Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Thí sinh cần lưu ý gì khi tham gia xét tuyển bổ sung để tăng cơ hội trúng tuyển

Tạp Chí Giáo Dục

Sau 17h00 hôm nay, Hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT sẽ đóng chức năng xác nhận nhập học trực tuyến. Hàng loạt trường đại học đã thông báo xét tuyển bổ sung. Thí sinh lưu ý để không bỏ lỡ cơ hội này.

Hội đồng Tuyển sinh Trường Đại học (ĐH) Phenikaa thông báo nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đối với 12 ngành đào tạo, điểm sàn nhận hồ sơ từ 19 đến 24 điểm. Trong đó, có nhiều ngành còn khá nhiều chỉ tiêu như Y khoa, Điều dưỡng 95 chỉ tiêu/ngành; Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật phục hồi chức năng 40 chỉ tiêu/ngành…

Thí sinh cần lưu ý gì khi tham gia xét tuyển bổ sung để tăng cơ hội trúng tuyển ảnh 1

 
Trường ĐH Hòa Bình cũng thông báo xét tuyển bổ sung 395 chỉ tiêu cho nhiều ngành đào tạo. Trong đó, với các ngành thuộc nhóm Sức khỏe, điểm sàn nhận hồ sơ bằng ngưỡng đảm bảo quy định chất lượng tối thiểu của Bộ GD&ĐT, các ngành khác đạt từ 15 điểm.

Ghi nhận cho thấy, hiện đã có gần 100 trường ĐH thông báo xét tuyển bổ sung với hàng nghìn chỉ tiêu. Do đó, những thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 hoặc từ chối cơ hội nhập học do trúng tuyển ngành không mong muốn thì không nên quá lo lắng.

TS Dương Văn Bá, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Hòa Bình chia sẻ, khi tham gia xét tuyển bổ sung, thí sinh cần nắm được thông tin số lượng tuyển bổ sung và mức độ quan tâm của thí sinh đối với ngành mong muốn xét tuyển (mức độ hot). Từ đó căn cứ điểm của mình để quyết định nộp hồ sơ.

Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng công bố xét tuyển bổ sung 4 ngành đào tạo tại 2 cơ sở ở Hà Nội và TPHCM. Mức điểm sàn là từ 15 – 24 điểm.

TS Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho hay thí sinh cần lưu ý các nội dung như về các điều kiện xét bổ sung; về thời gian xét bổ sung; về các ngành xét bổ sung và các cơ sở xét bổ sung. Đặc biệt lưu ý đến tính hợp pháp của những thông báo bổ sung của các trường.

Nếu thí sinh thuộc đối tượng đã đỗ ở 1 cơ sở nhưng không xác nhận nhập học mà muốn xét bổ sung ở cơ sở khác thì cần tư vấn kĩ từ cơ sở xét bổ sung.

Nếu thí sinh thuộc đối tượng đã đỗ ở 1 cơ sở nhưng đã xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ mà muốn xét bổ sung ở cơ sở giáo dục ĐH khác thì cần phải được sự đồng ý của cơ sở ĐH đã đăng ký, đỗ và xác nhận nhập học.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia khuyên thí sinh dự định nộp vào trường nào cần đến tận nơi tìm hiểu hoặc vào website của trường để tra cứu thông tin.

Khi xét tuyển bổ sung, thí sinh sẽ không còn nhiều lựa chọn những ngành, những trường như xét tuyển đợt 1 bởi chỉ có ngành chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì các trường mới công bố xét tuyển bổ sung.

Trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Làm gì nếu không trúng tuyển đợt 1" được Báo Thanh Niên tổ chức vừa qua, ThS Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TPHCM, tư vấn, thí sinh nên chú ý khoảng cách an toàn là 3 điểm.

Theo đó, các em nên tìm hiểu, đối sánh với điểm trúng tuyển vào ngành đó của đợt 1 và điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm học bạ để tiến hành lựa chọn tùy theo phương thức xét tuyển. Thí sinh cũng nên đăng ký vào ngành mong muốn nhất và ngành gần với ngành đó.

Các em cần vào trang web của các trường để theo dõi từng ngày, từng giờ, bởi thông tin càng về cuối càng được cập nhật.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)