Sự kiện giáo dụcTin tức

Thi đại học: Sĩ tử cần tránh bị “cái chết bất ngờ!”

Tạp Chí Giáo Dục

Sau ba ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều thí sinh đã lập tức tập trung vào ôn thi cho kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng sẽ tới trong một tháng nữa.
Tuy nhiên có một vấn đề là thí sinh đang kháo nhau để tự “cắt giảm” và “tạo trọng tâm” cho việc ôn tập của mình được “giảm tải.” Việc này đã kèm theo với nó một nguy cơ về kết quả của kỳ thi trở nên thiếu chính xác với sức học thực. Các sĩ tử có thể bỗng chịu “cái chết bất ngờ.”

Tại một trung tâm luyện thi bên cạnh trường Đại học (Nguồn: Internet)

Ôn thi đại học mà theo "tủ"… thua luôn!
Kiến thức thi vào đại học sẽ rộng và sâu hơn nhiều lần thi tốt nghiệp nên rất khó “nhằn” vì thế mà nhiều thí sinh đang quan tâm đến việc loại bớt và mải miết tìm “trọng tâm” hơn ôn tập. Bởi thi tốt nghiệp kiến thức chỉ ở lớp 12 còn kỳ tuyển sinh thì kiến thức ở cả ba năm học.
Học sinh Lê Hương Linh cho biết rằng ôn dàn trải thì rất khó chắc kết quả tốt để vượt qua tỷ lệ chọi thường  rất “kinh hoàng” mà với kỳ thi tốt nghiệp thì tỷ lệ này là không.
Đồng ý với bạn mình, thí sinh Nguyễn Quang Đức lập luận: “Khó có chuyện thi đại học lại lặp lại đề thi tốt nghiệp. Không có lý khi những người thi tốt nghiệp đã thi tác phẩm đó, thi đại học lại gặp lại chỉ việc ‘tua’ lại kiến thức để ăn điểm lần thứ hai.”
Đức tỏ ra rất thuyết phục khi lập luận: “Cho dù hai kỳ thi có tính chất khác nhau, khác hội đồng ra đề nhưng không lẽ nào khi ra đề các chuyên gia lại không quan tâm đến việc chúng em thi tốt nghiệp đề gì. Em khẳng định luôn như môn ở văn thì không thể nào gặp lại nhân vật Tràng lần nữa.” 
Thí sinh Nguyễn Minh Thắng lại cho rằng: “Em không dám làm phép loại trừ các tác phẩm văn học đã được sử dụng cho kỳ thi tốt nghiệp vừa qua vì đây là hai kỳ thi hẳn khác nhau. Nhưng theo hướng dẫn của một vài người lớn có kinh nghiệm thì em loại trừ tác phẩm vừa thi đại học năm 2010."
Thắng giải thích rằng: “Các thầy ra đề đều biết các thầy ôn luyện bao giờ cũng luyện đề các năm trước cho nên nếu ra lặp đề thì ‘biếu không’ điểm cho thí sinh luyện đề mất. Môn nào cũng vậy.”
Khi được hỏi, Thuý Hạnh- một thí sinh đang ôn vào trường Đại học Mở nói: Em luôn nghĩ rằng thi đại học mà ôn theo tủ là mạo hiểm. Trừ trường hợp, có tuy đăng ký thi chứ không hề có ý thức luyện từ trước, trông vào luyện cấp tốc hoặc tự ôn nhanh thì buộc phải bỏ bớt nội dung mới có thể kham được. Em cho rằng ôn thi đại học mà theo tủ…thua luôn!”
Các nhà giáo nói gì?
Nhà giáo Ngô Thị Khánh Hoa- Thạc sĩ toán học, Phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông Phan Huy Chú- Đống Đa, Hà Nội cho rằng: Học sinh tuyệt đối không nên chủ quan loại trừ kiến thức vì với các môn tự nhiên yêu cầu của bài toán hiếm lặp lại, các dạng bài ngỡ bao giờ cũng có mặt vẫn có thể không có. Các dạng bài nghĩ không thể ra thì kỳ thi nào cũng gặp. Đó là câu hỏi phân hoá trình độ.
Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh- giáo viên bộ môn sinh học cho rằng: Đến đề thi tốt nghiệp còn có xu hướng bỏ kiểu đề dành cho trò học vẹt nữa là đề thi vào đại học. Cần phải hiểu bài mới làm bài được. Mà đã hiểu bài thì cần có phông kiến thức toàn bộ cấp học chứ không thể bó gọn trong kiểu tủ nào.
Cô giáo Ngô Lan Anh, giáo viên ngữ văn trường trung học phổ thông Trần Phú, Hà Nội đưa ra nhận định của một người có kinh nghiệm luyện thi vào đại học: Đề thi đại học luôn chạm đến nhiều “miền” kiến thức, nhiều giai đoạn văn học, nhiều cách kết hợp đề nên không thể loại trừ một cách đơn giản và ngây thơ.
Theo cô Lưu Thị Mai Hoa, một cô giáo dạy văn tâm huyết với nghề ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, nhân vật Tràng xuất hiện trong yêu cầu của đề thi tốt nghiệp vẫn có thể trở lại nhưng trong một thế đối sánh của một nhân vật khác của một tác phẩm khác. Thí sinh nào ôn theo kiểu loại trừ tác phẩm thì lại càng nguy hiểm hơn vì nếu đề kỳ tới  ra nhân vật vợ Tràng hay mẹ Tràng thì sẽ ai loại  trừ sẽ cắn bút.
Bàn thêm về “sự trở lại” là có thể, cô Hoa cho rằng: Trong trường hợp nói về bài thơ “Tây Tiến” cũng vậy, nếu “Tây Tiến” quay lại nhưng ở một đoạn thơ khác với đoạn trọng đề tốt nghiệp hay cùng “đồng hiện” trong một yêu cầu kép kết hợp với đoạn thơ của một bài khác thì đâu có trùng. Và có thể câu hỏi ít điểm lại thành bài làm chính và ngược lại.
Cô giáo Hoa còn nhắn nhủ: “Phải có phương pháp học ôn theo hệ thống vấn đề chứ không theo bài riêng lẻ để thêm rồi trừ đi tuỳ theo phán đoán chủ quan. Vì nguyên tắc không hề có điều này quy định không ra lại nội dung. Mà chỉ khuôn định trong chương trình của cấp học trung học phổ thông mà thôi.”/.
Theo Nguyễn Anh
 (Vietnam+) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)