Cháu tôi đang học ở một trường trung học phổ thông (THPT) kể rằng, ngay từ đầu năm học, các bạn trong lớp của cháu đã tập trung học những môn thi vào đại học. Ngay cả các thầy giáo, cô giáo dạy các môn thi vào đại học cũng khuyên “các em đừng học những môn không thi, mất thời gian”.
Lãnh đạo một số trường THPT, đặc biệt là các trường tư thục, dân lập giờ đây đã không còn giấu giếm chuyện cắt xén chương trình mà thậm chí còn tự hào “khoe” rằng, đã “dũng cảm bỏ qua môn học phụ để tập trung cho kỳ thi của các em”, coi đó là “thế mạnh” của trường.
Ảnh minh họa/Internet
|
Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành giới hạn, cấu trúc đề thi tốt nghiệp phổ thông thì phần lớn các giáo viên lớp 12 cứ “bám vào đó mà dạy”. Quan niệm “thi gì, học nấy” giờ đây đã trở thành phổ biến không những đối với nhiều học sinh mà còn là phương châm của nhiều giáo viên và các bậc phụ huynh học sinh.
Thi cử là khâu quan trọng để đánh giá quá trình dạy và học. Trước kia, với mục tiêu giáo dục toàn diện, chúng ta đã đề ra chủ trương “học gì, thi nấy” và ngành giáo dục nước nhà đã thu được những thành tựu đáng tự hào trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Giờ đây, vẫn mục tiêu giáo dục toàn diện, nhưng, cơ chế thị trường và cơ chế thi cử của ta đã bung ra tâm lý thực dụng "thi gì, học nấy" đáng lo.
Ngoại ngữ là một trong ba môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, cũng là một trong những môn thi tuyển sinh đại học nên được các trường và học sinh chú trọng. Thế nhưng, do cách tổ chức thi trắc nghiệm của chúng ta chỉ đòi hỏi thí sinh có kỹ năng đọc, hiểu. Còn kỹ năng nghe, nói thì không đả động đến. Vì thế mới có tình trạng thí sinh đỗ điểm cao môn ngoại ngữ, nhưng khi vào đại học, không giao tiếp được với người nước ngoài. Các môn học rất cần thiết để rèn luyện nhân cách và kỹ năng sống như giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng, công nghệ, hướng nghiệp nghề… đã được coi nó là môn "phụ"… Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến học sinh của ta bây giờ, nhiều cháu chưa ngoan, nhận thức xã hội và nghề nghiệp còn hạn chế…
“Thi gì, học nấy” có hệ lụy tiêu cực cho xã hội là điều mà nhiều người nhìn thấy. Nhưng để khắc phục nó không hề dễ chút nào. Học chỉ nhắm đến thi cử có lỗi từ phía học sinh, lỗi của cha mẹ học sinh, của thầy giáo, cô giáo, của các nhà trường và lỗi của toàn xã hội. Các gia đình cho con đi học thường nhằm mục tiêu thiết thực trước mắt là thi đỗ tốt nghiệp, rồi thi đỗ đại học. Điều này tất yếu sẽ dẫn tới tình trạng giáo dục phiến diện bằng biện pháp thi gì, học nấy; thi kiểu gì, dạy kiểu nấy. Tâm lý thực dụng, chuộng bằng cấp, vốn đã ăn sâu vào tiềm thức số đông trong xã hội ta. Trong cơ chế thị trường, tâm lý thực dụng đó lại càng có “đất” để phát triển.
Muốn thay đổi được tình trạng “thi gì, học nấy”, điều cốt yếu nhất là phải đổi mới công tác thi cử theo chủ trương “học gì, thi nấy”. Trách nhiệm này thuộc về ngành giáo dục. Có thể mở rộng số môn thi tốt nghiệp THPT, đổi mới phương thức ra đề thi để học sinh bắt buộc phải có kiến thức toàn diện mới có thể tốt nghiệp THPT. Các sở, phòng giáo dục và đào tạo cần tăng cường công tác kiểm tra việc giáo dục toàn diện của các trường phổ thông trên địa bàn, đặc biệt là kiểm tra chương trình, nội dung giảng dạy ở các trường tư thục, dân lập. Phát hiện trường nào cắt xén chương trình, phải xử lý ngay.
Về phía đội ngũ giáo viên – những người đang gánh vác sứ mệnh trồng người là phải đổi mới phương pháp dạy học, tạo hứng thú, kích thích để học sinh phát triển toàn diện, không được cổ xúy cho các em học chỉ vì mục đích thi.
Theo Đỗ Phú Thọ
QĐND
Bình luận (0)