Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thi “đại học chữ to”

Tạp Chí Giáo Dục

 Trên thế giới, có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có kiểu lớp học “tiền lớp 1”.
1. Thời gian mở vào đầu mùa Hè nóng nực, đáng lẽ các cháu mới lên 6, ở tuổi “như búp trên cành” được nghỉ ngơi chơi đùa thì bị cha mẹ “tự nguyện” bắt ép vào các lò “luyện thi” nóng bỏng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Họ cho con cấp tốc ôn tập 1 tháng, theo kiểu “tầm chương trích cú”, dưới cái mác “luyện chữ” trước lúc các trường phổ thông công lập tuyển sinh vào lớp 1. Vì thế mới có cái tên “độc nhất vô nhị” là… “tiền lớp 1” (trước khi vào lớp 1).
“Tiền lớp 1” còn có một nghĩa rất thực dụng của thời buổi cơ chế thị trường, muốn vào lớp 1 theo ý, nhiều người phải mất… tiền. Nào là tiền học phí ôn luyện, tiền lưu trú, tiền bữa ăn trưa, tiền nước uống… Chưa kể nhiều vị phụ huynh khi ngồi “dưa lê” với nhau thì cứ kháo ầm lên chuyện “chạy” trường nọ, trường kia.

Một buổi học làm quen với lớp 1 của Trường Việt Úc –
Nguồn: báo Lao Động

2. Bộ GD&ĐT quy định, việc tuyển sinh vào trường tiểu học không được tổ chức mọi hình thức thi cử. Thực tế vào lớp 1 đã học gì đâu mà thi với cử? Nhưng việc thi tuyển vẫn “trăm hoa đua nở”, người lớn “sáng tạo” đủ các kiểu thi tuyển, trường thì gọi là “đo nghiệm”, trường thì gọi là “kiểm tra trắc nghiệm”… Các bé phải qua cuộc tuyển chọn căng thẳng từ việc nhận biết ngôn ngữ tiến Việt, khả năng tư duy toán học, năng lực quan sát ghi nhớ, diễn đạt đến chỉ số IQ…
Ở Hà Nội có tới hàng chục trường tư thục danh tiếng tuyển sinh lớp 1 bằng “kiểm tra đầu vào” vì số hồ sơ đăng ký đông gấp nhiều lần so với chỉ tiêu tiếp nhận. Tỷ lệ chọi của các trường tiểu học cũng diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt không thua kém tuyển sinh của các trường… đại học. Có trường năm nay chỉ tuyển 400 học sinh nhưng số lượng trẻ ghi danh xin học… “tiền lớp 1” là 900. Và như vậy trường phải tổ chức thi tuyển để loại 500 học sinh. Hay như trường khác chỉ có 180 chỉ tiêu, nhưng nguyện vọng của cha mẹ học sinh muốn con họ được học tại đây lên con số 600.
Cha mẹ nào cũng muốn chọn (không phải là “chạy”) ngôi trường có cảnh quan sư phạm xanh-sạch-đẹp, đầy đủ cơ sở vật chất và đặc biệt có đội ngũ thầy cô giáo yêu nghề, yêu trẻ, chuyên môn giỏi. Nhưng chọn trường cho con học phải theo hướng tích cực. Trước hết phải đúng pháp luật. Pháp luật quy định, tất cả các cháu đến tuổi đi học đều được cắp sách đến trường, xã hội không để các cháu thất học. Vậy hà cớ gì các bậc cha mẹ lại “ép” con em mình phải “vượt vũ môn” bằng con đường quá sức của chúng, buộc phải nhồi nhét kiến thức ở những lớp học… “tiền lớp 1” giữa ngày Hè tiết trời oi bức, nhiệt kế lúc nào cũng hầm hập 37 độ C? Bắt chúng phải kinh qua cuộc thi tuyển “đại học chữ to” khốc liệt.
Thi tuyển chọn vào lớp 1 dù dưới hình thức nào cũng bị coi là không hợp lý, phản sư phạm. Việc con trẻ 6 tuổi đối mặt với cuộc thi tuyển khiến chúng phải chịu một áp lực lớn, căng thẳng, mệt mỏi không đáng có. Nếu toại nguyện thì cả nhà cùng vui. Nhưng nếu “trượt vỏ chuối” thì đó là “đòn phủ đầu” làm trẻ mất tự tin, mặc cảm, thấy thua kém bạn bè ngay từ khi bước vào ngưỡng cửa trường học.
3. Thực ra trong hệ thống giáo dục phổ thông làm gì có khái niệm “trường điểm”. “Trường điểm” là do phụ huynh học sinh đặt ra để tự huyễn hoặc mình. Họ đua nhau xin cho con học trái tuyến gây khó khăn về giao thông, gây sức ép cho những trường này, tạo ra các tiêu cực trong xã hội. Thực tế, không phải tất các các cháu cứ vào “trường điểm” là học giỏi cả. Các vị phụ huynh nên có quan niệm đúng đắn trong việc chọn trường cho con. Tốt nhất nên suy ngẫm lời ông Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến từng nói: “Nhiều bậc phụ huynh thường ảo tưởng về những trường có tên tuổi thì sẽ có sự đào tạo tốt hơn. Thực tế thì trong một trường, trong một khối, trình độ các giáo viên cũng không đồng đều. Theo tôi, các phụ huynh nên cho con học gần nhà. Đôi khi những trường gần nhà mình sĩ số học sinh thấp nên sự quan tâm của các giáo viên đối với học sinh sẽ sâu sát hơn”.
Theo Lê Sĩ Tứ
(TT&VH) 

Bình luận (0)