Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thị phần logistics rơi vào tay doanh nghiệp ngoại

Tạp Chí Giáo Dục

Dịch vụ kho vận trong nước không đáp ứng, buộc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam tìm đến các nhà kho vận ngoại, kéo theo hàng loạt hệ lụy.
Chi phí logistics Việt Nam hiện chiếm tới 25% GDP, con số này, theo ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS), quá lớn so với các nước trong khu vực.
Chịu phí vô lý vì lệ thuộc
Theo VIFFAS, đội tàu trong nước chỉ đáp ứng 15- 20% nhu cầu xuất nhập khẩu và cũng chỉ đáp ứng những tuyến gần, 80% thị phần vận tải container nằm trong tay các hãng tàu nước ngoài, đặc biệt là những tuyến đường dài đến EU hay Mỹ. Nắm được điểm yếu này, các hãng tàu ngoại liên kết nhau cùng đưa ra mức phí quá cao và cứ vài tháng lại đòi tăng giá một lần với đủ lý do khác nhau, doanh nghiệp Việt Nam muốn hay không cũng phải chấp nhận.

Phụ thuộc vào nước ngoài nên doanh nghiệp Việt Nam luôn phải "ngậm bồ hòn" chịu mức phí vô lý. Ảnh: TNLinh.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn Intimex, cho biết, nhiều hãng tàu trong nước còn yếu, không đáp ứng nhu cầu của các nhà xuất nhập khẩu lớn và thường xuyên gặp rủi ro mất trộm hàng. Kho ngoại quan để đưa hàng vào dự trữ trong nước cũng quá thiếu và yếu. Hàng hóa của doanh nghiệp phải tập kết ở kho ngoại quan của Singapore… Trong những lúc cao điểm, doanh nghiệp có nguồn hàng lớn, cần huy động lượng xe lớn mà không đủ phương tiện, thêm tình trạng kẹt xe, thời gian vận chuyển kéo dài… khiến chi phí đội lên, buộc phải tìm đến các hãng vận chuyển nước ngoài.
Trung bình mỗi năm, Intimex phải sử dụng trên 20.000 container, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên đến 750 triệu USD. Nhưng nhu cầu càng nhiều, càng phải phụ thuộc vào các hãng vận tải. Nắm được điểm yếu này, các hãng tàu “sáng tạo” ra những khoản phí vô lý, như phụ phí xăng dầu, phụ phí đảm bảo container, phí truyền dữ liệu, phí sửa chữa – vệ sinh – tiền đặc cọc container… thậm chí cả phí cảng đến cũng bắt doanh nghiệp chịu… Mặc dù biết rõ những thứ phí hết sức vô lý này, nhưng doanh nghiệp ở tình thế bất khả kháng.
Sai từ quy hoạch
Phụ thuộc vào dịch vụ kho vận nước ngoài, nhưng theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc ban quản lý nghiệp vụ bảo hiểm, Tổng công ty Bảo Minh, nhiều doanh nghiệp vận tải trong nước lại đang đứng trước nguy cơ phá sản. “Nhiều công ty đang phải rao bán tàu thuyền với giá sắt vụn…”, ông Minh nói.
Bất hợp lý này được ông Lê Duy Hiệp, Phó chủ tịch thường trực VIFFAS, phân tích: Dù chỉ số năng lực logistics của Việt Nam đứng ở mức trung bình (đứng thứ 53/155 quốc gia, chỉ số kết nối tuyến vận tải biển quốc tế đứng 36/162 quốc gia), nhưng do phần lớn các nhà xuất nhập khẩu phụ thuộc vào yếu tố gia công, nhập nguyên phụ liệu từ nước ngoài, nên việc vận chuyển chủ yếu DN thuê đối tác nước ngoài chở về Việt Nam, các hãng vận tải trong nước chỉ chiếm được phân khúc nhỏ tại thị trường trong nước.
Ông Đỗ Xuân Quang lại cho rằng, nguyên nhân chính do sai từ quy hoạch. Cả nước có quá nhiều cầu cảng, sân bay… nhưng doanh thu không đủ để nuôi nhân viên. Có cảng trong cả tháng chỉ thấy 1 – 2 tàu ra vào, hay có những sân bay xây xong gần như chỉ phục vụ lãnh đạo địa phương đi lại. Ông Quang cũng nêu thực trạng lãng phí khác, là mặc dù doanh nghiệp than thiếu kho ngoại quan, nhưng nhiều kho ngoại quan xây lên rồi bỏ, thậm chí cho công nhân làm chỗ… đánh bóng chuyền! Bởi kho không được kết nối với các cảng, làm mất cân đối cung cầu. “Muốn giảm được chi phí logistics Việt Ban hiện nay xuống 15%, ngang bằng các nước trong khu vực, phải kết nối được các khâu trong tổng thể ngành kho vận…”, ông Quang nói.
Đăng Thư
Theo Đất Việt

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)