Cuối tuần qua, tại ĐH Cần Thơ, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo “Tham vấn với các địa phương, cơ sở đào tạo Dự án thí điểm đưa bác sĩ (BS) trẻ tình nguyện về công tác vùng khó khăn, biên giới, hải đảo”. Có thể nói, nếu dự án này thành công thì ngành y tế sẽ giải được bài toán bệnh viện chờ BS, cử nhân y thất nghiệp…
Các tân BS và các BS nội trú tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ say sưa với Đề án BS trẻ tình nguyện của Bộ Y tế |
Theo số liệu của Bộ Y tế, hàng năm cả nước có khoảng 12.000 BS ra trường. Tỷ lệ BS/vạn dân là hơn 10 BS. Thời gian tới, với việc tăng số trường ĐH được đào tạo ngành y dược, dự kiến mỗi năm cả nước có hơn 15.000 BS tốt nghiệp, sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa BS và dược sĩ.
Vùng khó khăn “khát” BS
Bộ Y tế thừa nhận dù số lượng đào tạo nhiều nhưng sự phân bố nhân lực lại không đều giữa các địa phương dẫn đến tình trạng thừa BS tại những khu vực phát triển và thiếu ở các vùng khó khăn. Thời gian qua, dù Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình đào tạo BS bằng ngân sách cho vùng khó khăn và tuyến y tế cơ sở…
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế – thì: Những hệ đào tạo được hưởng cơ chế đặc thù này vẫn không đáp ứng được yêu cầu cung ứng BS cho vùng sâu, vùng khó khăn. Bởi phần lớn người học khi ra trường không thực hiện theo cam kết… Bên cạnh đó, do tác động của nền kinh tế thị trường, môi trường và điều kiện làm việc, số BS có nguyện vọng chuyển công tác lên tuyến trên làm việc ngày càng nhiều, dẫn đến số lượng và chất lượng nguồn nhân lực y tế không đồng đều giữa các tuyến…
“Một bộ phận lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH y khoa chưa được sử dụng đã làm việc trái với nghề đào tạo hoặc ở lại các thành phố, thị xã chờ thời. Các BS mới ra trường không mặn mà trở về công tác tại địa phương, nếu có thì cũng rất ít. Những lý do các bạn trẻ nêu ra là nơi công tác ở địa phương thiếu cơ sở vật chất, không có điều kiện nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Hầu hết BS về quê công tác chỉ một thời gian rồi lại tìm cách chuyển lên tuyến TW”, ông Hưng nêu thực trạng.
Kết quả điều tra tại 63 tỉnh, thành của Bộ Y tế cho thấy, số lượng BS công tác tại tuyến huyện chiếm 30% trên tổng số BS của cả nước (16.213/57.066 BS). Song sự phân bố BS giữa các huyện không đều. Tại các huyện nghèo, nhiều bệnh viện huyện chỉ có 7-8 BS (trong đó có 1-2 BS chuyên khoa I), trung tâm y tế có 4-5 BS…
Thậm chí có những bệnh viện huyện, do thiếu BS chuyên khoa nên BS khoa ngoại đảm nhận hầu hết các ca phẫu thuật từ nối cẳng chân, tay bị gãy, cắt ruột thừa, mổ sản khoa đến mổ thận, thậm chí mổ tim… Và đương nhiên, hậu quả của tình trạng này là bệnh nhân “lãnh đủ”. Có trường hợp bệnh nhân bị gãy xương cẳng chân và bị hoại tử nhưng BS không chẩn đoán ra, hậu quả bệnh nhân phải cưa 1/3 chân…
Thực trạng này đã làm mất niềm tin của người bệnh đối với tuyến dưới và dẫn đến tình trạng quá tải tuyến TW…
Đưa BS giỏi về vùng trũng
Khảo sát tại 20 tỉnh có huyện nghèo, tất cả đều mong muốn đội ngũ BS trẻ có trình độ sau ĐH về công tác tại tuyến huyện để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Theo đó, Bộ Y tế đã xây dựng dự án “Thí điểm đưa BS trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn, biên giới, hải đảo (ưu tiên 62 huyện nghèo)”, nhằm thu hút BS trẻ mới ra trường tình nguyện về công tác; tiến tới cung cấp khoảng 500 BS trẻ có chất lượng cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Đối tượng tham gia dự án là BS dưới 30 tuổi, hệ chính quy, tốt nghiệp loại khá, giỏi, hoặc có bằng chuyên khoa I, thạc sĩ y khoa trở lên và BS nội trú tại các trường ĐH y dược. Thời gian tình nguyện tối thiểu là 3 năm (nam) và 2 năm (nữ). Nếu được xét duyệt, các BS trẻ ký hợp đồng làm việc với Bộ Y tế và Ban quản lý dự án phân công về làm việc tại những cơ sở y tế tuyến huyện. Trong thời gian làm việc, các BS được đào tạo chuyên khoa I theo nguyện vọng và yêu cầu của địa phương. Về chính sách, BS tình nguyện được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp theo lương và những quyền lợi khác… Đồng thời, các cơ sở y tế tuyến huyện sẽ tạo điều kiện nơi ở, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cần thiết, phù hợp với điều kiện của địa phương phục vụ cho hoạt động của các BS tình nguyện. Sau thời gian công tác theo hợp đồng với dự án, các BS sẽ được Bộ Y tế đặc cách tiếp nhận và bố trí công tác tại những cơ sở y tế trực thuộc bộ như Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, Bệnh viện TW Nhiệt đới… và ưu tiên học lên chuyên khoa II, tiến sĩ y khoa… Dự án khép lại vào năm 2019 và chỉ tiếp nhận khoảng 300 BS.
Đây thực sự là một “lời mời” hấp dẫn mà Bộ Y tế dành cho các BS trẻ. Và nếu dự án này thành công thì chắc chắn các cơ sở y tế tuyến huyện ở vùng trũng sẽ bớt “khát” BS, nhất là những BS có chuyên môn. Điều đó cũng có nghĩa, người dân ở những vùng này không còn bị thiệt thòi trong việc khám chữa bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe…
Bài, ảnh: Đan Phượng
Trường ĐH Y dược Cần Thơ trao bằng tốt nghiệp cho trên 1.700 sinh viên Ngày 30-7, Trường ĐH Y dược Cần Thơ đã tổ chức Lễ trao bằng tốt nghiệp cho 1.707 sinh viên (SV) các ngành bác sĩ (BS), dược sĩ (DS), cử nhân. Theo đó, đối với hệ chính quy, khóa học BS được tuyển sinh từ năm 2010, sau 6 năm học, có 559 tân BS nhận bằng tốt nghiệp gồm: BS đa khoa có 422/447 SV đủ điều kiện tốt nghiệp (94,4%), trong đó 42 SV tốt nghiệp loại giỏi (9,9%), loại khá: 272 (64,5%); BS răng hàm mặt có 85/89 SV tốt nghiệp (95,5%), trong đó loại giỏi – 14 SV (16,5%), khá – 63 SV (74,10%); BS y tế dự phòng có 52 SV tốt nghiệp (100%), trong đó loại giỏi – 3 SV, khá – 44 SV. Đối với ngành DS (trình độ ĐH) có 164 SV tốt nghiệp, trong đó loại giỏi – 36, khá – 84; ngành cử nhân y tế công cộng có 17 SV tốt nghiệp (1 loại xuất sắc, 12 loại giỏi, 4 loại khá); ngành cử nhân xét nghiệm có 84 SV tốt nghiệp (22 giỏi, 52 khá). Đối với hệ liên thông, ngành BS đa khoa có 263 SV tốt nghiệp; DS ĐH – 306; cử nhân điều dưỡng các ngành – 242. Như vậy, trong 1.707 SV tốt nghiệp, có 10% đạt loại giỏi, 53,4% loại khá… Theo Phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược Cần Thơ, dự kiến ngưỡng điểm chuẩn xét tuyển hệ chính quy năm 2016 vào các ngành y – dược của trường là 20 điểm, các ngành cử nhân là 17 điểm. Đ. Phượng |
Bình luận (0)