Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thi lớp 10 trường công: Còn căng vì đề dễ, điểm cao

Tạp Chí Giáo Dục

Đề thi dễ, điểm cao sẽ nhiều, nhưng với đặc thù của kỳ thi tuyển sinh, trong khi số chỉ tiêu tuyển sinh vào trường THPT công lập không tăng, nên sức cạnh tranh vào lớp 10 năm nay cũng không vì thế mà hạ nhiệt.
Dự đoán điểm chuẩn năm nay vào lớp 10 ở tất cả các địa phương đều tăng so với năm trước  	 /// Ảnh: Ngọc Dương

Dự đoán điểm chuẩn năm nay vào lớp 10 ở tất cả các địa phương đều tăng so với năm trước. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Gây khó cho các trường
Học sinh (HS) Hà Nội kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT (không chuyên) với tâm lý chung là “thở phào nhẹ nhõm” khi không chỉ giảm số môn thi mà mức độ khó của các đề thi năm nay đều giảm so với các năm trước.
Đồng loạt giáo viên (GV) của cả 3 môn toán, văn, ngoại ngữ đều dự báo điểm thi năm nay sẽ cao. Tuy nhiên, thầy cô và HS đều hiểu rằng “dễ người, dễ ta”. Đề dễ, điểm cao thì đương nhiên điểm chuẩn sẽ phải nâng lên. Đây là kỳ thi tuyển sinh chứ không phải đánh giá tốt nghiệp nên sẽ chọn lọc HS có kết quả từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu quy định. Chính vì vậy, việc đề thi dễ hay khó thì mức độ cạnh tranh để giành suất vào trường công lập hầu như không vì thế mà hạ nhiệt.
Thí sinh Đà Nẵng không phải lo về tỷ lệ “chọi”
 Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020 – 2021 tại TP.Đà Nẵng có 13.264 thí sinh thi trong 2 ngày 18 và 19.7, thi tuyển vào 21 trường THPT trên địa bàn thành phố. Chia sẻ chung của các thí sinh sau mỗi buổi thi là “đề không khó”, “không bẫy”, thậm chí đề có phần dễ so với các kỳ thi trước.

Ông Mai Tấn Linh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, cũng khẳng định kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được tổ chức sau kỳ nghỉ dài phòng chống dịch Covid-19, nên theo chủ trương chung là giảm tải nội dung, tạo điều kiện để các học sinh phát huy khả năng tự học, tự ôn tập.
Nhiều giáo viên tại TP.Đà Nẵng cũng có chung nhận định năm nay mức điểm chuẩn đầu vào các trường sẽ cao hơn so với năm ngoái. Ông Mai Tấn Linh cho biết: “Đặc trưng của thi tuyển sinh vẫn là đề khó thì mặt bằng chung điểm sẽ thấp; ngược lại đề dễ thì điểm cao và cao chung. Còn điểm chuẩn mỗi trường sẽ lấy theo chỉ tiêu từ trên xuống nên không phải lo về tỷ lệ “chọi”, cứ căn cứ theo trình độ và sự phân hóa của học sinh”.
An Dy – Huy Đạt 

Cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên ngữ văn Trường phổ thông liên cấp Wellspring (Hà Nội), đánh giá đề thi văn năm nay cơ bản và vừa sức với HS, phổ điểm từ 6 – 7,5 là không khó để đạt được. Với môn toán, nhiều giáo viên nhận định phổ điểm năm nay sẽ cao hơn. Ông Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên toán Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, đánh giá: “Đề phù hợp với đa số HS. Sẽ có nhiều điểm cao, phổ điểm sẽ rơi nhiều vào 7,5 – 8 điểm”. Với đề thi tiếng Anh, ông Nguyễn Trung Nguyên, giáo viên tiếng Anh của Hệ thống giáo dục Học Mãi, cho rằng điểm thi môn này được dự đoán sẽ cao hơn năm ngoái, ở mức 6,5 – 7,5 điểm. Năm nay có thể có nhiều điểm 10.

Đề thi dễ khiến những HS giỏi thực sự chia sẻ đề thi không phân hóa dành cho đối tượng xuất sắc khiến các em dễ bị đánh đồng với HS chỉ ở mức khá giỏi.

PGS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, cho rằng với tính chất của một kỳ thi tuyển sinh như tuyển vào lớp 10, thì đề thi quá dễ hay quá khó đều không đạt yêu cầu một đề thi tốt. Để ra được một đề tốt, nhóm ra đề cần phải xây dựng được bảng ma trận cấu trúc đề thi làm sao đánh giá được kiến thức kỹ năng cơ bản nhất mà cấp học yêu cầu. Đề thi phải có độ phân hóa, các ý phải có độ khó tăng dần lên, phân loại được HS. Nếu có một đề thi không tốt, theo PGS Phương Nga, hệ lụy của nó trước hết là gây khó khăn cho các trường THPT trong việc lựa chọn HS vào học. Đề không tốt, điểm quá thấp hay quá cao, không phân hóa được thì lựa chọn của các trường sẽ mang nhiều may rủi, vì có thể HS điểm sàn sàn nhau nhưng thực ra lực học rất chênh nhau.
 Thi lớp 10 trường công: Còn căng vì đề dễ, điểm cao
Sự cạnh tranh suất học vào các trường THPT công lập luôn nóng trong các kỳ tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội. ẢNH: NGỌC THẮNG
Vẫn cạnh tranh cao vì chỉ tiêu không đổi
Nhiều năm nay, Hà Nội giữ chỉ tiêu tuyển sinh vào trường THPT công lập khoảng trên 60% so với tổng số HS tốt nghiệp THCS. Năm nay chỉ tiêu này chiếm khoảng 62%, với 66.492 HS cho 111 trường THPT công lập trên toàn thành phố. Việc hẹp cửa vào trường THPT công lập cũng là điều dễ hiểu khi đây không còn là bậc học phổ cập nữa và xu hướng chung là muốn đẩy mạnh việc phân luồng sau THCS, xã hội hóa giáo dục để tạo cơ hội tuyển sinh cho trường ngoài công lập…
Như vậy, điểm thi cao thì Hà Nội sẽ phải tính toán ở mức điểm chuẩn cao tương ứng để chọn HS có điểm từ cao xuống cho đến khi hết chỉ tiêu, không có chuyện do điểm năm nay cao thì sẽ lấy thêm HS. Mức điểm chuẩn được xác định căn cứ vào điểm thi, có thể thừa một chút so với chỉ tiêu nhưng sẽ không đáng kể.
Tỷ lệ chọi vào các trường THPT tốp đầu ở Hà Nội vốn đã căng thẳng thì năm nay càng tăng thêm khi nhiều trường có tỷ lệ HS đăng ký nguyện vọng (NV) 1 tăng đến 20% so với năm trước. Cao nhất là Trường THPT Chu Văn An có tỷ lệ chọi 1/3,4 trong khi năm trước là 1/2,4; tiếp đến là Kim Liên với 1/2,6; Yên Hòa 1/2,4; Phan Đình Phùng, Lê Quý Đôn (Hà Đông) đều có tỷ lệ chọi 1/2,3.
Các trường tốp đầu khác như Việt Đức và Trần Phú (Hoàn Kiếm) đều có số lượng đăng ký dự tuyển NV1 tăng khoảng 15% so với năm trước, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh không thay đổi đáng kể. Những trường như Phan Đình Phùng, Phạm Hồng Thái, Kim Liên năm nay số chỉ tiêu được giao giảm từ 2 – 3 lớp nhưng số HS đăng ký NV1 lại có xu hướng tăng.
Cách tính điểm chuẩn thay đổi liên tục
Năm 2018 là năm “bấn loạn” trong tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội khi đề thi khó, cách chấm văn như… chấm toán, đếm ý cho điểm, khiến nhiều phụ huynh và HS sốc khi nhận được thông tin về điểm thi môn ngữ văn của con vì quá thấp. Tuy nhiên, năm đó Sở GD-ĐT TP.Hà Nội không công bố phổ điểm chung nên phụ huynh cho rằng con mình không đủ điểm đỗ vào trường THPT công và nháo nhào tìm đến các trường tư thục để nộp hồ sơ.
Năm 2019, Sở GD-ĐT Hà Nội rút kinh nghiệm, giảm độ khó của đề thi và công bố phổ điểm chung trước khi công bố điểm chuẩn. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội tỏ ra hài lòng khi phát biểu với báo chí vì phổ điểm “đẹp”. Điểm thi trên trung bình với môn toán là 80,22%; ngữ văn: 87,24%, ngoại ngữ: 55,78%, lịch sử: 89,08%. Năm 2019 là cũng năm đầu tiên Hà Nội bỏ hoàn toàn xét tuyển kết quả học bạ của 4 năm THCS mà chỉ căn cứ vào điểm thi để xét tuyển nên mức điểm chuẩn thấp hơn năm 2018 và các năm trước. Năm 2019, điểm xét tuyển hoàn toàn tính bằng điểm thi 4 môn, trong đó điểm môn văn, toán tính hệ số 2, điểm các bài thi đều tính theo thang điểm 10.
Năm nay, cách tính điểm chuẩn vào lớp 10 tiếp tục thay đổi khi Hà Nội bỏ môn thi thứ tư so với năm 2019, nên mức điểm chuẩn cũng thấp hơn so với năm ngoái dù đề thi năm nay dễ hơn. Sở GD-ĐT Hà Nội quy định điểm xét tuyển theo nguyên tắc: điểm môn toán + ngữ văn (hệ số 2) và điểm môn ngoại ngữ (hệ số 1) + điểm ưu tiên (nếu có).
Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng điều mà phụ huynh và HS cần quan tâm không phải mức điểm mình đạt được so với điểm chuẩn năm trước mà quan trọng là điểm chuẩn năm nay ở các trường có giữ theo “tốp” không hay thứ tự đó bị đảo lộn. Ví dụ, các trường mọi năm thường có điểm chuẩn ở mức cao nhất thì năm vẫn có mức điểm chuẩn ở tốp đầu, dù có thể điểm chuẩn năm nay thấp hơn hẳn so với trường đó trong quá khứ.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Bình luận (0)