Trong tuần làm việc thứ nhất của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết (NQ) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Sang tuần làm việc thứ hai của kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận sôi nổi xung quanh dự thảo NQ này. Theo đó, hầu hết các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết của việc thông qua NQ này …
Hầu hết các đại biểu Quốc hội đều tán thành với Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM
Cơ hội để TP.HCM dẫn dắt phát triển kinh tế cả nước
Trình Quốc hội dự thảo NQ này, ông Dũng cho biết, NQ hướng đến xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM, góp phần xây dựng và phát triển TP như mục tiêu đã đặt ra tại các NQ của Bộ Chính trị và Quốc hội.
“Việc xây dựng cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho TP.HCM mà còn tạo điều kiện cho TP phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dũng, nội dung chính của dự thảo NQ có 7 nhóm cơ chế, chính sách.
Tham gia thảo luận về NQ này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, đây là nội dung rất quan trọng Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 nhằm thể chế hóa tinh thần NQ số 24-NQ/TW và NQ số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, NQ số 31-NQ/TW có nêu rõ cần hết sức chú trọng đến việc phân cấp, phân quyền cho TP.HCM trên một số lĩnh vực, đây là điểm nhấn trong NQ trên. Trên tinh thần đó, Ban Cán sự Đảng Chính phủ cũng như Chính phủ đã có nhiều phiên họp để định hướng, trao đổi, chia sẻ và thống nhất, sau đó hoàn thiện. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có những phiên họp thảo luận sâu về vấn đề này để trình Quốc hội. Có thể nói, dự thảo NQ trình Quốc hội tại kỳ họp lần này đã khá hoàn thiện.
Bà Trà cho biết, tại kỳ họp lần này, dự kiến Quốc hội sẽ phân cấp, phân quyền cho TP.HCM một số nội dung, trong đó nổi lên vấn đề liên quan tới Sở An toàn thực phẩm. Về cơ sở chính trị thì đã được căn cứ vào Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư và căn cứ theo tinh thần NQ số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị. Về pháp lý, các luật cũng có quy định liên quan; đặc biệt liên quan tới Luật An toàn thực phẩm. Trên thực tiễn, Chính phủ đã cho TP.HCM thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm từ năm 2017 và đã được thực hiện rất hiệu quả. Qua tổng kết đánh giá với 3 mô hình thí điểm gồm TP.HCM, Đà Nẵng và Bắc Ninh thì TP.HCM thực hiện hiệu quả nhất. Từ đó, trên cơ sở Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư, TP cũng có đề xuất tiếp tục nâng cấp thí điểm từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành Sở An toàn thực phẩm. Từ các cơ sở trên có thể thấy đã đủ điều kiện, tiêu chuẩn để nâng cấp từ ban lên sở và được thí điểm trong 5 năm khi NQ được Quốc hội thông qua.
Theo đó, bà Trà mong muốn các đại biểu Quốc hội sẽ ủng hộ TP.HCM trong việc thực hiện thí điểm mô hình này để tổng kết, rút kinh nghiệm và đánh giá hiệu quả thực hiện trên tinh thần Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư. Qua đó kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước theo hướng thống nhất có một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm về an ninh, an toàn thực phẩm.
Chính sách đặc thù là cần thiết trong thời điểm này
Đây là nhấn mạnh của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) khi góp ý cho dự thảo NQ. Theo đại biểu Nghĩa, hàng chục năm qua, đóng góp của TP.HCM vào tốc độ tăng trưởng và ngân sách quốc gia luôn cao nhất cả nước. NQ 31/2022 (của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) cũng khẳng định vai trò, tầm quan trọng, động lực lan tỏa của TP.HCM với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, TP.HCM xuất hiện điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là việc huy động nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Nếu không tháo gỡ được vướng mắc, vai trò đầu tàu kinh tế của TP.HCM trong vùng và cả nước sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, việc ban hành NQ mới thay thế NQ 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM là cần thiết trong thời điểm này. Trong đó, các cơ chế, chính sách phải thực sự đột phá và vượt trội như NQ 31/2022 đã nêu.
Cần nới “chiếc áo quá chật” để TP.HCM phát triển Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, có nhiều ý kiến cho rằng “TP.HCM đang trong chiếc áo quá chật, cần nới ra ngay để TP phát triển”. Vì thế, các chính sách thiết kế tại dự thảo NQ về thí điểm cơ chế đột phá phát triển TP.HCM được Quốc hội đưa ra nhằm giúp TP.HCM có thêm nguồn lực, tự chủ, phân cấp phân quyền và giúp TP phát triển mạnh mẽ, xứng tầm. |
Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM) đánh giá cao nội dung dự thảo NQ cho TP.HCM được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ, chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn. Bởi thực tế thời gian qua, TP.HCM có chi thu nhập tăng thêm với cán bộ, công chức nhưng vẫn xảy ra tình trạng cán bộ nghỉ việc vì khối lượng công việc quá lớn đi kèm trách nhiệm nặng nề.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhấn mạnh, đây là những cơ chế, chính sách xứng đáng và nên có cho TP.HCM. Tuy nhiên, dù cho phép TP.HCM thí điểm cơ chế về đầu tư, tài chính, đất đai mà bộ máy nhân sự không đủ năng lực thực hiện thì không có ý nghĩa. Vì vậy, cần trao quyền cho TP.HCM tự tổ chức bộ máy phù hợp với điều kiện của TP trên cơ sở quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đối với những sở, ngành liên quan lĩnh vực văn hóa, kinh tế thì nên trao cho TP.HCM quyền quyết định tổng số biên chế một cách linh hoạt, phù hợp. Về thu hút nhân tài, đặc biệt là lĩnh vực khoa học – công nghệ, TP.HCM cần cơ chế nổi trội, thậm chí khác với quy định hiện hành.
Đại biểu Vũ Ngọc Long (tỉnh Bình Phước) cho rằng, việc xây dựng dự thảo NQ của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế cho NQ 54/2014/QH14 sẽ giúp TP thực sự là đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, văn hóa, khoa học – công nghệ lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, về sự cần thiết, tờ trình của Chính phủ đã nêu sự phát triển của TP.HCM có dấu hiệu chững lại.
“Theo tôi, sự chững lại này không hoàn toàn do NQ 54 mà còn do sự triển khai trên thực tế. Sự chững lại trên cũng do chưa có sự liên kết vùng, chưa có định hướng tốt để TP.HCM thực sự trở thành đầu tàu của vùng và cả nước. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại về sự cần thiết ban hành NQ để các đại biểu Quốc hội thuyết phục được cử tri; đồng thời nhận được sự đồng thuận cao khi Quốc hội thông qua NQ…”, đại biểu Long góp ý.
Thùy Linh
Bình luận (0)