Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thi học sinh giỏi – tạo áp lực không đáng có!

Tạp Chí Giáo Dục

Đc bài viết “Thi hc sinh gii – tt quá đi ch!” (Tp chí Giáo dc TP.HCM ra ngày 25-5-2022, trang 14) ca tác gi Nguyn Minh Hi, tôi xin có vài ý kiến trao đi thêm…


Theo tác gi, các k thi hc sinh gii hàng năm, nếu làm đúng nghĩa ca nó s có tác dng thúc đy phong trào thi đua trong hc tp, rèn luyn (nh minh ha). Ảnh: Y.Hoa

Tôi có gần 40 năm công tác trong ngành giáo dục (dạy học, quản lý ở trường phổ thông và làm chuyên viên Sở GD-ĐT) nên tôi viết ra những điều “mắt thấy tai nghe” mà bản thân đã trải nghiệm, nhận biết về công tác thi học sinh giỏi các cấp hàng năm. Chỉ có người trong ngành, trong cuộc, trong mỗi trường học mới thấu hiểu và thấm thía thực trạng thi học sinh giỏi ở cơ sở hiện nay. Đây thực chất là một “căn bệnh thành tích”, sự ganh đua (không phải thi đua) giữa các trường, các cấp với nhau.

1. Thi học sinh giỏi đã tạo nên áp lực rất lớn không đáng có trong môi trường giáo dục.

Thứ nhất là áp lực đối với lãnh đạo nhà trường, nhất là trường chuyên, trường điểm! Hiệu trưởng ngày đêm ngồi vắt óc suy nghĩ, xem đội tuyển môn nào có khả năng đạt giải để “đầu tư” mạnh hơn. Phải tận dụng mọi cách, mọi mối quan hệ, thân quen để mời các chuyên viên ở trên về thỉnh giảng với thù lao chấp nhận được. Hoặc “chơi bạo” hơn thì đưa học sinh ra tận Hà Nội, “ăn dầm nằm dề” suốt 8 tuần để ôn thi…

Thứ hai là áp lực đối với giáo viên. Những giáo viên được nhà trường tin tưởng, phân công làm nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh luôn chịu mọi áp lực từ bên trên, từ xã hội, từ phụ huynh, từ học sinh và áp lực từ… bản thân mình! Công việc luyện thi học sinh giỏi cấp cơ sở (quận/huyện, tỉnh) còn có thể tự bươn chải được, nhưng luyện thi học sinh giỏi cấp quốc gia là một thách thức lớn! Cả một biển kiến thức, không có định hướng thì “bơi” như thế nào để cập bờ thành công? Lại phải tự tìm tòi, tham khảo trên mạng; tham khảo các bậc tiền bối hoặc đồng nghiệp các tỉnh/thành khác. Càng gần đến ngày thi càng mất ăn mất ngủ; có người trở nên khó chịu! Ôn luyện học sinh giỏi cấp quốc gia trong vòng 2 tháng (8 tuần) thì khó “tiêu hóa” nổi núi kiến thức đồ sộ. Thi xong rồi lại phải chờ đợi kết quả. Nếu đạt giải, dù giải khuyến khích an ủi cũng “mừng hết lớn”, nhưng nếu “đi” cả thì giáo viên trở nên trầm cảm vì buồn. Chưa hết, có khi lãnh đạo ngành giáo dục không những không an ủi mà còn hỏi: “Dạy dỗ thế nào mà không năm nào có giải vậy?”. Nghe nói có nơi còn đưa ra quy định: “Nếu giáo viên không có học sinh giỏi thì phải luân chuyển” thì áp lực càng nặng nề hơn. Đặc biệt, cả tổ chuyên môn phải “gánh” tiết dạy cho giáo viên được phân công bồi dưỡng học sinh giỏi; ai còn ít tiết thì “gánh” thêm nên chất lượng giảng dạy chưa được đồng đều…

Thứ ba là áp lực đối với học sinh trong các đội tuyển. Các em sẽ được “miễn học, miễn trả bài” các môn khác trong 8 tuần luyện thi. Sáng, chiều ôn luyện như một lập trình định sẵn; thậm chí ôn luyện, làm thí nghiệm, thực hành cả buổi tối. Nhiều em không quen kiểu học cấp tập nên thường tỏ ra mệt mỏi, có khi còn nói “thèm ngủ ghê gớm”…

Thứ tư là áp lực đối với các bậc phụ huynh có con trong đội tuyển học sinh giỏi. Họ cũng phải “chạy theo” con về giờ giấc đưa đón; nhắc nhở con khi ở nhà… Bên cạnh đó, phải chú ý bồi dưỡng, chăm lo sức khỏe để con luôn có sức để ôn luyện. Nhiều bậc phụ huynh nhận ra rằng: mất rất nhiều thời gian ôn luyện cho một bộ môn. Trong lúc đó, tổ hợp thi là 3 môn nên có người đã làm đơn xin nghỉ ôn luyện, cho con học bình thường để ôn thi tốt nghiệp THPT tốt hơn.

Nếu thi học sinh giỏi đạt kết quả, các em rất mừng, nhưng nếu bị trượt thì các em rất dễ bị tổn thương tâm lý; có em bị trầm cảm vì bị bạn bè “chọc quê”, bị giáo viên la rầy (tuy ít nhưng vẫn có).

2. Chuyện thi học sinh giỏi không những tạo ra nhiều áp lực với nhiều đối tượng mà nó còn tạo ra những bất công trong nhà trường.

Bất công thứ nhất: Tạo ra những mặc định về môn phụ, môn chính. Môn chính là những môn có tổ chức thi học sinh giỏi; môn phụ là những môn không có thi học sinh giỏi. Trong thi đua, luôn có tiêu chí “có học sinh giỏi các cấp” thì giáo viên môn phụ luôn gặp những thiệt thòi khi xét các danh hiệu thi đua cuối năm. Có những giáo viên dạy môn phụ rất tốt; làm chủ nhiệm giỏi; được học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp tin yêu nhưng vì thiếu tiêu chí “có học sinh giỏi” nên đành phải chịu ngồi “chiếu dưới” suốt mùa. Đó là chưa nói đến tâm lý học sinh thường “nể trọng” giáo viên môn chính hơn giáo viên các môn còn lại. Có hiệu trưởng còn ví von giáo viên các môn thi học sinh giỏi như “tiền đạo” trong bóng đá, thầy cô các môn khác (không thi) cần tạo điều kiện cho các “tiền đạo” ghi bàn.

Bất công thứ hai: Khi có thành tích (có học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia chẳng hạn) thì hiệu trưởng luôn được đề cao, được chọn báo cáo điển hình, được lưu ý hơn trong các hoạt động. Còn những giáo viên ôn luyện, giáo viên khác cáng đáng trăm công nghìn việc phía sau thì không bao giờ được nhắc tới. Đúng là “hiệu trưởng nở mặt nở mày, giáo viên thì cày không kịp thở”.

Bất công thứ ba: Học sinh trong các đội tuyển được miễn học, miễn trả bài các bộ môn khác trong 8 tuần. Sau khi thi xong, các em được học bù trong 1-2 tuần và thi bù để có đủ cột điểm theo quy định. Thông thường dạy và học những phần cơ bản, sau đó giáo viên ra đề dễ cho các em đạt điểm cao để đạt tiêu chuẩn học sinh giỏi cuối năm. Những học sinh này mất kiến thức các môn khác rất nhiều. Nếu làm đúng, thi đúng quy định thì chắc chắn các em không làm bài bằng các bạn được. Vì vậy, có học sinh từng thắc mắc “nếu bạn ấy giỏi thì phải giỏi một cách tâm phục khẩu phục, còn giỏi kiểu nâng đỡ này thì các em không phục”. Đây là một kiểu “cấy điểm” một cách “bài bản, hợp pháp” và có lẽ là “quà tặng thiết thực” cho những học sinh đã nhiệt tình tham gia các đội tuyển trong thời gian qua.

Theo tôi, thi học sinh giỏi hàng năm, nếu làm đúng nghĩa của nó sẽ có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua trong học tập, rèn luyện. Nhưng thực trạng thi học sinh giỏi bây giờ chính là “bệnh thành tích”, thi luyện “gà chọi” mà thôi. Những kiến thức đạt được trong kỳ thi học sinh giỏi rồi cũng bị mai một, lãng quên nếu không có lòng đam mê; không có mục tiêu theo đuổi và thực tế qua hàng chục năm thi học sinh giỏi đã chứng minh. Vì vậy, cần xem xét, nghiên cứu từng bước bỏ các kỳ thi học sinh giỏi các cấp; giảm áp lực cho xã hội, cho nhà trường, cho giáo viên và học sinh.

Lê Lam Hng (Sóc Trăng)

 

Bình luận (0)