Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thí điểm dạy ngoại ngữ từ lớp 3: Kỳ 2: Đi mượn… giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên người nước ngoài được tăng cường dạy tiếng Anh tại Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM. Ảnh: Q.Huy

Chương trình dạy thí điểm tiếng Anh từ lớp 3 chính thức được đưa vào 100 trường tiểu học trên cả nước bắt đầu từ năm học mới. Với nhiều địa phương, đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và trình độ ngoại ngữ cho giáo viên (GV) và học sinh. Nhưng cũng có nhiều địa phương kêu trời vì thiếu nhiều thứ quá.
Lấy đâu ra giáo viên?
Trong khi nhiều gia đình ở các tỉnh, thành phố lớn “đổ xô” cho con đi học tiếng Anh từ khi trẻ còn ở độ tuổi mẫu giáo thì việc dạy tiếng Anh trong các nhà trường, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn đang trong quá trình… tìm đường. Vì hiện nay ở nhiều trường tiểu học trên cả nước việc dạy tiếng Anh vẫn chưa được triển khai. Tại Hà Nội, hầu hết các trường đã đưa tiếng Anh vào giảng dạy tự chọn cách đây 8 năm nhưng khi ngoại ngữ trở thành môn học bắt buộc, nhiều trường lại đau đầu giải bài toán thiếu giáo viên. Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) bắt đầu dạy thí điểm tiếng Anh cho học sinh lớp 3 từ năm học 2002-2003 nhưng đến năm 2008, trường mới chính thức được tổ chức thi biên chế GV tiếng Anh và hiện mới có một giáo viên. Theo thầy Nguyễn Trần Vỵ, Hiệu trưởng nhà trường, khi ngoại ngữ trở thành môn học bắt buộc với thời lượng 4 tiết một tuần thì thiếu GV trầm trọng. Hiện tại, trường có 14 lớp từ lớp 3 đến lớp 5, mỗi tuần có 28 tiết tiếng Anh nên phải huy động thêm một cô đang làm tổng phụ trách, có bằng cử nhân ngoại ngữ, tham gia giảng dạy. Chưa kể, trường vẫn chưa có phòng chức năng cho việc dạy ngoại ngữ. Phòng Giáo dục huyện Sóc Sơn cho biết, từ năm 2009 chương trình Learning, một số trường thí điểm bốn tiết một tuần trên toàn thành phố. Đến năm nay, việc học bốn tiết một tuần khó đáp ứng vì thiếu GV. Huyện chỉ có một GV tiếng Anh biên chế, còn hầu hết là chuyển từ THCS xuống. Trước dạy hai tiết một tuần đã khó khăn, nếu tăng bốn tiết một tuần thì càng khó hơn. Triển khai chương trình mới cũng khó vì không có nguồn kinh phí để tăng số tiết, thuê GV.
“Ở Sóc Trăng, việc dạy ngoại ngữ cho học sinh tiểu học từ lớp 3 trở lên mới chỉ triển khai được ở 52 trong tổng số 298 trường tiểu học của tỉnh. Đây là những trường đã đạt chuẩn quốc gia nhưng cơ sở vật chất phục vụ cho dạy ngoại ngữ vẫn rất… tạm bợ, phòng học tiếng Anh chỉ có đài và băng cassette. Những trường còn lại khó mà triển khai được việc dạy tiếng Anh vì GV ngoại ngữ không có” – ông Lý Tài Thế, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Sóc Trăng cho biết.
Thiếu thì đi… mượn!
Thiếu GV tiếng Anh ở tiểu học là vấn đề mà nhiều địa phương hiện đang phải đối mặt. Theo thống kê, để có thể thực hiện việc dạy ngoại ngữ, Cần Thơ đang thiếu 50 GV. Hiện tại, việc dạy ngoại ngữ mới chỉ được tiến hành ở những trường dạy 2 buổi/ngày (khoảng 50% số học sinh tiểu học của tỉnh). Những trường này phải sử dụng GV tiếng Anh ở THCS để “lấp chỗ trống” vì chưa có GV tiếng Anh tiểu học được đào tạo bài bản, chủ yếu là “vay mượn” từ cấp trên xuống dạy cấp dưới hoặc do GV có trình độ cử nhân dạy.
Sử dụng GV ngoại ngữ trống tiết ở THCS dạy ở tiểu học cũng là giải pháp tình thế mà Cà Mau thực hiện. Ông Vương Hồng Hào, Phó trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Cà Mau phân tích: Trong số 262 trường tiểu học mới có 44 trường với 405 lớp từ 3 đến 5 đang dạy tiếng Anh. Dạy ngoại ngữ cho học sinh tiểu học đang là vấn đề rất bức xúc với Cà Mau vì dù muốn nhưng “lực bất tòng tâm”. Ngay ở TP. Cà Mau cũng chỉ có 10/32 trường tiểu học tổ chức dạy tiếng Anh. Một số trường đã dạy môn học này vài năm nay thì tổ ngoại ngữ cũng có từ 4-5 GV (Trường Tiểu học Nguyễn Tạo, Hùng Vương…). Như vậy, để có thể dạy phủ kín ngoại ngữ trong tất cả các trường thì chắc… còn lâu. Sở dĩ vậy vì các môn học khác có thể dạy thay hoặc sử dụng GV kiêm nhiệm còn ngoại ngữ và tin học thì không thể áp dụng cách làm này. Năm học tới, Cà Mau dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 10% số trường tổ chức dạy ngoại ngữ nhưng vẫn phải sử dụng giải pháp tình thế như hiện nay một số điểm trường đang làm “mượn” GV THCS xuống dạy tiểu học.
“Ở Điện Biên, việc dạy tiếng Anh cũng chỉ triển khai ở các trường thuộc TP. Điện Biên Phủ, thị xã, thị trấn vì số GV tiếng Anh hiện tại chỉ đáp ứng được việc giảng dạy ở 50 trường. Đấy là chưa kể đến việc, toàn tỉnh có tới 88,6% học sinh tiểu học là người dân tộc (chủ yếu là người Thái, người Mông) – vượt qua được “rào cản” ngôn ngữ để học trò hiểu được tiếng Việt cũng đã khó rồi” – ông Đào Thái Lai, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên cho biết.
Để khắc phục khó khăn về tình trạng thiếu trầm trọng GV phục vụ cho việc dạy ngoại ngữ từ lớp 3, một số tỉnh như Cà Mau, Điện Biên… đã lên kế hoạch “đặt hàng” các trường CĐSP địa phương đào tạo GV tiếng Anh cho tiểu học. Nhưng theo lộ trình cũng phải 3 năm sau mới có “lứa” GV được đào tạo bài bản đầu tiên tốt nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc các địa phương sẽ phải tiếp tục đối mặt với khó khăn trong việc triển khai này trong thời gian… chờ đợi và học sinh là đối tượng thiệt thòi khi không được tiếp cận với công cụ giao tiếp của thời đại.
Thiên Lam

Bình luận (0)