Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thí sinh được lựa chọn lớp đào tạo chất lượng cao

Tạp Chí Giáo Dục

Bên cạnh cuộc đua xét tuyển NV2 đầy căng thẳng của các trường, việc năm nay Bộ GD-ĐT không cho phép các trường tuyển sinh hệ ngoài ngân sách nhưng lại cho các trường tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng đang khiến xã hội lo ngại sẽ có nhiều biến tướng. Ngoài ra, việc các trường được đào tạo chất lượng cao theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội về giáo dục đại học cũng gây nhiều băn khoăn. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Trưởng ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ 2011, trao đổi với phóng viên Báo SGGP về vấn đề này.

Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Thảo (thứ 2 từ phải sang), Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng tư vấn cho phụ huynh thí sinh tại buổi tư vấn xét tuyển nguyện vọng 2 do Báo SGGP tổ chức. Ảnh: MAI HẢI

 

– PV: Thưa ông, khi thực hiện xét tuyển NV2, rất nhiều trường đã xin vận dụng Điều 33 quy chế tuyển sinh, dẫn đến tình trạng 8 điểm đỗ ĐH, 5 điểm đỗ CĐ khiến xã hội lo ngại. Hiện nay cả nước có bao nhiêu trường đã được áp dụng điều 33?
Thứ trưởng BÙI VĂN GA: Hiện nay có 25 trường được áp dụng điều 33, đa số là các trường vùng sâu, vùng xa, thí sinh là con em vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Cũng có những trường ở thành phố được vận dụng điều 33 nhưng là ở các ngành đào tạo khó tuyển như nông lâm. Việc vận dụng điều 33 bộ đã tính toán rất kỹ, phải chấp nhận thực tế đó vì chất lượng đầu vào của chúng ta hiện nay chưa cao, thí sinh ở những vùng thiệt thòi hơn cần được tạo điều kiện.
– Xét tuyển NV2 của nhiều trường đang có nhiều vi phạm, bộ đã chấn chỉnh ra sao?
Nhiều trường làm chưa tốt việc công khai hàng ngày về thông tin xét tuyển NV2 khiến thí sinh chưa được hưởng lợi từ quy định này, vì vậy hàng ngày bộ cử cán bộ chuyên trách theo dõi và đôn đốc các trường làm đúng quy chế. Với những sai phạm khác, kể từ ngày 30-8, bộ cử các đoàn đi thanh tra để xử lý, kịp thời chấn chỉnh. Khi có kết quả thanh tra, chúng tôi sẽ công bố rõ.
– Thưa ông, việc năm nay bộ cấm hệ đào tạo ngoài ngân sách khiến dư luận không khỏi hồ nghi khi một số trường dường như vẫn được bộ ưu tiên cho “xé rào”, đơn cử như ĐH Y Dược TPHCM?
Trường ĐH Y Dược TPHCM năm nay có chỉ tiêu 1.610 thí sinh. Bộ yêu cầu nhà trường phải có một mức điểm chung cho các ngành. Trường không được lấy điểm thấp hơn rồi buộc sinh viên đóng học phí cao hơn (tức hệ ngoài ngân sách). Còn theo Nghị quyết 50 của Quốc hội và Nghị định 49 của Chính phủ, những trường chất lượng cao có thể thu học phí cao để đáp ứng kinh phí đào tạo của họ. Việc thu học phí cao phải đảm bảo nâng cao chất lượng. (Thực tế, trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 do Bộ GD-ĐT phát hành, không chỉ có ĐH Y dược TPHCM mà còn rất nhiều trường công bố chỉ tiêu tuyển cho hệ ngoài ngân sách – PV).
Thí sinh Chung Kim Ngọc nêu câu hỏi với các nhà tư vấn về xét tuyển nguyện vọng 2. Ảnh: MAI HẢI
– Thực ra nhu cầu đào tạo ngoài ngân sách là có thực, vì thí sinh xấp xỉ điểm đậu sẵn sàng chi thêm một khoản kinh phí đào tạo để được học trường mà mình yêu thích. Vậy tại sao bộ lại không cho các trường tuyển sinh ngoài ngân sách, như thế là tước đi cơ hội của các em?
Năm nay, bộ không cho phép các trường đào tạo ngoài ngân sách nhưng đã giao tổng chỉ tiêu dựa trên năng lực của trường. Với tổng chỉ tiêu không thay đổi, nếu trường muốn thu học phí cao thì phải nâng cao chất lượng. Chỉ tiêu là do các trường đề xuất với Bộ GD-ĐT. Các trường có quyền lấy NV2 để nâng cao chất lượng đào tạo của mình, kể cả đào tạo theo chất lượng cao. Việc này rất được các trường tán thành vì sự công khai minh bạch trong việc đào tạo, tránh tình trạng mất công bằng hiện nay là các trường tốp đầu có thể lấy hệ ngoài ngân sách với số điểm thấp đi. Hệ ngoài ngân sách có thể đáp ứng cho một số thí sinh có nguyện vọng nhưng lại tạo nên sự mất công bằng giữa các trường, giữa các thí sinh.
– Lớp chất lượng cao có phải là lớp dành cho con nhà giàu thưa ông?
Không phải! Đó là do học sinh tự lựa chọn điều kiện học cho mình. Lớp đào tạo chất lượng cao sẽ có ít sinh viên hơn, có thầy tốt, được thực hành nhiều, làm quen môi trường làm việc, trình độ tiếng Anh tốt hơn, vì vậy sinh viên ra trường có nhiều cơ hội hơn. Tóm lại, đây là lớp học được trường đầu tư điều kiện đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đầu ra. Bất cứ ai vào trường nếu có nhu cầu đều có thể tham gia lớp học này. Dĩ nhiên, ai có tiền thì học lớp này, vì đây là thí sinh đầu tư cho tương lai. Việc này đã được Quốc hội, Chính phủ tính toán rất nhiều.
– Có nhiều ý kiến cho rằng lớp chất lượng cao và ngoài ngân sách thực chất chỉ là một, bộ đóng cánh cửa này và mở ra cánh cửa khác cho các trường?
Hai cái khác nhau hoàn toàn. Hệ ngoài ngân sách là lấy điểm thấp hơn điểm trúng tuyển, vào đóng học phí cao. Còn đào tạo chất lượng cao là tự nguyện hoàn toàn, trường công khai điều kiện tuyển, điều kiện đào tạo, mức học phí, thí sinh phải trúng tuyển vào trường và được lựa chọn lớp đào tạo chất lượng cao với mục tiêu học phí tương ứng với chất lượng. Đây là số thí sinh đã chính thức trúng tuyển vào trường mới được lựa chọn lớp học này. Điều này là đáp ứng nguyện vọng của thí sinh đồng thời tạo cơ hội để các trường nâng cao chất lượng đầu ra. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta không có điều kiện để nâng cao chất lượng cho tất cả các trường, các ngành. Vì vậy lớp chất lượng cao là lựa chọn đúng đắn để nâng cao chất lượng đầu ra ở một bộ phận.
– Bộ có hạn chế số lượng các trường được đào tạo chất lượng cao?
Tất cả các trường bình đẳng như nhau, nhiệm vụ của trường là phải công khai các điều kiện đào tạo chất lượng cao.
– Vậy sẽ không tránh khỏi việc các trường ngoài dân lập, ĐH tốp dưới cũng đua nhau đào tạo chất lượng cao để kiếm nguồn trang trải chi phí đào tạo?
Nếu họ mở thì thí sinh sẽ không học, không ai bắt buộc thí sinh học lớp này cả. Vì vậy, nếu các trường mở nhưng không bảo đảm thì thí sinh sẽ không chọn.
– Xin cảm ơn ông!
Theo Phan Thảo
(SGGP)

Bình luận (0)