TS tham gia kỳ thi tại Hội đồng thi THCS Trần Văn Ơn, Q.1
|
Ngày 29 và 30-6, hơn 3.000 thí sinh (TS) đã bước vào kỳ thi lớp 6, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Theo đánh giá từ Sở GD-ĐT thì kỳ thi diễn ra nghiêm túc, không có trường hợp nào sai sót, vi phạm quy chế thi.
Môn văn: Phân loại HS ở câu 4
Kết thúc buổi đầu thi môn tiếng Việt, nhiều TS tỏ ra hứng khởi vì làm bài tốt, đủ thời gian, đề thi không quá khó, vừa sức TS, đặc biệt đề thi được cho là hay, mang tính thực tiễn cao, TS thỏa sức sáng tạo. Em Hà Phú Phúc (HS lớp 51, Trường TH Kỳ Đồng, Q.3) tự tin cho biết: “Con làm được hết bài thi. Mặc dù câu 4 dài nhất và khó nhưng con vẫn hoàn thành. Trong đề con thích nhất câu 3. Qua câu này con đã chia sẻ những điều thú vị khi đọc sách như thế nào, và đọc sách giúp ta nắm nhiều kiến thức về thiên nhiên, cuộc sống xung quanh ra sao. Con tin nếu bạn nào đọc được bài văn của con sẽ phải tìm đến sách để đọc ngay”. Trong khi đó, Hứa Hoàng Thiên Phúc (HS lớp 52, Trường TH Lương Thế Vinh, Q.7) lại tỏ ra thích câu 2 vì được bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình về người mẹ thân yêu qua một khổ thơ trích trong bài Lời mẹ hát của tác giả Trương Nam Hương. Qua câu này, Phúc đã thể hiện hết những tình cảm của bản thân dành cho mẹ, cũng như nói đến những công lao mẹ dành cho Phúc.
Không riêng các TS, nhiều PHHS và giáo viên tỏ ra hài lòng với kiểu ra đề văn năm nay. Đề không theo một dạng văn mẫu nào cả. Yêu cầu thuộc lý thuyết ít, chỉ thể hiện ở câu 2, còn lại yêu cầu TS vận dụng kiến thức tổng quát, tính thực tiễn kết hợp với sự tư duy, sáng tạo của bản thân để làm. Dạng đề này xóa đi thực trạng học tủ, học theo văn mẫu, công bằng với tất cả HS.
Cô Nguyễn Thị Vân Châu (GV khối 5, Trường TH Lê Ngọc Hân, Q.1) cho biết: “Nếu như TS biết vận dụng kiến thức thực tiễn thì làm rất tốt. Điều này thể hiện trong câu 3. Nội dung yêu cầu “Viết đoạn văn (từ 8-10 câu) trình bày ý kiến của em nhằm thuyết phục các bạn thấy rõ ích lợi của việc đọc sách”, sát với yêu cầu một vài năm trở lại đây, ngành giáo dục đẩy mạnh giáo dục HS đọc sách để giúp các em cảm nhận những giá trị nhân văn sâu sắc trong cuộc sống thông qua sách, tăng tính tư duy logic”.
Tuy nhiên, cũng theo cô Vân Châu thì TS than khó ở câu 4 là điều dễ hiểu. Đề thi là một đoạn thơ trong môn tập đọc lớp 5, viết về những thay đổi khi ta lớn lên. Từ nội dung đó em hãy kể câu chuyện với nhan đề “Khi tôi khôn lớn”. Yêu cầu đề là kể, nếu HS không đọc kỹ đề bài rất có thể bị lạc đề sang cảm thụ đoạn thơ. Để làm tốt câu này, đòi hỏi TS phải vận dụng kiến thức tập đọc, chính tả, luyện từ và câu để kể thành câu chuyện có nội dung, mở đầu, diễn biến, kết thúc xoay quanh các nhân vật. Đặc biệt phải rút ra ý nghĩa câu chuyện, lời nhắn nhủ mang tính giáo dục. Ngược lại nếu nhầm lẫn sang cảm thụ đoạn thơ, TS chỉ nêu cảm xúc, suy nghĩ của bản thân – cũng có lời dẫn, phần thân và kết thúc, song nó không trọn vẹn bố cục là một câu chuyện như đề yêu cầu. Nhìn chung, câu 4 dành cho việc phân loại HS khá giỏi. Người chấm căn cứ vào câu 4 là có thể biết năng lực của HS ấy đến đâu.
Môn tiếng Anh và toán: Khó “ăn điểm”
Trái ngược với môn tiếng Việt, kết thúc môn thi tiếng Anh vào chiều cùng ngày, có những TS tỏ ra hứng khởi, nhưng không ít TS tỏ ra buồn. Nhiều PH và HS cho biết, đối với TS học chương trình tiếng Anh tăng cường, được học nhiều dạng đề khác nhau, và đặc biệt đã từng thi lấy chứng chỉ Staters, Movers, Flyers (của Hội đồng khảo thí Cambridge) thì dễ dàng vượt qua. Điều này ngược lại với TS học tiếng Anh tự chọn, các em chưa được thử thách, nếu có chỉ một số em. TS Nguyễn Vũ Ngân Như (lớp 55, Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai, Q.Gò Vấp) cho biết: “Đề thi theo dạng lấy chứng chỉ Flyes, yêu cầu nắm nhiều cấu trúc như thì hiện tại hoàn thành, thì hiện tại đơn, hiện tại tiếp diễn…, nhiều từ vựng và đề thi tập trung vào đọc hiểu là chính, trong khi đó con học tiếng Anh tự chọn, ít được thử sức, nên chỉ làm được phần 2 và 3. Riêng phần 1 và 4 thì không tốt lắm. Con nghĩ mình chỉ được 50% điểm”. Chị Thu Thủy, PH em Ngân Như tỏ ra lo lắng: “Tôi mới được biết cấu trúc đề thi tiếng Anh lớp 6 năm nay chính xác vào ngày 12-6 từ Sở GD-ĐT. Với thời gian ngắn ngủi này, tôi cũng không ôn được nhiều kiến thức cho cháu. Tuy nhiên, tôi tin vào kiến thức môn tiếng Việt và toán của cháu nên vẫn động viên cháu tự tin, bình tĩnh, làm bài thật tốt”. Tuy nhiên, không riêng Ngân Như học tiếng Anh tự chọn, theo một số TS học tăng cường tiếng Anh thì đề cũng “khó nuốt”. Muốn làm tốt, không chỉ vững các cấu trúc mà phải nắm nhiều từ vựng, khả năng phán đoán. Bởi trong cả 4 phần thì liên quan đến đọc hiểu rất nhiều, nhất là phần 1 và phần 4. Thông qua những từ gợi ý, bắt buộc TS phải hiểu nghĩa của từ, phán đoán tốt thì mới có thể làm được.
Nếu như môn tiếng Việt dễ lấy điểm, môn tiếng Anh “khó nuốt” thì môn toán cũng không hề dễ “ăn điểm”. Nhiều TS cho rằng, đề toán không khó nhưng mang tính đánh đố ở hình thức ra đề. TS không đọc và nhìn kỹ vào hình ảnh thì cứ ngỡ là đề mới lạ hoàn toàn. TS Nguyễn Lê Ngọc Quyên (lớp 51, Trường TH Trưng Trắc, Q.11) cho biết: “Câu 2 yêu cầu phải nhìn vào hình ảnh để tư duy làm bài. Ngược lại câu 3, câu 5 phải vận dụng kiến thức tổng, hiệu để làm là chủ yếu. Nếu chúng con không nắm vững kiến thức sẽ bị nhập nhằng, ra kết quả không đúng”. TS Nhật Tân (từng đạt giải nhất cấp quận Giải toán qua internet) cho biết: “Cách giải bài 5 con đã từng trải qua, tuy nhiên, chỉ vì nhầm lẫn giữa kiến thức tổng hiệu, con đã làm sai”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“Theo ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí chất lượng thì trong 2 ngày thi có 85 TS vắng không có lý do. Tuy nhiên điều này cũng không ảnh hưởng gì đến kỳ thi. Kỳ thi diễn ra nghiêm túc, không có trường hợp nào sai sót xảy ra”. |
Bình luận (0)