Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thí điểm dạy ngoại ngữ từ lớp 3: Kỳ cuối: Các thành phố lớn cũng gặp khó

Tạp Chí Giáo Dục

20% HS lớp 3 ở TP.HCM sẽ được học chương trình tiếng Anh bắt buộc trong năm học mới này và sẽ nhân rộng dần lên vào các năm sau. Ảnh: Mê Tâm

Trong năm học mới này, Bộ GD-ĐT sẽ thí điểm dạy ngoại ngữ (NN) là môn học bắt buộc từ lớp 3 tại 100 trường ở 10 tỉnh, thành phố. Các trường sẽ dạy tiếng Anh với thời lượng 4 tiết/tuần theo chương trình tiếng Anh mới do Bộ GD-ĐT ban hành.
TP.HCM: Khó về bài toán giáo viên
Sở GD-ĐT TP.HCM đã bắt đầu dạy thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường cho HS tiểu học từ năm học 1998-1999 và đạt được những hiệu quả nhất định nên nhu cầu của phụ huynh muốn cho con em vào học chương trình này ngày càng cao. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, các trường tiểu học (TH) trên địa bàn thành phố vẫn chưa nhận được kế hoạch triển khai dạy chương trình NN bắt buộc cho HS lớp 3.
Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng GDTH, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Cho đến thời điểm này sở vẫn chưa thể triển khai việc thực hiện thí điểm dạy tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3 vì chưa nhận được tài liệu hướng dẫn của bộ. Tuy nhiên, hướng sắp tới của sở là ưu tiên lựa chọn các trường đang thực hiện giảng dạy chương trình tiếng Anh tăng cường tham gia làm thí điểm cho đề án vì đây là những trường có sẵn đội ngũ giáo viên (GV) và cơ sở vật chất tương đối tốt”.
Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 là một trong những trường đang giảng dạy chương trình tiếng Anh tăng cường đạt kết quả cao. Ngoài ra, trường còn có chương trình tiếng Anh tự chọn và tiếng Anh Cambridge. “Hiện Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm có 4 GV chính dạy tiếng Anh và 2 GV thỉnh giảng. Nếu được chọn làm thí điểm dạy chương trình tiếng Anh bắt buộc cho HS lớp 3 thì nhà trường sẽ thực hiện được vì có cơ sở vật chất cũng như đội ngũ GV đảm bảo nhu cầu cho việc dạy NN”, cô Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định.
Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ là một trong số ít những trường tại TP.HCM có đội ngũ GV dạy tiếng Anh tương đối tốt, còn rất nhiều trường hiện chỉ có một vài GV dạy bộ môn này hoặc chưa có GV nào. Vì vậy, việc giảng dạy tiếng Anh bắt buộc cho HS lớp 3 hiện nay ở các trường tiểu học gặp không ít khó khăn.
Chương trình tiếng Anh tăng cường cho HS tiểu học đã được triển khai ở TP.HCM từ 11 năm nay nhưng cho đến thời điểm này mới chỉ đáp ứng nhu cầu 10% HS. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ HS tiểu học được học chương trình này qua mỗi năm tăng không đáng kể là do ngành GD-ĐT chưa tuyển dụng được đầy đủ GV.
Thầy Bùi Ngọc Phi, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Trọng Tuyển, quận Bình Thạnh chia sẻ: “Hiện việc giảng dạy tiếng Anh ở trường chỉ theo hình thức tự chọn, chủ yếu dành cho HS bán trú. GV dạy tiếng Anh tự chọn là do nhà trường thuê ở các trung tâm về thỉnh giảng, GV chính đến nay vẫn chưa có. Nếu năm nay thực hiện thí điểm chương trình tiếng Anh bắt buộc cho HS lớp 3 thì nhà trường vẫn chưa thực hiện được vì đội ngũ GV còn thiếu rất nhiều. Hiện trường có 15 lớp 3, nếu áp dụng chương trình dạy tiếng Anh bắt buộc 4 tiết/tuần thì phải cần ít nhất là 4 GV. Chúng tôi không thể tuyển đủ chừng này người. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, các phương tiện nghe nhìn phục vụ cho việc giảng dạy tiếng Anh của nhà trường cũng còn thiếu”.
Việc tuyển dụng GV dạy tiếng Anh cho HS tiểu học đã khó, cách níu giữ họ ở lại giảng dạy lại càng nan giải hơn. Thực tế, nhiều năm qua, ngành GD-ĐT TP.HCM luôn đào tạo, bổ sung thêm đội ngũ GV tiếng Anh tăng cường nhưng thực tế, nhiều GV sau khi giảng dạy được một thời gian đã bỏ nghề vì thu nhập thấp.
Thầy Bùi Ngọc Phi tâm sự: “Nếu trả lương cho đội ngũ GV theo chế độ trả lương hiện hành giống như các GV khác thì sẽ rất khó giữ chân họ lại vì theo tôi được biết, thu nhập của GV dạy tiếng Anh ở các trung tâm cao hơn rất nhiều. Còn nếu trả lương cao hơn, ngoài khoản ngân sách quy định của Nhà nước ra sự chênh lệch lương thưởng của GV trong trường cũng là vấn đề khó giải quyết”.
Theo ông Lê Ngọc Điệp: “TP.HCM có thể đạt tỷ lệ 20% HS lớp 3 học NN từ năm học này nhưng quy mô mở rộng lên 70% đến 100% thì cần một thời gian nữa chúng ta mới có thể thực hiện được. Hiện TP.HCM đã áp dụng một số chương trình tiếng Anh cho HS TH như tiếng Anh tự chọn, tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh Cambridge… nên việc đào tạo đội ngũ GV dạy tiếng Anh và nâng cao cơ sở vật chất cần được quan tâm thỏa đáng”.
TP. Cần Thơ: Thiếu đủ thứ
Theo Sở GD-ĐT, năm học 2009-2010, trên địa bàn TP. Cần Thơ có 111 trường tiểu học thực hiện dạy tiếng Anh với 1.317 lớp, 42.147 HS theo học (tỉ lệ: 42.147/89.520), chiếm khoảng 47% HS TH toàn thành phố. Trong đó, có 84 trường dạy tiếng Anh tự chọn và 27 trường dạy cả tiếng Anh tự chọn và tăng cường. Thực hiện Quyết định số 50/2003/QĐ-BGDĐT ngày 30-10-2003 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo cho các trường tiểu học dạy tiếng Anh tăng cường 6 tiết/tuần bắt đầu từ lớp 2 theo bộ giáo trình Let’s Go của Đại học Oxford. Học sinh học tiếng Anh tự chọn 2 tiết/tuần bắt đầu từ lớp 3 theo một trong hai bộ giáo trình Let’s Go hoặc Let’s Learn English.
Nhu cầu học tiếng Anh ở các trường tiểu học vùng ven là có thật, nhưng để tổ chức việc dạy học tiếng Anh cho bậc TH ở các trường hiện nay là rất khó khăn.
Một trong những nguyên nhân các trường vùng ven và ngoại thành không thể tổ chức dạy tiếng Anh là do thiếu phòng học. Chẳng hạn, tại Trường TH Vĩnh Trinh 3, do đang thi công 8 phòng học mới nên HS của trường phải học nhờ tại Trường THCS Vĩnh Trinh. Do đó, không có phòng học để có thể học Anh văn trái buổi. Trường TH Thạnh Lộc 1 cũng rơi vào trường hợp tương tự vì trường chỉ đủ phòng để tổ chức lớp 1 buổi. Bà Tô Thị Loan Anh, cán bộ phụ trách bậc TH, Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Hiện nay, điều kiện cơ sở vật chất các trường TH trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh còn nhiều khó khăn, nên ít trường dư phòng để tổ chức học Anh văn trái buổi cho HS”.
Ngoài nguyên nhân thiếu điều kiện cơ sở vật chất, các trường TH vùng ven còn gặp khó do thiếu GV. Cô Võ Thị Mướt, Hiệu trưởng Trường TH Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, nói: “Trường cũng mong muốn tổ chức dạy Anh văn theo chỉ đạo của ngành, nhưng do không có GV Anh văn nên không thể dạy được”. Tình trạng thiếu GV Anh văn cũng là tình trạng chung của nhiều trường TH ở vùng ven và ngoại thành TP. Cần Thơ như: Trường TH Vĩnh Trinh 3, TH Thạnh Lộc (huyện Vĩnh Thạnh), TH Thạnh Phú 3, TH Đông Thắng (huyện Cờ Đỏ),… Ông Trần Ngọc Nghị, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cờ Đỏ, than: “Ngành giáo dục huyện cũng tuyển dụng GV dạy tiếng Anh cho HS TH nhưng không có nguồn. Hiện toàn huyện chỉ có 13 GV Anh văn trong tổng số 21 trường TH”. Ở huyện Vĩnh Thạnh còn đến 11 trường tiểu học chưa có GV Anh văn. Hầu như, GV Anh văn chỉ đủ ở các trường TH ở các quận trung tâm thành phố. Hiện nay, toàn TP. Cần Thơ chỉ có 111 GV Anh văn trong tổng số 171 trường TH. Mặt khác, do từ trước đến nay, các trường sư phạm cũng chỉ đào tạo GV dạy Anh văn THCS, THPT mà không đào tạo GV dạy Anh văn tiểu học nên không có nguồn để tuyển dụng.
DƯƠNG BÌNH – BẢO NGỌC

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)