Vừa qua, chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức đã mang đến nhiều thông tin bổ ích cho hàng trăm học sinh Trường THPT Đức Trí (Q.Phú Nhuận).
Ban tư vấn đang giải đáp các câu hỏi của các em học sinh |
Tại chương trình, nhiều thắc mắc của học sinh trong trường về kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã được các chuyên gia giải đáp cặn kẽ. Mở đầu, em Lê Thảo Vy (lớp 12A1) hỏi: “Trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, em đăng ký cả 2 tổ hợp bộ môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội để thuận lợi cho việc xét tuyển ĐH có được không? Nếu được thì việc xét công nhận tốt nghiệp THPT như thế nào và việc sử dụng kết quả thi để xét tuyển thực hiện ra sao?”. TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho biết theo Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT, thí sinh có thể đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trong trường hợp này, điểm bài thi nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT. “Tuy nhiên, các em cần lưu ý rằng, đã đăng ký bài thi tổ hợp nào thì phải dự thi hết các môn thành phần của bài thi tổ hợp đó, kể cả trường hợp đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp. Nếu đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp mà không dự thi 1 bài sẽ bị coi là bỏ thi bài thi đã đăng ký để xét tốt nghiệp và như vậy thí sinh sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp. Khi có kết quả của 2 bài thi tổ hợp, hệ thống sẽ tự xác định bài tổ hợp nào không có môn thi thành phần bị điểm “liệt” (điểm từ 1,0 trở xuống) để xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh. Trường hợp cả 2 bài thi tổ hợp đều không có môn thành phần bị điểm “liệt”, hệ thống sẽ chọn bài thi có kết quả cao hơn để xét. Như vậy, trong 2 bài thi tổ hợp, chỉ cần 1 bài không có môn thành phần bị điểm “liệt” là thí sinh được xét công nhận tốt nghiệp. Đối với bài thi có môn thành phần bị điểm “liệt”, nếu đã tốt nghiệp, thí sinh không thể dùng kết quả cả bài thi đó để xét tuyển ĐH, CĐ nhưng vẫn có thể dùng kết quả của các môn thành phần có kết quả trên 1 điểm để đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa phân tích.
Em Lê Hải Hiếu (lớp 12A3) đặt câu hỏi cho Ban tư vấn |
Tương tự, em Lê Hải Hiếu (lớp 12A3) hỏi: “Em dự tính đăng ký vào ngành kinh doanh quốc tế, mà ngành này năm ngoái xét tuyển 4 tổ hợp bộ môn. Vậy năm nay em có thể đăng ký vào ngành này với nhiều tổ hợp bộ môn được không?”. TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc (Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) khẳng định: Hiện nay, các trường ĐH thường dùng nhiều tổ hợp để xét tuyển vào 1 ngành và có quy định cụ thể về cách xét tuyển giữa các tổ hợp này. Vì vậy, để tăng khả năng trúng tuyển, các em có thể đăng ký nhiều tổ hợp để xét tuyển vào 1 ngành. Tuy nhiên, các em lưu ý là mỗi một tổ hợp bộ môn xét tuyển là 1 nguyện vọng và khi xét tuyển thì nên đặt tổ hợp gồm các môn thi mà mình có ưu thế ở thứ tự ưu tiên cao hơn. Như vậy, khả năng trúng tuyển của các em sẽ cao hơn.
Em Phạm Hữu Luật (lớp 12A3) thắc mắc: “Trong đề án tuyển sinh của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, em thấy nhiều ngành xét tuyển tổ hợp bộ môn D01, D04, D07, D08, D14, D15. Vậy đây là những bộ môn gì?”. ThS. Dương Duy Khải (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết những ngành xét tuyển tổ hợp bộ môn có chữ “D” là liên quan đến ngoại ngữ. D01 là toán – ngữ văn – tiếng Anh; D04 là toán – ngữ văn – tiếng Trung; D07 là toán – hóa – tiếng Anh; D08 là toán – sinh – tiếng Anh; D14 là ngữ văn – lịch sử – tiếng Anh; D15 là ngữ văn – địa lý – tiếng Anh.
Ngọc Anh
Bình luận (0)