Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thi ĐH môn Văn: Quá nhiều bài viết “vẹt”, lảm nhảm vô hồn

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi đã chấm hơn 1.000 bài thi môn Văn của thí sinh nhiều trường ĐH, thầy giáo Trần Hinh – giảng viên khoa Văn học, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã thốt lên: "Tôi thất vọng!". Ông đã có cuộc trò chuyện với PV Báo Thanh Niên.

> Mời bạn bấm VÀO ĐÂY để tra cứu điểm thi CĐ-ĐH 2009.
* Ông nhận xét như thế nào về các bài làm "câu hỏi mở" của thí sinh năm nay?
Chấm điểm môn Văn ở trường ĐH Sư phạm TP.HCM – Ảnh: Nhựt Quang
– Đây là năm đầu tiên đề thi ra dạng này, sau một thời gian dài vắng bóng. So với 2 câu khác trong đề thi thì đây là câu mà thí sinh (TS) làm nhợt nhạt nhất. Ví dụ, ở khối C thì TS giỏi văn viết khá hơn ở góc độ là đỡ ngây ngô và đỡ hô khẩu hiệu kiểu "trung thực, trung thực, trung thực". Còn lại, hầu hết các bài thi viết theo kiểu "vẹt" chứ không thể hiện được chính kiến. Thậm chí đề thi yêu cầu viết về sự trung thực nhưng TS lại viết không trung thực. Ví dụ một TS đã mở bài thế này: "Hôm qua, ngày cuối cùng đánh dấu một kỳ thi, bước ngoặt của cuộc đời một con người, một người bạn đã tỏ ý khuyên tôi mang tài liệu ruột mèo vào phòng thi. Tôi ậm ừ cho qua và phân vân xem có mang vào phòng thi không. Tối hôm đó khi đọc được bức thư của Lincoln  viết cho con trai mình…". Đọc xong chúng tôi không nhịn được cười. Có cán bộ chấm thi còn nói đùa: thế thì đề thi bị lộ à?!
Nói là đề mở, nhưng người ra đề lại gần như đã kết luận là cần phải viết như thế nào rồi: viết về trung thực, viết về tác dụng của việc đọc sách… thì học sinh làm sao có thể viết ngược lại, họ chưa thể có đủ bản lĩnh để phản biện lại. Nghĩa là ngay từ đề đã "đóng".
Một điều dễ nhận thấy nhất ở các bài làm của TS là cứ hỏi về cái gì thì các em lại "bốc" cái đó lên. Đa số TS cứ theo đà hô khẩu hiệu là chính, chứ không bài viết nào bày tỏ được ý kiến chân thành của các em. Ví dụ, khi đề yêu cầu viết về sự trung thực thì các em hết lời ca ngợi sự trung thực; viết về niềm tin thì không ngớt lời ca ngợi niềm tin… Ở đề thi khối C có câu nói của Lincoln  về sự trung thực, một TS đã viết: "Khi đọc xong câu nói của Lincoln  thì tôi cảm thấy ủng hộ với cách nghĩ của ông tổng thống người Mỹ đó. Không phải vì quyền cao, chức trọng mà ông cho phép mình và con trai của mình làm trái với luật lệ, trái với lương tâm…". Có những TS, cả bài viết chỉ ca ngợi Lincoln  một cách sáo rỗng như: "Chỉ với một câu nói, một ý kiến nhưng đã phản ánh cho ta đức tính cao quý, đáng trân trọng của một vị tổng thống". Chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều những câu văn lảm nhảm, vô hồn như thế. Thậm chí, sau này báo chí phát hiện ra câu nói đó không phải của Tổng thống Lincoln  thì chúng tôi lại càng cảm thấy buồn cười.
* Có bài nào được đánh giá là sáng tạo và được điểm cao không thưa ông?
– Những bài văn tôi đã chấm thì ít lắm. Điểm cao thì cũng có, nhưng rất ít bài có sáng tạo đặc biệt. Chúng tôi cũng chỉ chấm để phân biệt được cái văn thật, văn giả của TS mà thôi. Với những bài được điểm cao thì hầu hết là do diễn đạt suôn sẻ, gãy gọn, chứ chưa có em nào thể hiện được chính kiến và không có gì "sáng chói" cả. Có TS được đánh giá là có vẻ sáng tạo trong làm bài thì chúng tôi lại nghi ngờ về sự "trung thực". Cứ như là họ đang "diễn". Chẳng hạn, kể về sự trung thực khi ở nhà, có em đã bịa ra một câu chuyện rằng: "Có lần em rủ bạn đến chơi, không may bạn làm vỡ cái lọ hoa. Khi bố mẹ về nhà đáng lẽ là em phải nói là bạn làm vỡ nhưng em lại nói là con mèo làm vỡ, sau đó em cứ ân hận mãi…"!
Theo tôi, cũng không thể trách được vì hầu hết các em đã được học theo khuôn mẫu từ những năm lớp 1. Ít khi các em được làm bài văn theo kiểu phản đề. Trong cuộc sống cũng vậy, các em cũng ít khi được thể hiện chính kiến. Các em thường được giáo dục là phải nói đúng theo cái này, nói đúng theo cái kia. Thế nên thói quen đó đã ăn sâu và suy nghĩ của các em mất rồi.
Còn một lý do khác tôi nghĩ cũng là do đề thi, vì năm nay là năm đầu tiên thử nghiệm dạng đề này, Bộ thì lại muốn phải đổi mới, mà đổi mới thì không thể chỉ ở các thầy ra đề, cần phải có sự thay đổi đồng bộ, cả từ phía học sinh, cả bên ngoài xã hội… Đằng này, nói là "đề mở", nhưng người ra đề lại gần như đã kết luận là cần phải viết như thế nào rồi: viết về trung thực, viết về niềm tin, viết về tác dụng của việc đọc sách… thì học sinh làm sao có thể viết ngược lại, họ chưa thể có đủ bản lĩnh để phản biện lại. Nghĩa là ngay từ đề đã "đóng". Thế nên khó có thể yêu cầu TS có một bài làm sáng tạo được. 
* Vậy kết quả bài làm của TS năm nay như thế nào?
– Tôi phát biểu theo quan điểm của riêng mình: Tôi thất vọng về kết quả thi môn Văn năm nay. Bởi lẽ đây là năm đầu tiên lứa TS được học theo chương trình mới, học theo chương trình sách giáo khoa tích hợp, đúng ra phải có được kết quả khả quan, tiến bộ, sáng tạo và linh hoạt hơn. Vậy nhưng lại chẳng thấy có tiến bộ gì. Thậm chí kết quả môn Văn năm nay thấp hơn mọi năm do chất lượng làm bài kém hơn. Có thể do đề thi văn có tới gần 50% nội dung của chương trình mới nên nhiều TS tự do chưa được học và đã không làm được bài.
Hơn nữa, theo tôi, cách dạy văn của các trường hiện nay vẫn theo lối mòn. Giáo viên thì phải chạy theo chương trình, dạy cho đủ khối lượng nên ít có thời gian dạy cho TS được những cái sáng tạo. Còn học sinh thì cũng không có thời gian và không gian để phát biểu chính kiến. Vì vậy, không dễ dàng mà hy vọng việc ra đề thi như vừa rồi sẽ thay đổi được cách dạy và học văn hiện nay. Đó là chưa nói việc chấm văn cũng vẫn phải tuân thủ theo một đáp án đóng. Tôi e rằng, sang năm lại có một loạt sách hướng dẫn về cách làm những bài văn theo kiểu "đề mở" như năm nay.
Vũ Thơ Thực hiện (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)