Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Thị lực mù – trạng thái kỳ lạ nhất của nhận thức

Tạp Chí Giáo Dục

Một số người khiếm thị có được khả năng nhìn nhận sự vật không phải bằng mắt mà bằng một giác quan kỳ lạ nằm trong tiềm thức của tâm trí con người.

blindsight-225x300-2975-1443839146.jpg

Người khiếm thị dường như có một con mắt thứ ba bên trong tâm trí.

Bác sĩ nhãn khoa Michael Sanders, làm việc tại Bệnh viện quốc gia London, đã phát hiện ra điều làm thay đổi những hiểu biết trước đây về nhận thức của con người, BBC đưa tin.

Khi khám bệnh cho Daniel, một bệnh nhân khiếm thị có vùng vỏ não thị giác hay còn gọi là vùng V1 bị tổn thương nghiêm trọng sau ca phẫu thuật não, bác sĩ Sanders bất ngờ nhận thấy người bệnh có khả năng nắm bắt chính xác những đồ vật mà anh ta không nhìn thấy. Dường như có một dạng thị lực khác, phụ trợ, hướng dẫn hành động của người bệnh mà anh ta hoàn toàn không ý thức được.

Các thử nghiệm được tiến hành với sự cộng tác của hai nhà tâm lý học Elizabeth Warrington và Lawrence Weiskrantz, đã khẳng định linh cảm của bác sĩ Sanders là có cơ sở. Thật ngạc nhiên khi mà bệnh nhân luôn kiên quyết cho rằng anh ta không thể nhìn thấy gì lại vượt qua tất cả các thử nghiệm với độ chính xác cao, hoàn toàn không phải ngẫu nhiên.

Mắt của Daniel vẫn khỏe mạnh, không bị tổn thương, cho dù anh không nhìn thấy được do vùng vỏ não thị giác bị tổn thương. Rất có thể, đôi mắt này vẫn luôn quan sát thế giới và truyền tải thông tin một cách vô thức vào tâm trí Daniel.

Trong một báo cáo khoa học đăng tải năm 1974, Weiskrantz đặt ra thuật ngữ "blindsight" (thị lực mù) để mô tả trạng thái ý thức mong manh này.

"Một số người hoài nghi, tất nhiên, nhưng nó vẫn hiện hữu và trở thành một hiện tượng được chấp nhận", Weiskrantz nói. Vài thập kỷ sau, trạng thái này trở thành tiền đề trong việc tìm ra lời giải cho những vấn đề lớn vẫn đang gây tranh cãi về tâm trí con người.

Nghiên cứu về thị lực mù

Các nghiên cứu về thị lực từ trước đến nay cho rằng thông tin hình ảnh đi từ đôi mắt qua vùng đồi não, một trạm trung chuyển nằm phía trên cuống não, rồi đưa tới V1 nằm ở phía sau đầu. Tại đó, thông tin được gói ghém thành những phân cảnh chứa màu sắc, chất liệu, không gian ba chiều, tạo thành nhận thức thị giác.

Những người khiếm thị do V1 bị tổn thương nhưng mắt vẫn lành lặn, giúp não bộ thu thập những tín hiệu hình ảnh xung quanh, để chỉ dẫn hành vi cho người bệnh, như giúp người đó cầm nắm đồ vật hay đi lại một cách chính xác, cho dù bệnh nhân không hề biết và vẫn nghĩ rằng mình bị mù.

"Nghiên cứu các trường hợp bệnh nhân khiếm thị mở ra một góc nhìn mới vào những phần bình thường không thể nhìn thấy của não bộ, nói khác đi là cái nhìn tổng quan về những chức năng của bộ não rất khó quan sát, hơn nữa lại thường xuyên câm lặng", Marco Tamietto ở đại học Tilburg Hà Lan phát biểu.

Rất nhiều cách thử nghiệm sáng tạo đã được các nhà khoa học ở khắp mọi nơi trên thế giới tiến hành để tìm ra căn nguyên của thị giác mù. Người bệnh có thị lực mù có khả năng nhận thức thị giác vô thức, đặc biệt trong vai trò nhận diện cảm xúc và tâm trạng bột phát. Những bệnh nhân mất đi thị lực bình thường này có thể đoán chính xác gương mặt nào là vui hay buồn, giận giữ hay kinh ngạc, và họ thậm chí còn bắt chước những các biểu hiện đó một cách vô thức.

"Cho dù không ghi nhận bất cứ thay đổi nào về mức độ nhận thức, nhưng rõ ràng có sự thay đổi về thái độ, họ thể hiện cảm xúc đồng thời với những hình ảnh hiện ra trong tâm trí", Tamietto nhận xét.

Hơn thế nữa, bên cạnh khả năng phản ánh xúc cảm, những bệnh nhân này có thể cảm giác được khi nào những xúc cảm ấy ảnh hưởng đến cử chỉ cơ thể, như các cơ mặt co lại, đồng tử giãn ra để phản ứng lại. Nếu được huấn luyện đầy đủ cách chú ý đến những phản ứng của cơ thể, người bệnh có thể nhận thức được sự vật hiện tượng ở thế giới xung quanh, ý thức được những mối nguy hiểm để phòng tránh.

Năm 2008, nhóm Tamietto và Weiskrantz đã thực hiện một thử nghiệm có phần hơi ác ý với Daniel, giấu đi cây gậy dẫn đường cho người mù của Daniel, để ông đi qua hành lang có bày những đồ đạc lộn xộn

"Mặc dù luôn nói rằng không thể nhìn thấy gì, ông ấy vẫn nhanh nhẹn đi qua suốt dọc hành lang, tránh được hết các chướng ngại vật ngay trong lần thử đầu tiên", Tamietto nói.

Điều quan trọng nhất là sau thử nghiệm, Daniel khẳng định rằng chẳng những ông không hề nhìn thấy gì, mà còn không hiểu tại sao có thể di chuyển dọc hành lang mà không va vào đồ đạc. Daniel kiên quyết cho rằng ông chỉ đơn thuần đi thẳng dọc hành lang, theo Beatrice de Gelder đồng sự của Tamietto ở Hà Lan, ông không có cách gì có thể mô tả hay giải thích gì về hoạt động của bản thân.

Christopher Allen ở đại học Cardiff thì cho rằng thị lực mù đem đến manh mối cho nghiên cứu ý thức, vì có sự song hành tồn tại của nhận thức thị giác có ý thức và vô thức. Trong quá trình tìm kiếm một cái gì đó gần giống ý thức nhưng không có phẩm chất cụ thể mà chỉ có những kinh nghiệm chủ quan, người tham gia thử ngiệm vẫn có khả năng lĩnh hội mặc dù thiếu hẳn nhận thức trực quan.

Thử cảm giác 'thị lực mù'

Sốt sắng muốn trải nghiệm cảm giác trực quan, đích thân phóng viên David Robson, tác giả bài báo này, đã tham gia vào một thử nghiệm kích thích não bộ, tách rời hoạt động của từng vùng não khác nhau, cố gắng đem đến những khoảng khắc giống như người bệnh có thị lực mù ở những người khoẻ mạnh. Thử nghiệm được tiến hành ở phòng thí nghiệm của tiến sĩ Christopher Allen tại đại học Cardiff, Vương quốc Anh.

Sử dụng kỹ thuật được gọi là "kích thích từ trường xuyên sọ não" (transcranial magnetic stimulation – TMS), dùng trường điện từ mạnh kiểm soát hoạt động của neuron thần kinh, giả lập tương tự năng lực hành vi của người bệnh có thị lực mù.

"Một chiếc nam châm đĩa được đặt sau đầu tôi ở vị trí của vùng vỏ não thị giác, từ trường bắt đầu hoạt động từng quãng ngắn, tăng dần về cường độ. Ban đầu, có cảm giác như ai vỗ nhẹ vào da, sau đó tôi nhận thấy một đường kẻ thẫm lướt qua chính giữa tầm nhìn của tôi, giống như những gì bạn thấy khi tắt chiếc màn hình TV đời cũ. Dù điều đó diễn ra khá nhanh, tôi vẫn thấy hơi sốc, phải một lúc sau mới quen được", Robson mô tả quá trình thử nghiệm.

"Hình ảnh trong thử nghiệm là những mũi tên sáng lên trên màn hình, việc của tôi là chỉ ra mũi tên chỉ sang trái hay sang phải. Sự xuất hiện của hình ảnh đôi khi đồng bộ với tín hiệu TMS gây nên tình trạng mù tạm thời, tôi hầu như không nhìn thấy gì, chủ yếu là đoán mò. Tuy thế, khi kết thúc quá trình thử nghiệm, kết quả cho thấy độ chính xác cao hơn hẳn phán đoán ngẫu nhiên. Hẳn là do tôi đã đạt tới trạng thái có thị lực mù".

Thông qua những thực nghiệm dạng như TSM, các nhà nghiên cứu có được bằng chứng cho thấy thông tin thị giác đi vùng đồi não phía trên cuống não, thay vì đưa đến V1, đã đi vòng qua V1, tới trung tâm của não bộ, nơi thông tin được xử lý một cách vô thức trong vùng não liên quan đến xử lý cảm xúc và cử động.

Với thị lực bình thường, hình ảnh trên võng mạc ban đầu sẽ được đưa vào các neuron ở vùng vỏ não thị giác chính, nằm ở phía sau hộp sọ. Vùng vỏ não thị giác có vai trò quan trọng như trung tâm điều phối hoạt động, phối trộn thông tin đi và đến từ nhiều vùng vỏ não, tạo nên nhận thức thị giác trong não bộ.

Các nhà nghiên cứu giải thích vấn đề thị lực mù là một dạng lối đi phụ của thông tin trong những vùng vỏ não bị tổn hại. Theo xác nhận từ một số nghiên cứu chụp não bộ, thì khi vùng vỏ não thị giác chính bị tổn hại, môt số thông tin hình ảnh có thể đi những con đường thay thế khác. Nó đến các vùng trung tâm vận động ở não bộ mà không cần đi băng qua các vùng vỏ não liên quan đến ký ức hay ý thức.

Các trải nghiệm trên cũng bộc lộ thêm các manh mối khác về năng lực của tâm trí vô thức. Giống như những con rối được điều khiển bởi các nghệ sĩ bậc thầy, với khán giả, dường như con rối có toàn quyền kiểm soát hoạt động, nhưng bản thân con rối không thể có chút ý thức gì về những hành động đang thực hiện. Có thể thấy người bệnh với thị lực mù dẫn dắt, tránh được các chướng ngại vật nhờ có tâm trí vô thức, giống như người nghệ sĩ điều khiển con rối.

Như vậy thì đã có biết bao nhiêu quyết định đã được thực hiện mà không có sự điều khiển của nhận thức, ngay cả khi ảo tưởng rằng có toàn quyền kiểm soát? Và nếu tâm thức không còn cần thiết với vai trò định hướng hoạt động của con người thì nó tồn tại vì mục đích gì? Tại sao phải khơi ra ánh sáng đời sống nội tâm sinh động đó nếu có thể tồn tại giản đơn vô thức như "thây sống" ?

Trước đây, nhiều nhà khoa học tin rằng ý thức gắn liền với mọi hoạt động của con người, bện chặt vào nhau bằng những mối dây rối rắm, và rằng hoàn toàn không thể tháo gỡ, tách bạch ra trong mớ bòng bong của tâm trí đó, đầu mối nào liên quan đến giác quan nhận thức, đầu mối nào liên quan đến cảm xúc, đến sự tồn tại bản năng và trải nghiệm cuộc sống. Ngày nay các nhà thần kinh học khám phá ra rằng hệ thống giác quan của con người có mối liên kết chặt chẽ với nhau, các vùng não chịu trách nhiệm điều khiển các giác quan trải rộng khắp não bộ, có thể tác động và bù đắp cho nhau.

Tamietto cho rằng nhận thức không có vai trò quan trọng mỗi khi con người phải ra quyết định, mà bộ não đã ra quyết định hộ trước đó – bằng nhiều cách, và trong nhiều hoàn cảnh. Juha Silvanto tại Đại học Westminster có cùng quan điểm.

"Ý thức chỉ là sự tổng hợp của mọi thông tin đầu vào, còn thực chất, tiềm thức mới có thể định hướng hành vi, dẫn dắt sự tiến triển phức tạp của đầu ra bất chấp sự hiện diện của nhận thức", Silvanto nói.

Một số nhà triết học thậm chí còn cho rằng con người tồn tại như "thây sống" hoạt động dưới tác động của những xung lực vô thức. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về bản chất và mục đích của ý thức theo những giả định vẫn được chấp nhận lâu nay. Suy cho cùng, những sinh vật có đời sống nội tâm phong phú như con người, ý thức nhất định phải có vai trò gì đó.

index-9425-1443839146.png

Bằng cách khám phá vô thức của người khiếm thị, các nhà khoa học có thể tìm hiểu bí ẩn về tiềm thức con người.

Robert Kentridge tại Đại học Durham có bằng chứng cho thấy có sự gắn kết giữa ý thức và sự chú ý tập trung. Các thực nghiệm với những người bệnh có thị lực mù của Kentridge cho thấy một điều dường như là nghịch lý: họ không có ý thức về những gì có trong điểm mù của họ, nhưng lại có thể tập trung sự chú ý của họ ở đó. Nói cách khác, đối tượng nghiên cứu thực sự rất chú ý tập trung nhưng không thể ý thức được chính xác là đang tham gia vào cái gì.

Rõ ràng là người tham gia thử nghiệm không nhìn thấy gì, nhưng óc phán đoán bởi tiềm thức của người đó dường như hoạt động nhanh hơn nhận thức. Thay vì đóng vai trò là một tia sáng để tăng cường nhận thức, ý thức có thể đã tiến hóa để tăng cường trí nhớ, gộp lại tất cả các thông tin khác nhau thành một bức tranh gắn kết để dễ nhớ hơn.

"Bạn cần phải mã hóa tất cả những gì đang xảy ra xung quanh vào một tập hợp duy nhất", Kentridge nói.

Tất cả những luận thuyết trên đây mới chỉ là một vài manh mối có thể đưa ra lời giải về những điều bí ẩn của tâm trí con người. Bằng cách nghiên cứu tâm trí vô thức của những người bệnh có thị lực mù, có thể mở ra một hướng đi mới, tìm được lối ra khỏi mê cung phức tạp của lĩnh vực nghiên cứu tâm trí con người.

Tuệ Lâm (theo vnexpress)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)