Để học sinh đạt kết quả tốt trong học tập, giáo viên phải là người truyền cảm hứng để các em yêu thích môn học, hỗ trợ các em xây dựng tinh thần tự học…
Nguyễn Hoàng Tú (phải) – thủ khoa khối A tại TP.HCM
Như thường lệ, sau mỗi kỳ thi, mọi người thường quan tâm nhiều đến các thủ khoa là những học sinh đạt thành tích cao. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cũng vậy, trên báo đài và mạng xã hội, thông tin, hình ảnh về các thủ khoa đều tràn khắp. Năm nay, nhiều thủ khoa, á khoa không phải là học sinh đến từ các trường chuyên, lớp chọn mà lại đến từ “trường làng”. Đơn cử như thủ khoa khối A toàn quốc năm nay – Nguyễn Ngọc Lễ – là học sinh Trường THPT Quốc Oai (TP.Hà Nội) với số điểm tuyệt đối 30/30. Tại TP.HCM, thủ khoa khối A thành phố đồng thời á khoa toàn quốc – Nguyễn Hoàng Tú – là học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) với số điểm 29,8. Còn thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM – Đào Thanh Trúc – là học sinh Trường THPT Hùng Vương (Q.5) với số điểm 54,45… Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay còn xuất hiện những “lớp học đặc biệt” khi gần như cả lớp đều đạt trên 9 điểm môn văn. Đó là lớp 12D1 Trường THPT Anh Sơn 1 (huyện miền núi Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) có 40/44 em đạt điểm trên 9 môn văn, nhiều em đạt 9,75 điểm. Một lớp khác – lớp 12C4 Trường THPT Quang Trung (huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) cũng có 44 học sinh đạt 9 điểm trở lên ở môn văn, số học sinh còn lại đều đạt điểm trên 8… Chia sẻ về phương pháp học tập, các thủ khoa, á khoa đều cho biết bản thân xây dựng kế hoạch học tập khoa học; bố trí, sắp xếp thời gian học hợp lý trong từng môn. Việc học không dàn trải mà có sự tập trung, yếu ở môn nào, kiến thức nào thì chú trọng hơn ở nội dung đó. Thủ khoa khối A toàn quốc Nguyễn Ngọc Lễ chưa từng sử dụng điện thoại di động, ít khi lướt Facebook. Còn thủ khoa khối A tại TP.HCM Nguyễn Hoàng Tú thì cho biết bản thân luôn chăm chú lắng nghe thầy cô giảng trên lớp, làm tốt các bài tập thầy cô giao về nhà. Thời gian học được sắp xếp hợp lý, không học quá khuya và luôn cân đối giữa việc học và tham gia vào các hoạt động rèn luyện. Trong khi đó, “bí quyết” của thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM Đào Thanh Trúc là tự học. Thanh Trúc cho biết em luôn chú tâm vào các nội dung thầy cô giảng trên lớp, với những phần mà bản thân chưa kịp hiểu thì ghi âm để về nhà nghe lại, ghi chú trên vở bài tập các phần kiến thức hay để dễ nhớ, dễ theo dõi. Cạnh đó, em còn tận dụng Youtube như một kênh học tập hữu ích với các bài giảng mở, nguồn dữ liệu phong phú từ các kênh học tập uy tín… Riêng với những “lớp học đặc biệt”, giáo viên cho biết “bí quyết” không phải nằm ở việc dạy tủ, học tủ mà là truyền cảm hứng học văn cho học sinh qua các tác phẩm văn, thơ cùng những kiến thức nghị luận xã hội, thời sự. Bài giảng của giáo viên gắn với mỗi tác phẩm đều được vận dụng thêm kiến thức từ thực tiễn. Rèn luyện cho học sinh phương pháp đọc, viết, nói và nghe thông qua các hoạt động trải nghiệm trong và ngoài lớp học.
Đào Thanh Trúc – thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM năm 2022
ThS. Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM) nhìn nhận, nhiều năm trở lại đây, đề thi tốt nghiệp THPT hướng tới 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH. Đề thi ngày càng ra theo hướng tiệm cận hơn với năng lực học tập của học sinh, không còn đánh đố, đảm bảo phân hóa được học sinh để phục vụ tốt 2 mục đích trên. “Việc các thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi năm nay xuất hiện nhiều ở các “trường làng” một lần nữa khẳng định rằng môi trường học tập không thực sự quan trọng bằng sự nỗ lực, tinh thần của mỗi học sinh. Vì thực tế ở bất cứ ngôi trường nào trên khắp đất nước, người giáo viên cũng luôn cố gắng truyền thụ những kiến thức tốt nhất đến cho học sinh chứ không phải chỉ trường chuyên, lớp chọn giáo viên mới làm được điều đó”, ThS. Phú nhìn nhận.
Trong khi đó, thầy Đỗ Đức Anh (giáo viên môn văn Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM) cho rằng, để học sinh đạt được điểm cao trong môn học thì trước hết người giáo viên phải truyền được “lửa” yêu thích môn học cho học sinh. Quá trình dạy học phải đổi mới với nhiều phương thức để “cuốn” học sinh vào từng bài học chứ không phải theo kiểu ghi nhớ, học thuộc lòng. “Bản thân giáo viên là một phần và một phần không kém nữa đó là chính học sinh phải xây dựng được tinh thần tự học qua sự hỗ trợ, hướng dẫn của giáo viên. Việc tự học sẽ giúp các em tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức từ nhiều nguồn học liệu khác nhau”, thầy Anh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Thành Nam
Bình luận (0)