Với 108.573 thí sinh sẽ dự thi tốt nghiệp THPT năm nay, chiếm 10% cả nước, Hà Nội điều động 15.115 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi tại 196 điểm thuộc 30 quận, huyện, thị xã.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra tủ bảo quản bài thi tại một điểm thi của Hà Nội
Cùng với TP.HCM, Hà Nội là một trong hai địa phương có số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp đông nhất cả nước. Trong số đó, có 94.935 thí sinh thuộc chương trình giáo dục THPT và 13.638 thí sinh giáo dục thường xuyên.
Kiến nghị công bố thời gian tổ chức thi ngay từ đầu năm học
Sở GD-ĐT TP.Hà Nội cho hay năm nay thành phố điều động 15.115 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia coi thi cùng gần 600 cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi. Thành phố bố trí 4.532 phòng thi; trong đó có 201 phòng thi ghép, 176 phòng phòng chờ, 392 phòng thi dự phòng thuộc 196 điểm thi trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã.
Hà Nội cũng bố trí 566 thanh tra cắm chốt tại các điểm thi; thành lập tổ giám sát gồm 14 nhóm, mỗi nhóm 3 thành viên là lãnh đạo, chuyên viên thuộc sở GD-ĐT và thanh tra thành phố.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cùng đoàn công tác gặp gỡ, động viên học sinh Hà Nội trước thềm kỳ thi
Đồng thời, sở này cũng chuẩn bị các phương án bố trí cơ sở vật chất cho công tác in sao đề, làm phách, chấm thi đảm bảo đúng quy chế; thành lập các đoàn kiểm tra cơ sở vật chất ở các điểm thi, điểm chấm thi, làm phách, địa điểm in sao đề đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Trong thời gian chuẩn bị và thời điểm diễn ra kỳ thi, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã hoàn thiện các điều kiện đảm bảo tổ chức thi. Chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi diễn biến của dịch bệnh, mưa bão, cấp điện… để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh và những người tham gia tổ chức thi.
Là địa phương có số lượng thí sinh dự thi lớn, Hà Nội kiến nghị Bộ GD-ĐT quy định về thời gian tổ chức kỳ thi ngay trong khung kế hoạch thời gian của năm học và công bố từ đầu năm học. Điều này giúp các địa phương chủ động trong xây dựng kế hoạch năm học, nhất là kế hoạch các kỳ thi, tuyển sinh.
Đồng thời, kiến nghị Bộ quy định rõ hơn về danh mục máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi. Theo địa phương này, việc không quy định danh mục máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi gây khó khăn cho cán bộ coi thi khi kiểm soát vật dụng thí sinh mang vào, thí sinh có thể sử dụng công nghệ cao để gian lận.
Đoàn công tác làm việc về khâu chuẩn bị tổ chức thi của TP.Hà Nội
Chưa kể, năng lực của cán bộ coi thi không đủ để kiểm tra, kiểm soát các thiết bị gian lận công nghệ cao, tinh vi. Ví dụ, máy tính cầm tay Casio 850 có chứa thông tin về môn hóa học như bảng tuần hoàn, bảng tính tan…
Ngoài ra, địa phương cũng cho rằng việc bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25 mét để bảo quản vật dụng cá nhân của thí sinh và các tài liệu, vật dụng không được phép mang vào phòng thi theo quy chế hiện hành vẫn còn bất cập. Lý do là hiện nay công nghệ phát triển nhanh chóng, nhiều thiết bị có thể kết nối với khoảng cách trên 25 mét.
Rõ vai, rõ việc trong tổ chức thi
Kiểm tra thực tế và qua báo cáo của TP.Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao sự chủ động của thành phố Hà Nội trong việc chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc của tất cả các sở, ban, ngành liên quan để chuẩn bị cho kỳ thi. Tuy số lượng thí sinh dự thi đông, lực lượng tham gia tổ chức thi lớn nhưng các khâu được thành phố Hà Nội thực hiện bài bản, nghiêm túc.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra một điểm thi
Thứ trưởng mong với kết quả đạt được của những năm qua, Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy, chủ động, khẩn trương, quyết liệt, rõ vai, rõ việc trong công tác chỉ đạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Ban chỉ đạo thi TP.Hà Nội cho biết, công tác xác minh tính xác thực của các chứng chỉ ngoại ngữ để đề nghị miễn bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp của thí sinh Hà Nội gặp khó khăn. Do số lượng chứng chỉ rất nhiều, trên 20.000 chứng chỉ cần xác thực mỗi năm, một số đơn vị cấp chứng chỉ phản hồi kết quả xác thực chậm, trễ nên ảnh hưởng tiến độ kỳ thi. Ban chỉ đạo thi TP.Hà Nội kiến nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị cấp chứng chỉ; đặc biệt là các đơn vị được Bộ GD-ĐT quản lý, cấp phép phối hợp với các sở GD-ĐT trong công tác xác minh tính xác thực của chứng chỉ ngoại ngữ đảm bảo đúng thời gian theo quy định của kỳ thi. |
Thứ trưởng lưu ý, tất cả mọi chủ thể tham gia kỳ thi đều phải được tập huấn ở các khâu để bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối, tránh xảy ra sai sót. Đồng thời, công tác phối hợp với các sở, ban, ngành trong tổ chức thi phải nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả, thông suốt.
“Để kỳ thi đạt kết quả cao, công tác chuẩn bị phải hết sức chu đáo, kỹ lưỡng; thực hiện đúng quy định, quy chế. Ngoài ra, công tác truyền thông phải theo đúng tinh thần chủ động, kịp thời, khách quan, chính xác” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Mê Tâm
Bình luận (0)