Theo kế hoạch của Bộ GD& ĐT, chương trình thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3 bắt đầu năm học 2010- 2011. Tuy nhiên, nhiều trường tiểu học không thu hút được giáo viên tiếng Anh giỏi.
Một tiết học tiếng Anh do giáo viên nước ngoài dạy ở trường Tiểu học Tây Sơn, Hà Nội . Ảnh: Hồng Vĩnh |
Không mặn mà với tiểu học
Bộ GD- ĐT đang triển khai Chương trình Thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3 từ năm học 2010- 2011 ở 18 tỉnh thành, và dự kiến sẽ mở rộng thí điểm ở 20% số trường tiểu học trong năm học tới. Tại các thành phố lớn, nguồn tuyển giáo viên tiếng Anh không thiếu nhưng chưa có chính sách ưu đãi phù hợp. Trong khi ở những tỉnh khó khăn, vùng sâu- vùng xa thì lại thiếu nguồn tuyển. Khó khăn này khiến nhiều địa phương lưỡng lự trước kế hoạch thí điểm của Bộ GD&ĐT.
Trong năm học này, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có 9 trường thí điểm chương trình này trong năm học 2010 – 2011. Với thâm niên 12 năm tổ chức mô hình dạy tiếng Anh tăng cường (dạy từ lớp 1 với 8 tiết/tuần), TP Hồ Chí Minh được xem là nơi có điều kiện thuận lợi để triển khai chương trình. Tuy nhiên, các trường lại khó cạnh tranh nguồn nhân lực giáo viên tiếng Anh với các trung tâm ngoại ngữ.
"Thành phố có khoảng 700 trung tâm ngoại ngữ. Giáo viên giỏi ở các trung tâm này được trả 20 – 25 USD/ tiết. Chỉ khi lương giáo viên tiếng Anh của trường bằng với bằng mức lương ở trung tâm ngoại ngữ, họ mới quay về với chúng tôi", ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT TP HCM phân tích.
Cô Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B (Hà Nội), cho biết: Quy định mỗi trường có 1 giáo viên tiếng Anh biên chế trong khi trường Thành Công B có tới 31 lớp học. Để có giáo viên dạy chương trình thí điểm và chương trình tiếng Anh tự chọn, ngoài 1 giáo viên biên chế, trường phải ký hợp đồng thêm với 2 giáo viên khác.
Nhà trường phải cố gắng cân đối các nguồn chi để trả mức lương thỏa đáng, giữ được các cô giáo gắn bó với trường. Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội, do nguồn thu hạn chế (chủ yếu dựa vào khoản thu học buổi thứ hai), nhiều trường chỉ có thể trả 17.000 đồng/tiết và trả theo tiết cho giáo viên hợp đồng.
Liên kết với nước ngoài
Sau khi cử giáo viên dự kỳ sát hạch của Bộ GD&ĐT và được phép thực hiện thí điểm, trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) xin rút lui khỏi chương trình. Như vậy năm học 2010- 2011, Hà Nội chỉ có 8 trường thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3.
Theo giải thích của Sở GD&ĐT Hà Nội, lý do xin rút của trường Tràng An là "không đủ điều kiện triển khai", mặc dù trường này vẫn được xem là nơi có điều kiện đảm bảo dạy học thuộc loại tốt nhất trong hệ thống trường công lập của Hà Nội.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ trường Tràng An từ chối thí điểm vì họ đang thực hiện chương trình DyNet (một chương trình của Mỹ). Nhiều trường tiểu học còn liên kết với trung tâm ngoại ngữ danh tiếng để dạy tiếng Anh cho học sinh theo các chương trình tiên tiến, có nơi còn sử dụng cả giáo viên tiếng Anh người bản địa (các nước nói tiếng Anh).
Theo một cán bộ quản lý Sở GD&ĐT Hà Nội, thực tế này khiến Hà Nội khó tăng số lượng trường thực hiện chương trình thí điểm của Bộ GD&ĐT. "Những nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt, giáo viên giỏi thì họ có nhu cầu áp dụng các chương trình phù hợp với yêu cầu của phụ huynh. Còn những nơi khác thì đa số lại khó khăn".
Theo ông Lê Ngọc Điệp, để chương trình dạy tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3 thành công, Bộ GD&ĐT và các địa phương cần có chính sách ưu đãi nhiều hơn cho giáo viên tiếng Anh. Để nâng cao thu nhập cho giáo viên tiếng Anh ở các trường dạy chương trình thí điểm, TP HCM đã cho phép những giáo viên này dạy cả tiếng Anh thí điểm và tiếng Anh tăng cường (tiếng Anh tăng cường được phép thu tiền của phụ huynh nên có nguồn để chi trả cho giáo viên).
Với 216 trường tiểu học trên toàn tỉnh, năm học 2011 – 2012, tỉnh Hoà Bình sẽ có 43 trường thực hiện thí điểm dạy thí điểm tiếng Anh từ lớp 3 theo lộ trình của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, trường nào muốn dạy thí điểm, giáo viên tiếng Anh phải vượt qua một cuộc sát hạch do Bộ GD& ĐT tổ chức.
Hoà Bình cử 8 giáo viên của 5 trường đi thi (đều là các trường của TP Hoà Bình). Kết quả chỉ có 3 giáo viên của 3 trường đạt tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT.
Bà Nguyễn Thị Hồng Diễm, chuyên viên của Sở GD&ĐT Hoà Bình cho biết, hầu hết giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học ở Hoà Bình là giáo viên dôi dư của cấp THCS chuyển xuống. Dù họ có trình độ cao đẳng sư phạm tiếng Anh, thậm chí nhiều người còn có bằng đại học tại chức, nhưng để đạt yêu cầu của Bộ GD&ĐT vẫn phải được bồi dưỡng thêm.
|
Quý Hiên / TPO
Bình luận (0)