Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thí điểm dùng sách giáo khoa điện tử: Cơ hội đưa CNTT vào dạy – học tiên tiến

Tạp Chí Giáo Dục

Trưởng phòng GD-ĐT các quận huyện và hiệu trưởng các trường tiểu học sử dụng thử sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng tại hội thảo chiều 18-8.
Với hàng ngàn tỷ đồng chi cho đề án; học hết lớp 3 thì học sinh (HS) học tiếp giáo trình gì? Có thể bớt đi một số trang thiết bị không cần thiết hay không? Độ tuổi này tiếp xúc thường xuyên với máy tính bảng thì sức khỏe, thị lực có bị ảnh hưởng không?… Đây là những ý kiến được đưa ra tại Hội thảo Giới thiệu sách giáo khoa điện tử (SGKĐT) và máy tính bảng dành cho HS tiểu học lớp 1, 2, 3 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 18-8.
Hội thảo thực hiện dựa trên đề án: Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 giai đoạn 2014-2015. Hiện đề án đang trình Bộ GD-ĐT xem xét phê duyệt.
Còn vài băn khoăn
SGKĐT có nội dung được cài đặt vào thiết bị máy tính bảng (loại  7-10 inches), khối lượng không lớn giúp giáo viên (GV), HS tiện sử dụng. Mọi tương tác dạy – học, quản lý đều thông qua kết nối internet. Nhiều lãnh đạo các trường, phòng GD-ĐT đánh giá cao bởi SGKĐT khắc phục khối lượng lớn của SGK giấy mà hàng ngày HS phải mang vác đến trường. Ngoài ra SGKĐT còn kích thích tính năng động sáng tạo, khả năng tư duy cho HS.
Tuy nhiên sau khi tham quan mô hình phòng học mẫu, cô Đinh Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chính Nghĩa (Q.5) hỏi: “Ở độ tuổi từ 6 đến 11, nếu tiếp xúc thường xuyên với máy tính bảng thì thị lực có chịu ảnh hưởng gì không? Rồi một số sinh hoạt, kỹ năng sống khác nữa”. Cô Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) cũng băn khoăn: “Trong quá trình dạy – học, mỗi máy cùng phát ra âm thanh, vậy chúng ta có nên bổ sung thêm tai nghe? Hiện trường tôi có 3 đường truyền internet tốc độ cao, nhưng mới sử dụng cho 5 phòng đã gây nhiễu. Như thế nếu đưa nhiều phòng cùng sử dụng mô hình SGKĐT thì sẽ không ổn. Chưa kể, giá một bộ thiết bị lên đến 181 triệu đồng nhưng bộ trả lời trắc nghiệm chỉ có 35 chiếc, như vậy sẽ không đủ với sĩ số trên 40 HS/lớp. Nếu lấy của lớp này dùng sang lớp khác thì không được vì mỗi bộ đều cài đặt mã riêng…”.
Đứng ở phương diện lãnh đạo Phòng GD-ĐT, cô Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 cũng có ý kiến: “Tháng 9 này phần mềm sẽ cài đặt xong liệu có kịp không khi năm học sắp đến? Có phù hợp không khi chương trình thay SGK mới cũng đang cận kề? Thiết nghĩ nên thực hiện ở học kỳ 2, như thế chúng tôi có sự chuẩn bị, có sự trao đổi, lấy ý kiến của phụ huynh”.
Bên cạnh đó, một số ý kiến khác cũng cho rằng, các trang thiết bị như microphone, camera không cần thiết đưa vào. Không cần thiết phải trang bị máy tính xách tay cho GV, máy chiếu vật thể vì bảng tương tác đã tích hợp đầy đủ nội dung. Nên chăng tiết kiệm những khoản này hỗ trợ cho khoản khác. Hay thiết bị trục trặc thì nhiệm vụ bảo hành thuộc về ai?…
Riêng về lộ trình thực hiện, ông Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM  bày tỏ: “Tại sao lại thí điểm ở tiểu học mà không phải là THCS, THPT? Lộ trình đề án tổ chức trong một năm, vậy học hết lớp 3 thì HS học tiếp giáo trình gì? Và đề án ghi tháng 6-2015 mới tập huấn GV, vậy khi nào mới triển khai thí điểm?…”. Ông Phúc cho biết thêm, đề án cần nêu thêm đánh giá tác động thuận và nghịch. Thuận là ưu điểm tác động đến với GV, HS, tính lan tỏa; nghịch là tác động đến sức khỏe ra sao… Cũng cần nói rõ việc biên soạn theo nội dung SGK của bộ, để dư luận không hiểu lầm là có thêm một bộ SGK mới.
Không thể không làm

Việc thực hiện đề án sẽ xóa đi lối dạy học truyền thống thầy đọc, trò chép, thiếu thực hành, thụ động. Đây là cơ hội đưa CNTT vào để phát triển lối dạy – học tiên tiến, hiện đại (Trong ảnh: Lãnh đạo các phòng, trường đang thực hành thử SGKĐT)
Đề cập đến mục tiêu thực hiện, đề án đã đưa ra một cách cụ thể. Đó là nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ, GV trong công tác đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục; đổi mới phương pháp quản lý giáo dục theo hướng sử dụng CNTT đảm bảo tính khoa học, chính xác, hiệu quả; nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng kích thích năng động sáng tạo khả năng tư duy cho HS… Tuy nhiên, với tâm lý ngại đối diện với dư luận, tâm lý ngại khó khăn khi đầu tư kinh phí… lại chính là trở ngại để thực hiện mục tiêu đề án.
Cô Thu nhận định, khó khăn trong khâu thực hiện vẫn là kinh phí. Nhưng nếu chúng ta cứ đợi điều kiện tới thì e rằng rất khó thực hiện. “Khi có sự quyết tâm của lãnh đạo thì chúng ta vẫn có thể làm được. Đó là làm theo lộ trình: Một quận chọn 1 đến 2 trường, 1 trường chọn 1 đến 2 lớp, bởi trong hệ thống trường công lập vẫn có những phụ huynh đủ điều kiện đầu tư. Sau quá trình thí điểm sẽ sơ kết, đánh giá kết quả để có các bước tiếp theo”, cô Thu đề xuất. 
Ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo TW tại TP.HCM cũng đồng tình ý kiến của cô Thu. Ông cho rằng, việc thực hiện đề án sẽ xóa đi lối dạy học truyền thống thầy đọc, trò chép, thiếu thực hành, thụ động. Đây là cơ hội đưa CNTT vào để phát triển lối dạy – học tiên tiến, hiện đại. Qua đây tạo tiền đề lớn trong đổi mới đó là phân luồng HS ngay từ đầu. Vì thế chúng ta không thể không làm. Nếu khó khăn thì “liệu cơm gắp mắm”. Cần tận dụng mọi nguồn lực để làm, phát triển”.
Ông Phạm Ứng Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.8 kiến nghị: “Chương trình mang tính quốc gia phải có sự bảo trợ của Nhà nước. Chúng tôi muốn nhiều HS được sử dụng để tạo sự công bằng, tránh chạy trường chạy lớp. Ngoài ra, đội ngũ GV sau khi được tập huấn phải là người hiểu sâu, hiểu rõ, biết chỉnh sửa trên phần mềm cho phù hợp với người dạy và học”.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn, đề án thí điểm lần này không có gì là mới. Nội dung thực hiện theo nghị quyết 29 của TW, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo TP cũng như Bộ GD-ĐT: Đó là yêu cầu Sở TP.HCM cần thí điểm chương trình giảng dạy tiên tiến, hiện đại và lấy ý kiến rộng rãi. Việc đưa vào hệ thống trường công lập nhằm phục vụ cho đa số HS. Ngoài ra, để biết sức mình đến đâu, đáp ứng tính khoa học về thời gian thì sở quyết định thí điểm bắt đầu từ lớp 1, 2, 3. Tuy nhiên, “Hiện nay chúng ta có khá nhiều mâu thuẫn. Chúng ta lo không có kinh phí nhưng ngại xã hội hóa. Muốn HS không mang vác nhiều SGK đến trường nhưng lại sợ ảnh hưởng đến thị lực. Muốn nhiều đối tượng tham gia nhưng lại sợ trường VIP, lớp VIP. Đổi mới bằng việc thí điểm trước để rút kinh nghiệm thì lại ngại vượt rào dư luận xã hội…”, ông Sơn thổ lộ.
Được biết, đến nay Sở GD-ĐT đã trình UBND TP 2 phương án và đang tiếp tục đưa các phương án ra để lấy ý kiến rộng rãi của nhà quản lý, GV, phụ huynh nhằm đạt được sự đồng thuận cao khi triển khai. Sau hội thảo, sở cũng ghi nhận các ý kiến đóng góp để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đề án trình UBND xem xét, phê duyệt.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Theo danh mục bộ thiết bị cho một phòng học bao gồm: Bộ thiết bị, phần mềm đính kèm, camera quan sát lớp học, bảng viết, hệ thống âm thanh, tủ sạc máy tính bảng, đào tạo sử dụng, bảo hành… Tất cả thể hiện trong 3 mô hình. Kinh phí mô hình 1 là 262 triệu đồng; mô hình 2 khoảng 175 triệu đồng, mô hình 3 khoảng 566 triệu đồng. Theo đó, mỗi GV được trang bị một máy tính bảng bằng nguồn ngân sách TP. Mỗi HS từ lớp 1-3 cần trang bị một bút chấm đọc điện tử, một máy tính bảng có cài đặt SGKĐT, các chương trình ứng dụng dạy – học từ hai nguồn đầu tư: Ngân sách TP hỗ trợ cho HS thuộc diện đối tượng chính sách. Và HS không thuộc đối tượng chính sách thì phụ huynh HS tự bỏ kinh phí mua sắm. Kinh phí được thanh toán trong 2 năm kể từ ngày bàn giao thiết bị cho HS.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)