Bộ GD-ĐT đã lên nhiều phương án để phòng ngừa gian lận thi cử như sử dụng tài liệu, điện thoại, thi hộ, thi kèm… Đặc biệt, những thí sinh có biểu hiện khác thường sẽ bị chú ý và kiểm tra.
Ông Nguyễn Văn Chiến |
Trước thi, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ an toàn cho kỳ thi như có phương án ngăn ngừa, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực như tung tin thất thiệt, bán đề thi giả, in ấn mua bán phao thi, xâm nhập trái phép khu vực thi và phòng thi để cướp đề thi, đe doạ giám thị, sử dụng công nghệ cao để đưa đề thi ra ngoài và nhận bài giải từ ngoài vào trong phòng thi…
Năm nay Bộ cũng đã đưa vào Quy chế là sẽ đình chỉ thi nếu thí sinh mang phương tiện kỹ thuật thu phát, truyền tin vào phòng thi để phổ biến cho thí sinh. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ cũng đã tập huấn rất kỹ cho các cán bộ coi thi, giám sát về vấn đề này.
Được biết, năm trước nhiều khu vực nghi ngờ có hành vi gian lận bằng điện thoại Bộ đã đặt ra phương án sẽ gắn máy phá sóng. Năm nay Bộ sẽ dùng biện pháp nào để chặn hành vi gian lận?
Khi làm việc với cơ quan chức năng, chúng tôi đặt ra rất nhiều trường hợp gian lận tinh vi để hợp tác. Việc phá sóng điện thoại ở khu vực có nghi vấn nằm trong những vấn đề mà chúng tôi đã đặt ra với các cơ quan chức năng để họ trợ giúp không chỉ về mặt kỹ thuật mà cả về mặt con người đối với những hành vi gian lận này. Gian lận như vậy trong thi cử đối với cơ quan chức năng không phải quá khó.
Với vấn đề phá sóng điện thoại thì chúng tôi cũng không nói ở điểm nào, thí sinh sẽ hoang mang. Nhưng điều đầu tiên và quan trọng là chúng tôi tuyệt đối không cho thí sinh mang điện thoại vào khu vực thi.
Mặc dù Bộ đã phát hiện và xử lý rất nhiều trường hợp thi hộ, thi kèm nhưng năm nào cũng tiếp diễn. Năm nay liệu Bộ có xử lý triệt để?
Vấn đề thi hộ, thi kèm thì chúng tôi khẳng định là khó xử lý triệt để được việc này. Quan trọng nhất là khi gọi thí sinh vào phòng thi, giám thị có 2 lần để kiểm tra thí sinh.
Lần 1 là khi gọi vào phòng thi thì giám thị đối chiếu tất cả giấy tờ có liên quan, xem xét kỹ. Lần 2, sau khi giám thị 1 ký vào giấy thi đến giám thị 2 ký thì kiểm tra một lần nữa kiểm tra lại giấy tờ và đối chiếu với mặt thí sinh. Nếu làm tốt được việc này thì thi hộ sẽ khó mà “lọt”.
Bên cạnh đó, khi hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra cho các trường chúng tôi nhấn mạnh việc này là có khả năng diễn ra thi hộ thi kèm nên giám thị phải đặc biệt lưu ý những thí sinh có biểu hiện khác thường như tóc xoã, áo dài tay… nhằm che giấu các phương tiện kỹ thuật cao.
Trước kỳ thi này đã phát hiện ra đường dây thi hộ nào chưa, thưa ông?
Hiện nay tôi không khẳng định là phát hiện được đường dây thi hộ nào. Bao giờ có kết quả chính thức, tôi sẽ thông báo. Nhưng chúng tôi luôn luôn trong tinh thần cảnh giác, thực hiện đúng quy chế. Năm nay các cơ quan chức năng vào cuộc rất sớm. Thi Đại học là sự cạnh tranh cao nên cần có sự phát hiện thêm của các thí sinh.
Với những trường hợp thi hộ, thi kèm năm trước, Bộ đã xử lý thế nào?
Bộ đã có công văn thông báo về các trường cấm những đối tượng này dự thi 2 năm.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Hạnh (dan tri)
Bình luận (0)