Hôm qua 10-3, bắt đầu thời hạn thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009.
> Cân nhắc kỹ 5 điều khi chọn trường thi
Cô Huỳnh Thị Bích Vân, cán bộ phòng học vụ Trường THPT Nguyễn An Ninh Q.10, TP.HCM hướng dẫn học sinh lớp 12A8 cách ghi hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2009 (ảnh chụp sáng 9-3-2009) – Ảnh: N.Hùng |
Thí sinh cần lưu ý Khi nộp hồ sơ ĐKDT phải giữ lại tờ phiếu số 2 có đầy đủ ký nhận của cán bộ thu hồ sơ. Đây là căn cứ để giải quyết trong tình huống xảy ra trục trặc đối với hồ sơ ĐKDT sau này, thất lạc giấy báo dự thi hay có sai sót cần chỉnh sửa. |
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong vòng một tháng từ ngày 10-3 đến hết 10-4, thí sinh sẽ nộp hồ sơ theo hệ thống của các sở GD-ĐT. Trong đó, thí sinh đang là học sinh lớp 12 tại trường THPT nào sẽ nộp hồ sơ tại trường đó.
Các đối tượng khác, bao gồm thí sinh tự do, vãng lai…, nộp tại các điểm thu nhận hồ sơ ĐKDT do sở GD-ĐT quy định (các điểm này sẽ không thu nhận hồ sơ ĐKDT của học sinh đang học lớp 12). Ngoài ra, thí sinh tự do đang ôn luyện tại các trung tâm luyện thi cũng có thể nộp hồ sơ theo sự hướng dẫn của trung tâm với sự cho phép của sở GD-ĐT sở tại.
Sau thời hạn kể trên, từ ngày 11-4 đến hết 17-4, thí sinh – bao gồm cả HS sẽ tốt nghiệp năm 2009 và thí sinh tự do – đều có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại trường ĐH, CĐ thí sinh muốn dự thi. Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ nhất thiết không được thay đổi thời hạn, không được kết thúc việc nhận hồ sơ ĐKDT trước hoặc sau thời hạn đã quy định.
Lệ phí tuyển sinh có thay đổi?
Vào phút chót trước thời hạn bắt đầu thu nhận hồ sơ ĐKDT năm 2009, chiều 9-3, Bộ Tài chính đã trả lời Bộ GD-ĐT về đề xuất tăng lệ phí tuyển sinh và thay đổi phương thức thu theo hướng thu gộp cả hai khoản lệ phí ĐKDT và dự thi chung một lần ngay khi thí sinh nộp hồ sơ. Tuy chưa có văn bản nhưng Bộ Tài chính đã chính thức thông báo không đồng ý tăng lệ phí ĐKDT thêm 10.000 đồng như Bộ GD-ĐT đề nghị. Đồng thời phương thức thu lệ phí cũng được Bộ Tài chính yêu cầu giữ nguyên.
Như vậy, khi thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay sẽ vẫn nộp kèm theo lệ phí ĐKDT là 40.000 đồng/hồ sơ như năm trước. Còn lệ phí dự thi 20.000 đồng thí sinh sẽ nộp khi đến làm thủ tục dự thi. Đối với các trường/ngành năng khiếu vẫn giữ nguyên quy định về mức lệ phí tuyển sinh như trước đó.
Có được thay đổi mã ngành?
Trong các kỳ tuyển sinh trước thường xảy ra tình trạng gia tăng thêm số lượng đáng kể hồ sơ ảo do thí sinh chưa quyết định chọn được ngành dự thi khi nộp hồ sơ ĐKDT. Vì vậy đối với những trường đa ngành và xét tuyển theo ngành, thí sinh vẫn phải nộp nhiều bộ hồ sơ tương ứng với những ngành khác nhau nếu thí sinh vẫn còn băn khoăn, chưa có quyết định cuối cùng.
Trả lời câu hỏi được nhiều thí sinh năm nay quan tâm là “thí sinh dự thi vào một trường có nhiều ngành, có thể chỉ cần nộp một bộ hồ sơ và quyết định chọn ngành trước khi dự thi hay không?”, ông Ngô Kim Khôi – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – khẳng định: đối với những trường xét tuyển theo ngành, trong hồ sơ ĐKDT thí sinh phải khai đầy đủ mã ngành.
Mỗi bộ hồ sơ chỉ tương ứng với một mã ngành đăng ký. Vì vậy, nếu chưa có quyết định cuối cùng chọn ngành dự thi, thí sinh vẫn phải nộp nhiều bộ hồ sơ cho những mã ngành khác nhau. Mỗi hồ sơ sẽ tương ứng với một số báo danh và đến ngày làm thủ tục dự thi thí sinh phải có quyết định lựa chọn cuối cùng. Còn trong trường hợp thí sinh muốn thay đổi ngành đã đăng ký trong hồ sơ trước khi thi, quyền quyết định có cho phép hay không thuộc về chủ tịch hội đồng tuyển sinh.
Hồ sơ online có giá trị không?
Thông tin có thể sử dụng phiếu ĐKDT trên mạng đang khiến nhiều thí sinh băn khoăn về việc sử dụng phiếu ĐKDT trên mạng có hợp lệ, có cần mua bộ hồ sơ in sẵn nữa hay không. Ông Quách Tuấn Ngọc – cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) – khẳng định: thí sinh vẫn phải mua hồ sơ in sẵn do các sở GD-ĐT in ấn và phát hành theo mẫu chung trong cả nước vì bộ hồ sơ đó mới có đầy đủ túi đựng hồ sơ. Tuy nhiên, thí sinh có thể vào mạng, sử dụng mẫu phiếu ĐKDT online để “tập khai” nhằm tránh sai sót, tại địa chỉ http://thi.moet.gov.vn.
“Đồng thời trong trường hợp nếu có sai sót, phải khai lại một tờ phiếu ĐKDT, thí sinh không cần phải mua lại cả bộ hồ sơ mà có thể in một bản trên mạng ra sử dụng. Tờ phiếu ĐKDT in từ mạng nếu được khai đầy đủ, lấy xác nhận của chính quyền địa phương theo quy định sẽ có giá trị sử dụng hợp lệ như tờ phiếu trong bộ hồ sơ in sẵn”- ông Ngọc cho hay.
THANH HÀ (TTO)
Bình luận (0)