Giám thị kiểm tra thẻ dự thi của TS trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010. Ảnh: T.T.Q |
Còn chưa đầy một tuần nữa là đến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2010. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm nay cả nước có gần 1,9 triệu hồ sơ đăng ký dự thi. Đối với những TS lần đầu tiên thi ĐH sẽ không tránh khỏi sai sót đáng tiếc, vì vậy chúng tôi xin cung cấp những thông tin cần thiết về kỳ thi để TS rút kinh nghiệm.
TS được điều chỉnh những sai sót
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tất cả TS thi ĐH, CĐ phải có mặt tại trường đã đăng ký dự thi theo đúng thời gian và địa điểm ghi trong giấy báo dự thi để làm thủ tục dự thi. Cụ thể, TS phải xuất trình giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (đối với những TS vừa dự kỳ thi tốt nghiệp) hoặc bản sao bằng tốt nghiệp (đối với những TS đã tốt nghiệp những năm học trước); nhận thẻ dự thi (nếu giấy báo dự thi không kiêm thẻ dự thi); nhận phòng thi và nghe phổ biến quy chế dự thi. Ngoài ra, nếu thấy có những sai sót hoặc nhầm lẫn về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng, khu vực ưu tiên, khối thi, trường và ngành học… thì TS phải báo cáo ngay với hội đồng tuyển sinh để được điều chỉnh ngay. Riêng trường hợp bị mất thẻ dự thi hoặc các giấy tờ cần thiết khác, TS phải báo cáo và làm cam đoan để ủy viên phụ trách điểm thi xem xét, xử lý.
Những quy định TS phải tuân thủ
Theo đó, TS phải có mặt tại địa điểm thi đúng ngày, giờ quy định. TS nào đến chậm quá 15 phút sau khi đã bóc đề thi sẽ không được dự thi. TS vắng mặt một buổi thi thì không được thi tiếp các buổi sau. Trước buổi thi đầu tiên, TS phải trình thẻ dự thi cho cán bộ coi thi, cũng như xuất trình giấy chứng minh thư khi cán bộ coi thi có yêu cầu. Khi vào phòng thi, TS phải tuân thủ các quy định sau: chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính điện tử không có thẻ nhớ và không soạn thảo được văn bản; không được mang vào khu vực thi và phòng thi giấy than, bút xóa, các tài liệu, vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng để làm bài thi và các vật dụng khác. TS không được hút thuốc trong phòng thi. Theo quy chế, trước khi làm bài thi TS phải ghi đầy đủ số báo danh (cả phần chữ và phần số) vào giấy thi và nhất thiết phải yêu cầu cả hai cán bộ coi thi ký và ghi rõ họ tên vào giấy thi. Bài làm phải viết rõ ràng, sạch sẽ, không nhàu nát, không đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng. Nghiêm cấm làm bài bằng hai thứ mực, mực đỏ, bút chì (trừ hình tròn vẽ bằng com pa được dùng bút chì). Các phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo, không dùng bút xóa. Bộ GD-ĐT lưu ý các TS phải bảo vệ bài làm của mình và nghiêm cấm mọi hành vi gian lận, không được xem bài của TS khác, không được trao đổi ý kiến, trao đổi tài liệu khi làm bài; nếu cần hỏi cán bộ coi thi điều gì phải hỏi công khai. Phải giữ gìn trật tự, im lặng trong phòng thi. Trường hợp ốm đau bất thường phải báo cáo để CBCT xử lý. Không làm được bài, TS cũng phải nộp giấy thi. Khi nộp bài, TS phải tự ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký tên xác nhận vào bản danh sách theo dõi TS.
Thời gian diễn ra các đợt thi và khối thi
Bộ GD-ĐT quy định, thời gian cho mỗi đợt thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ là 4 ngày (có 3 đợt): ngày thứ nhất làm thủ tục dự thi, ngày thứ hai và thứ ba làm bài thi và ngày thứ tư dự trữ cho trường hợp cần thiết. Đợt 1 (ngày 4 và 5-7) thi khối A và V. TS thi khối V, sau khi dự thi môn toán, lý, thi tiếp năng khiếu vẽ đến 8-7. Lịch thi: ngày 3-7 TS đến địa điểm thi làm thủ tục dự thi, xử lý những sai sót trong đăng ký dự thi; ngày 4-7: sáng thi toán, chiều thi lý; ngày 5-7: sáng thi hóa, chiều (dự trữ). Đợt 2 (ngày 9 và 10-7) thi khối B, C, D và các khối năng khiếu. TS thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa (khối H, N thi văn theo đề thi khối C; khối M thi văn, toán theo đề thi khối D; khối T thi sinh, toán theo đề thi khối B; khối R thi văn, sử theo đề thi khối C), thì thi tiếp các môn năng khiếu đến 14-7. Lịch thi cụ thể: ngày 8-7 TS đến địa điểm thi làm thủ tục và xử lý sai sót (nếu có); ngày 9-7: sáng thi sinh (khối B), văn (khối C và D), chiều thi toán (khối B, D), sử (khối C); ngày 10-7: sáng thi hóa (khối B), địa (khối C), ngoại ngữ (khối D). Đợt 3 (ngày 15 và 16-7) thi hệ CĐ: các trường CĐ có thi các môn năng khiếu đến ngày 20-7.
Khối thi và môn thi của các trường, ngành năng khiếu: khối N thi các môn: văn, kiến thức âm nhạc, năng khiếu âm nhạc; khối H thi các môn: văn, hội họa, bố cục; khối M thi các môn: văn, toán, đọc, kể diễn cảm và hát; khối T thi các môn: toán, sinh học, năng khiếu TDTT; khối V thi các môn: toán, vật lí, vẽ mỹ thuật; khối S thi các môn: văn, 2 môn năng khiếu điện ảnh; khối R thi các môn: văn, lịch sử, năng khiếu báo chí; khối K thi các môn: toán, vật lí, kỹ thuật nghề.
Các môn lí, hóa, sinh và ngoại ngữ sẽ thi theo phương pháp trắc nghiệm. Thời gian làm bài đối với môn thi tự luận là 180 phút và với môn trắc nghiệm là 90 phút.
T.D
TS chỉ được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau 2/3 thời gian làm bài và sau khi đã nộp bài làm, đề thi cho cán bộ coi thi, trừ trường hợp ốm đau cần cấp cứu do người phụ trách điểm thi quyết định. |
Bình luận (0)