Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thi hoa hậu thiếu niên để làm gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Tỉnh Đồng Nai vừa có công văn đề nghị tạm dừng tổ chức cuộc thi Hoa hậu Sinh thái Thiếu niên Việt Nam 2023, để làm rõ vấn đề tranh chấp tên gọi cuộc thi và đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Trước đó, tỉnh Đồng Nai đã cấp phép cho cuộc thi này, vòng chung kết dự kiến diễn ra từ ngày 16 – 25/6 tại vườn quốc gia Cát Tiên.

Năm 2022, cuộc thi Hoa hậu Môi trường Thiếu niên Việt Nam bị tuýt còi vì chưa được cấp phép nhưng vẫn tổ chức họp báo, thông báo về cuộc thi, tuyển sinh. Cuộc thi đã tuyển sinh (có giám khảo chấm thi) để chọn các nữ thiếu niên tham gia các cuộc thi quốc tế, nhưng không mang danh thi hoa hậu nhằm “lách luật”. Các thiếu nữ, thiếu nhi này đều được trao vương miện, danh hiệu hoa hậu để hợp thức hóa trước khi đi thi quốc tế.

Những cuộc thi nhan sắc dành cho nữ thiếu niên, thiếu nhi khiến dư luận không khỏi lo lắng, bởi lẽ ở tuổi này sự phát triển về cơ thể, nhận thức của các em được đánh giá là chưa toàn diện. Việc để các em trình diễn, chụp ảnh, sử dụng son phấn, trang điểm đậm… như người lớn cũng không phù hợp lứa tuổi. Thậm chí trong cuộc thi Hoa hậu Sinh thái Thiếu niên Việt Nam 2023, ban tổ chức cũng dự kiến sẽ để các em trình diễn áo tắm, với “độ hở vừa phải”. Điều này thật khó thuyết phục công chúng về tính phù hợp.

Cuộc thi Hoa hậu Môi trường Thiếu niên Việt Nam 2022 chưa được cấp phép nhưng vẫn tổ chức họp báo, công bố, tuyển sinh

Cuộc thi Hoa hậu Môi trường Thiếu niên Việt Nam 2022 chưa được cấp phép nhưng vẫn tổ chức họp báo, công bố, tuyển sinh

Trên thế giới từng có những cuộc thi hoa hậu nhí, thiếu niên được tổ chức. Các nhà xã hội học nhiều lần lên tiếng cảnh báo, cho rằng việc để trẻ nhỏ tham gia các cuộc thi nhan sắc dễ làm ảnh hưởng đến tâm lý, nhận thức của các em, hình thành nên tư duy không tích cực; khiến trẻ gánh chịu nhiều áp lực; thậm chí bị lạm dụng… Các nghị sĩ Pháp, Mỹ đã từng mang vấn đề trẻ em thi hoa hậu ra bàn luận, lấy ý kiến trước những tác động tiêu cực từ các cuộc thi này.

Thực tế thời gian qua, tại Việt Nam, một vài gương mặt thiếu niên mang danh hoa hậu bị mang ra so sánh, giễu nhại trên các diễn đàn mạng; bị bình luận về hình thể… Điều này ít nhiều tác động tiêu cực đến cuộc sống của các em. Chưa kể, việc trẻ “già sớm” do tiếp xúc với hào quang của sự nổi tiếng, gánh chịu nhiều áp lực, ảnh hưởng việc học hành là thực trạng đã xuất hiện từ những sân chơi tài năng, game show dành cho đối tượng nhí, thiếu niên.

Hầu hết cuộc thi nhan sắc đều “vẽ” ra các mục đích tốt đẹp như: góp phần định hướng, giáo dục và xây dựng một thế hệ thiếu niên Việt Nam sống có hoài bão, sẵn sàng hành động vì cộng đồng; nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên… Dĩ nhiên, hoa hậu phải là hình ảnh đại diện, tiếng nói để hiện thực hóa điều này. Tuy nhiên, ở độ tuổi thiếu niên, thiếu nhi, các em không nên bị gán ghép những trách nhiệm, nhiệm vụ vốn thuộc về người lớn mà lắm khi vẫn thực hiện chưa xong, chưa tốt.

Trong hơn 20 cuộc thi hoa hậu dành cho người lớn diễn ra vào năm 2022, chỉ có một số ít ban tổ chức, người đăng quang thực hiện được những hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng, có sức lan tỏa. Phần lớn còn lại đều là “bom xịt”. Việc cổ vũ trẻ em có những ước mơ lớn, chính đáng, dùng tiếng nói để tạo ra những sự thay đổi là nên làm, nhưng đó không nên là trách nhiệm gắn với một danh hiệu nào đó.

Nếu muốn giáo dục trẻ em, thiếu niên những bài học này, còn nhiều hoạt động, sân chơi với tính chất phù hợp hơn một cuộc thi sắc đẹp – nơi mà cốt lõi vẫn là việc phô diễn váy áo, sắc vóc, thi đấu, cạnh tranh… 

Theo Trung Sơn/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)