể có mức phí hơn 10.000 USD/năm nhằm giúp cho sinh viên nước ngoài – những người mà ngôn ngữ mẹ đẻ không phải là tiếng Anh – có thể tìm cách để vượt qua kỳ thi ACT đánh giá đầu vào ĐH của Mỹ.

Bảy SV Trung Quốc trả lời Reuters khẳng định rằng các nhân viên và giám thị của GAC đã biết và chấp nhận sự gian lận trong kỳ thi ACT tại ba địa điểm thi khác nhau.

Trong cuộc phỏng vấn với các SV này, Reuters cho biết: “Một nam sinh viên nay đã nhập học tại ĐH California tại Los Angeles, cho biết một quản lý chương trình GAC ở Trung Quốc đã cho phép SV này luyện các câu trả lời của một nửa số câu hỏi sẽ có trong bài thi ACT trong khoảng một tuần trước khi thi.

Một sinh viên ĐH ở Midwest cho biết Trung tâm luyện thi ở Trung Quốc đã cung cấp cho các sinh viên ở đây hai bài viết mà sau này đã xuất hiện trong bài thi ACT của họ”.

Còn hơn thế, tám giáo viên và cán bộ quản lý ở bảy trung tâm khác nhau đã bị tố đã để xảy ra gian lận trong các khóa luyện thi và trong đó có hai trường hợp là có dính líu đến các quan chức- theo Reuters.    

Có ngăn chặn được gian lận thi cử?

Các trường ĐH Mỹ đang bắt đầu lưu ý và một số trường đã thực sự quan tâm đến những thông tin này.

“Những bằng chứng của sự gian lận này đang gây chấn động”, Timothy Tesar, trợ lý giám đốc của phòng tuyển sinh quốc tế trường ĐH bang Iowa nói với Reuters. Trường ĐH bang Iowa đã tuyển 132 sinh viên của GAC từ năm 2009 đến nay.

Một người phát ngôn của ACT đã nắm được những thông tin về gian lận thi cử và cho biết tổ chức này coi việc gian lận là nghiêm trọng.

“ACT thực hiện việc bảo mật bài thi rất nghiêm túc và cam kết đảm bảo kết quả thi chính xác và công bằng với tất cả các thí sinh dự thi”- Ed Colby, một người phát ngôn của ACT khẳng định với Business Insider – “Luôn có những ý định tìm cách gian lận và đối với một kỳ thi có qui mô dự thi lớn như ACT, có thể xảy ra  những sự trùng hợp gây nghi ngờ. ACT luôn đảm bảo tính bảo mật của đề thi, mức độ đánh giá chính xác cũng như có những biện pháp phòng ngừa thí sinh gian lận trước, trong và sau khi thi. Chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện điều này một cách chặt chẽ trong các kỳ thi của chúng tôi”.

Jason Thieman, một cựu giáo viên của trung tâm GAC tại trường ĐH Jimei (Trung Quốc) nói về tình trạng gian lận một cách tràn lan này với Reuters: “Nếu như văn phòng tuyển sinh của tất cả các trường ĐH đã chấp nhận sinh viên từ GAC biết điều gì đang diễn ra tại GAC, đặc biệt là đối với kỳ thi ACT, tôi nghĩ họ sẽ không nhận những sinh viên này nữa. Điều này (tình trạng gian lận) thật kinh khủng"- Jason chia sẻ.

Sự nghi ngờ này càng phức tạp hơn khi trên thực tế GAC được sở hữu và giám sát bởi chính tập đoàn ACT!

Và đây cũng chẳng phải lần đầu những cáo buộc về tình trạng gian lận trong kỳ thi ACT lại được xới lên ở các nước châu Á.

Theo một bài báo của The New York Times, hồi tháng 6 vừa qua, kỳ thi ACT đã từng bị hoãn ở Hàn Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) vì bị nghi ngờ có gian lận. Vụ vi phạm, được cho là đã bị lộ nội dung đề thi, đã làm ảnh hưởng đến 5.500 thí sinh dự thi tại 56 trung tâm thi ở hai quốc gia kể trên. Bài thi chỉ được hoãn vài giờ trước khi các thí sinh bước vào làm bài thi.

Còn theo Wall Street Journal, tình trạng gian lận của sinh viên nước ngoài cao hơn nhiều so với sinh viên Mỹ.

Số liệu khảo sát ở 14 trường ĐH công lập của Mỹ cho thấy tỷ lệ cứ 100 sinh viên nước ngoài thì trung bình có 5,1 trường hợp được cho là có gian lận so với tỷ lệ 1/100 của sinh viên Mỹ.

Ở hầu hết các trường, báo cáo về tình trạng gian lận cho thấy sinh viên nước ngoài có dính líu đến gian lận cao gấp từ hai đến tám lần so với sinh viên Mỹ.

Hiện tượng này được cán bộ quản lý ở các trường ĐH lý giải là do sinh viên nước ngoài không hiểu và không thực hiện những chuẩn mực về tính trung thực trong học thuật của Mỹ.

 

HÀ LÊ (Theo Business Insider)/TTO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)