Thứ năm, 4/7/2024, 13h57

Thí điểm Khu thương mại tự do: Động lực để Đà Nẵng “bứt tốc”

Với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới Khu thương mại tự do Đà Nẵng đã mở ra cơ hội cho TP này thu hút đầu tư, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.


Đà Nẵng vừa có cảng biển vừa có cảng hàng không quốc tế là điều kiện thuận lợi để thiết lập Khu thương mại tự do

Mô hình thí điểm đầu tiên tại Việt Nam

Việc quyết định thành lập thí điểm mô hình Khu thương mại tự do (FTZ) Đà Nẵng đã đánh dấu địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm mô hình này. Theo đó nghị quyết gồm 4 chương, 18 điều, quy định về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; quản lý đầu tư; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP; thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng; đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Trong đó, việc thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được quy định, đó là ngoài các lĩnh vực quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, TP được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa và đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng chợ.

Tổng mức đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng chợ không thấp hơn 100 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa do HĐND TP quy định. UBND TP ban hành giá dịch vụ cho thuê diện tích bán hàng tại chợ để đưa vào hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư...

Đặc biệt, nghị quyết quyết nghị việc thành lập FTZ Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu, có các khu chức năng được quy định tại quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định pháp luật. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Thành lập FTZ phải gắn với cảng biển

Kiến trúc sư Vũ Quang Hùng - Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng - nhìn nhận, mặc dù mô hình FTZ có nhiều ưu điểm vượt trội nhưng tại Việt Nam, mô hình này vẫn chưa từng được thí điểm. Nguyên nhân đầu tiên là do hành lang pháp lý cho việc hình thành và phát triển các FTZ chưa được luật định. Việc xã hội chưa hiểu đúng và phân biệt rõ ràng các thuật ngữ như Khu phi thuế quan, Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Kho ngoại quan hay FTZ theo định nghĩa quốc tế cũng là một rào cản không nhỏ. Đây cũng là lý do dẫn đến việc FTZ chưa được nhìn nhận đầy đủ về những lợi ích đem lại từ các tác động của chúng dưới góc độ kinh tế - xã hội.

Để phát triển FTZ trở thành một đột phá chiến lược phát triển cảng biển và kinh tế ở Đà Nẵng, cần xác định địa điểm, quy mô xây dựng FTZ trên địa bàn phù hợp với các quy hoạch liên quan, thực trạng và định hướng phát triển kết nối giao thông, dịch vụ ở quy mô vùng và liên vùng. Mặt khác, cần rà soát và kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chính sách kinh tế - thương mại và các chính sách liên quan như phát triển nguồn nhân lực, phát triển các tiện ích (tài chính-bảo hiểm-ngân hàng, y tế), phục vụ hoạt động của doanh nghiệp trong FTZ…

“Với vị trí chiến lược của Đà Nẵng như hiện nay, vừa có cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế, vừa có khu vực biên giới biển, biên giới đường bộ, đồng thời là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông - Tây… chúng ta hoàn toàn có thể thiết lập được FTZ. Tại đó, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài có thể đem hàng hóa đến, tổ chức sản xuất, sơ chế, đóng gói, dán nhãn trước khi xuất khẩu đến nước khác hoặc sau đó mới đưa vào nội địa Việt Nam, đây là điều thuận lợi lớn. Để làm được điều này rất cần sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương để làm sao có thể quy hoạch và tạo ra được một FTZ trong thời gian sớm nhất”, ông Hùng nói.

Dự án bến cảng Liên Chiểu có diện tích 450ha gồm các khu bến container, bến cảng tổng hợp, bến thủy nội địa, bến hàng lỏng/khí; công suất thiết kế 50 triệu tấn/năm vào năm 2050. TP.Đà Nẵng đang triển khai xây dựng phần cơ sở hạ tầng dùng chung, bao gồm đê chắn sóng, luồng tàu, đường sau cảng với tổng mức đầu tư 3.426 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu lớn nhất của dự án này là phát triển bến cảng Liên Chiểu có đầy đủ chức năng mà các nhà đầu tư, hãng tàu vận tải quan tâm, tận dụng ưu thế nổi trội về kết nối với tuyến đường sắt, giảm chi phí logistics... để đủ sức cạnh tranh quốc tế.

Cũng theo ông Hùng, theo “Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” và “Quy hoạch TP.Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” thì FTZ Đà Nẵng có thể đặt ở khu vực Tây Bắc TP. Bởi khu vực này được gắn với cảng biển Liên Chiểu - là yếu tố thuận lợi hàng đầu cho một FTZ. Hơn thế nữa, khu vực này hiện nay chủ yếu là các khu/cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, dân cư chưa nhiều nên việc quy hoạch thành FTZ tương đối dễ dàng. Khi đó toàn bộ khu vực Tây Bắc TP sẽ như một kho ngoại quan khổng lồ, hàng hóa đưa xuống các kho/bãi ở đây chưa phải đóng thuế, có thể tiếp tục chế biến, lắp ráp, chia tách để đưa tiếp đi nước khác hoặc sau đó mới đưa vào nội địa Việt Nam.

“FTZ Đà Nẵng được thành lập sẽ có tiềm năng thu hút các tập đoàn quốc tế xây dựng các trung tâm mua sắm tập trung gắn với các dịch vụ chất lượng cao làm đa dạng hoạt động thương mại, dịch vụ gắn với vai trò trung tâm của Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW và Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị”, ông Hùng khẳng định.

Nhật Lệ