Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thi đúng chương trình

Tạp Chí Giáo Dục

Rất nhiều người đọc không kỹ chương trình (CT) môn ngữ văn nên thường hiểu sai yêu cầu của việc ra đề thi, kiểm tra đánh giá kết quả môn học này. Xã hội hiểu chưa đúng là bình thường, nhưng đến giáo viên và cán bộ chỉ đạo chuyên môn cũng hiểu chưa đúng thì không nên. Hầu hết đều cho rằng, thi đúng CT là ra đề thi, kiểm tra đúng vào những tác phẩm CT quy định dạy trên lớp. Mà tất cả các tác phẩm được học đều đã được chuyển thành văn mẫu, có mặt khắp nơi. Vì thế, nhìn chung câu nghị luận văn học trong các đề thi lâu nay là dành cho học sinh chép văn mẫu. Thầy chấm lại văn của các thầy. Trong khi từ lâu việc đánh giá phải căn cứ vào yêu cầu cần đạt của CT. Nếu đọc kỹ, hiểu đúng sẽ thấy CT ghi rất rõ yêu cầu cần đạt về cách đọc. Ví dụ, với lớp 12 là: “Biết cách đọc hiểu một tác phẩm truyện hiện đại Việt Nam theo đặc trưng thể loại”. Tương tự, yêu cầu ấy với các tác phẩm thơ, ký, kịch (CT ngữ văn 2006, trang 127-128). Có nghĩa là CT không chỉ yêu cầu học sinh biết tác phẩm nào mà còn biết cách đọc hiểu loại tác phẩm ấy. Chính yêu cầu này buộc giáo viên cần dạy cho học sinh cách đọc hiểu văn bản văn học theo thể loại. Và như vậy, khi thi phải đánh giá được cách đọc hiểu của học sinh. CT hiện hành đã đặt ra yêu cầu này nhưng chưa thực hiện được. CT 2018 nhấn mạnh lại và ghi rõ trong yêu cầu đánh giá: đề ra nên sử dụng các ngữ liệu mới, những văn bản học sinh chưa học trên lớp. Cần làm cho học sinh, phụ huynh và xã hội hiểu “thi đúng CT không có nghĩa là chỉ loanh quanh hỏi về mấy tác phẩm đã học” mà cần tập trung đánh giá năng lực đọc, trong đó có “cách đọc” của học sinh.

PISA gọi “cách đọc” là siêu nhận thức. Đánh giá năng lực đọc không chỉ yêu cầu hiểu một văn bản cụ thể mà còn phải đánh giá được “phương pháp đọc”, “cách đọc”. Để dễ hiểu, tôi xin dẫn ra ví dụ về việc đánh giá cách đọc của PISA. Bài tập được nêu là: “Em muốn giúp đỡ một bạn 12 tuổi hiểu 3 trang văn bản viết về động vật và cây cối trong rừng. Theo em, cách hướng dẫn nào sau đây là hữu ích để giúp bạn nhỏ hiểu được 3 trang văn bản ấy”. Sau đó họ yêu cầu đánh dấu vào cách mà học sinh cho là hữu ích hoặc không hữu ích với 6 cách đọc sau đây: “1. Đầu tiên cho học sinh 12 tuổi tóm tắt văn bản. Sau đó chúng tôi cùng kiểm tra lại xem tóm tắt đã nêu được hết các điểm quan trọng của văn bản chưa. 2. Tôi bảo em học sinh đọc to văn bản hai lần và sau đó chép lại văn bản. 3. Sau khi em đã đọc to văn bản, chúng tôi cùng thảo luận những từ khó mà em ấy không hiểu. 4. Tôi đưa cho em một văn bản thứ hai cùng chủ đề, chúng tôi cùng đọc trực tiếp sau văn bản thứ nhất. 5. Tôi đọc to văn bản, còn em học sinh gạch chân các từ không hiểu. Tôi cố gắng giúp em hiểu rõ những gì chưa hiểu. Sau đó viết tóm tắt. 6. Em học sinh đọc to văn bản và tôi chữa khi em mắc lỗi. Sau đó tôi giải thích ý nghĩa của các từ mà em đã đọc sai” (PISA 2009). Các chuyên gia cho rằng 1., 3. và 5. là 3 cách hướng dẫn đọc hiểu hiệu quả hơn 2., 4. và 6. Theo cách kiểm tra trên, giáo viên có thể thiết kế những câu hỏi, bài tập để đánh giá được “cách đọc” của học sinh, bên cạnh yêu cầu đọc hiểu một văn bản cụ thể, nhất là một văn bản chưa học.

PGS.TS Đ Ngc Thng

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)