Nắm vững kiến thức căn bản qua sách giáo khoa và bài giảng của giáo viên, đồng thời chăm luyện đề và trau dồi kỹ năng giải quyết những phần khó là bí quyết của các thí sinh đạt trên 1.000 điểm thi đánh giá năng lực.
Đợt 1 năm nay, số thí sinh thi đánh giá năng lực đạt trên 1.000 điểm giảm gần nửa. NGỌC LONG
Theo phổ điểm thi đánh giá năng lực đợt 1 do ĐH Quốc gia TP.HCM công bố mới đây, có 80 thí sinh đạt trên 1.000 điểm, giảm gần nửa so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ ở mức trên 1.000, số thí sinh đạt mốc từ 901-1.000 điểm trong đợt 1 cũng giảm 345 bạn. Điều này khiến nhiều thí sinh chuẩn bị thi đợt 2 băn khoăn, không biết nên ôn tập, luyện đề ra sao để đạt được kết quả tối ưu trong vài tháng tới?
Xem trọng sách giáo khoa
Lương Gia Bảo, học sinh Trường THPT An Nhơn số 2 (Bình Định), đạt 1.034 điểm, nói rằng em vốn không nhắm đến thi đánh giá năng lực từ đầu, mà mục tiêu chính là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thế nên, nam sinh từng dành hầu hết thời gian để học toán, lý, tiếng Anh. "Nhưng em vẫn học chắc các môn trên lớp nên không 'hổng' kiến thức. Đến trước tết, em bắt đầu luyện đề đánh giá năng lực hằng tuần để làm quen", Bảo chia sẻ.
Nam sinh nói tiếp, một tháng trước khi thi, em mới tập trung ôn luyện. Lúc đó, Bảo đọc lại toàn bộ sách giáo khoa lớp 12 các môn để ghi nhớ lý thuyết, nhất là hóa, sinh, phần mà theo em "khiến các bạn mất điểm rất nhiều". Riêng môn hóa, Bảo đọc lại 3 lần. Còn với sử, địa, nam sinh xem sơ qua các sự kiện, mốc thời gian. "Không có phương pháp học nào khác ngoài việc tự ôn lại những chủ điểm kiến thức mình còn yếu", Bảo nói.
Với các môn thi không nằm trong sách giáo khoa như phân tích số liệu hay tư duy logic, Bảo cho hay có thể tham khảo đề thi thử trên mạng. Với câu hỏi phân tích số liệu, Bảo khuyên đọc kỹ đề, vì đây là phần thí sinh dễ bị đánh lừa khi chỉ cần thay 1, 2 chữ trong câu hỏi. Còn với tư duy logic, Bảo cho rằng nên linh động tìm những hướng giải khác nhau, thay vì "rập khuôn" một cách làm vì đề thi sẽ ra "muôn hình vạn trạng".
"Đề thi rất dài nên các bạn phải tập canh thời gian làm bài. Nhiều bạn dù học giỏi nhưng lại đạt điểm không như ý do không làm kịp giờ. Khi thi, em làm đề từ trên xuống. Nếu gặp câu hỏi khoa học tự nhiên khó, giải không ra thì em tạm gác lại, làm câu sau trước. Tương tự, với những câu khoa học xã hội khó, em chọn luôn đáp án mà bản thân nghĩ là đúng. Em chỉ quay lại làm tiếp nếu còn thời gian", Bảo chia sẻ.
Luyện đề như thi thật
Thi đánh giá năng lực đợt 1 đạt 1.008 điểm, Trần Kim Hữu, học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (Phú Yên), cũng bắt đầu ôn luyện khá muộn, vào đầu học kỳ 2. Mỗi tuần, Hữu giải một đề, đặt mình trong tâm thế như thi thật. "Em làm bài trong đúng 150 phút (thời lượng thi thực tế – PV), sau khi làm đề nào thì sửa kỹ đề đó. Ngoài ra, em cũng ôn thêm từ sách luyện thi", nam sinh nói.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) hồi đầu tháng 4.2024. NHẬT THỊNH
Hữu cho biết, vì học giỏi tự nhiên nên em không mất quá nhiều thời gian để ôn lại phần này. Tuy nhiên, phần tiếng Việt "khá lạ" nên Hữu chọn tổng ôn kiến thức, sau đó luyện đề để biết mình còn "hổng" ở đâu. Với tư duy logic, bí quyết nằm ở việc luyện nhiều đề để làm quen với các dạng câu hỏi, từ đó có thể xử lý dễ dàng. Phân tích số liệu thì phải nắm rõ nội dung câu hỏi, như "tăng nhanh hơn" khác "tăng nhiều hơn", theo Hữu.
"Khi làm bài, em ưu tiên giải quyết từ trên xuống dưới, câu nào không chắc chắn, không làm được và tốn quá 3-5 phút thì em sẽ đánh dấu lại. Sau khi làm xong hết, em quay lại những câu ở trên để suy nghĩ thêm, đồng thời dành khoảng 15 phút điền đáp án và đọc lại một số câu đã làm. Khi thi thật, em cũng không có đủ thời gian để kiểm tra lại toàn bộ câu trả lời, nên câu nào 'chắc điểm' em chỉ đọc lướt qua", Hữu nhấn mạnh.
Nam sinh cho biết thêm, phần tiếng Anh trong đề thi không khó, còn sử, địa hay tiếng Việt chỉ cần tập trung nghe giảng trên lớp thì sẽ nắm đủ kiến thức. "Với các môn thi khoa học xã hội, nếu gặp những câu lạ, có nội dung nằm ngoài sách giáo khoa, thí sinh nên đọc kỹ câu hỏi, tìm từ khóa và kết hợp với kiến thức sẵn có để suy luận ra đáp án chính xác", Hữu chia sẻ.
Ôn thi đợt 2, lưu ý gì?
Từng đạt 900 điểm đợt 1 sau đó bứt phá lên 1.029 điểm đợt 2 trong kỳ thi đánh giá năng lực 2023, Nguyễn Thị Như Quỳnh, sinh viên ngành kinh tế đối ngoại, Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 tại TP.HCM, khuyên thí sinh cần xác định độ tự tin của bản thân với các môn thi theo thứ tự lần lượt là cao, trung bình, thấp, từ đó đề ra chiến lược ôn luyện phù hợp, hiệu quả.
Cụ thể, với những môn thi còn yếu, Quỳnh nói hãy dành thời gian ôn lại kiến thức căn bản, trọng tâm. Cần lưu ý, thí sinh phải học để hiểu chứ đừng học vẹt. Với các môn thi là thế mạnh, các bạn cần đảm bảo thi "chắc tay", đúng tối thiểu 80-90% ở môn tự tin nhất và 50-70% ở môn tự tin trung bình.
Quỳnh chia sẻ thêm, để đạt điểm cao phần tư duy logic và phân tích số liệu, thí sinh hãy luyện đề thật nhiều và mỗi ngày để tăng độ nhạy bén trong tư duy. Đối với phần sử, địa, thí sinh có thể ôn qua các đề trắc nghiệm giữa kỳ, cuối kỳ. "Khi luyện đề, nếu câu nào sai thì ghi chú lại, sau đó đọc kiến thức liên quan và phân tích xem sai ở đâu. Tuyệt đối không đọc đáp án rồi thuộc lòng", nữ sinh viên nhấn mạnh.
Năm nay, thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 đạt con số kỷ lục với gần 94.000 người. NGỌC LONG
Cũng theo Quỳnh, trước khi "chốt" thi đánh giá năng lực đợt 2, thí sinh cần xác định lại xem kỳ thi này có thực sự phù hợp với năng lực bản thân hay không. Bởi, các câu hỏi trong đề thi chủ yếu đánh giá mức độ nắm bắt, hiểu biết cơ bản. Lợi thế lớn nhất, do đó, nằm ở việc thí sinh có nền tảng kiến thức tốt ở các môn thi, chứ không phụ thuộc vào việc giỏi vượt trội ở một môn nào đó.
Ngoài ra, thí sinh cần đánh giá xem điều gì khiến cho điểm thi không như mong đợi ở đợt 1. Đó là vì năng lực cá nhân, hay vì bản thân chưa thực sự tâm huyết với kỳ thi? Và liệu có sự chuẩn bị, đầu tư ổn hơn thì các bạn có tự tin làm bài tốt hơn không? Đó những là câu hỏi thí sinh cần phải tự vấn để đưa ra quyết định chính xác nhất, Quỳnh nhận định.
Theo Ngọc Long/TNO
Bình luận (0)