Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thí sinh được mang máy ghi âm, ghi hình: Địa phương bối rối

Tạp Chí Giáo Dục

 Việc Bộ GD&ĐT không cấm thí sinh mang thiết bị ghi âm ghi hình vào phòng thi khiến nhiều địa phương bối rối. Thậm chí một số nơi định bắt thí sinh báo cáo nếu muốn mang thiết bị chống tiêu cực vào phòng thi…

Giữ phòng thi nghiêm túc quan trọng hơn là đối phó với thiết bị. Ảnh: minh họa.
Địa phương bối rối
Điểm mới trong quy chế thi tốt nghiệp năm nay đang gây chú ý của dư luận là:“không cấm thí sinh mang vào phòng thi các thiết bị ghi âm ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác”.
Thực ra, từ dạo đầu năm, tại hội nghị thi và tuyển sinh do Bộ GD&ĐT tổ chức, nhiều địa phương đã băn khoăn. Nhưng khi đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận lại có ý kiến nên nhìn nhận việc thí sinh được phép đưa camera vào phòng thi ở khía cạnh tích cực. “Nó như là một sự kiểm soát vô hình để có một kỳ thi nghiêm túc”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Trên thực tế, nhiều địa phương đã mất khá nhiều thời gian bàn tính việc kiểm soát sự có mặt của thiết bị này trong phòng thi. Tại Bắc Giang – nơi xảy ra sự kiện thí sinh quay camera cảnh tiêu cực ở hội đồng thi Đồi Ngô hồi năm ngoái, Sở GD&ĐT đã phải gửi công văn sang cơ quan công an tỉnh đề nghị giúp đỡ xác định các loại thiết bị, máy ghi âm, ghi hình nào được phép mang vào phòng thi. Trả lời đề nghị này, công an tỉnh Bắc Giang cho rằng cần phải “yêu cầu thí sinh đăng ký và cam kết với hội đồng thi trước 5 ngày để kiểm tra thiết bị đem vào phòng thi”.
Một số nơi khác như Hà Nam, Nghệ An…, tuy không có văn bản yêu cầu thí sinh phải đăng ký để được dán “tem hợp lệ” lên thiết bị nhưng cũng được Sở GD&ĐT khuyến cáo là nên báo cáo với lãnh đạo hội đồng thi nếu muốn mang theo camera.
Ông Trần Hữu Hy, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Nghệ An giải thích: “Việc báo cáo một mặt là để thí sinh được phép mang vào phòng thi, một mặt để khi cần có sự giám sát cho khách quan”. Ông Nguyễn Văn Khoát, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam thì nhấn mạnh: “Chúng tôi không ép thí sinh khai báo, chỉ là động viên, và thầy cô tư vấn các thí sinh nên báo cáo”.
Nên kiểm soát người làm thi?
 Ông Trần Hữu Hy, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ: “Xưa, giáo viên đi coi thi với tâm thế mình là người giám sát thí sinh. Nhưng nay, giáo viên buộc phải có ý thức mình cũng bị giám sát”. 

Một số lãnh đạo Sở GD&ĐT cho rằng để giám sát tốt an ninh của kỳ thi nên bóc tách vấn đề ra. “Phải phân biệt rạch ròi giữa quyền thí sinh được mang thiết bị với việc thí sinh phải chấp hành nội quy trong phòng thi. Thí sinh có thể mang thiết bị vào và dùng để quay cảnh mà mình cho là tiêu cực trong phòng thi nhưng phải đảm bảo quy chế trong phòng thi. Nếu vi phạm quy chế thí sinh sẽ bị phạt”, ông Ngô Văn Hợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh nói.

Nhiều cán bộ làm thi và lãnh đạo ngành GD&ĐT các địa phương cho rằng đây là cơ hội để tác động vào nhận thức của cán bộ, giáo viên tham gia coi thi.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ: “Quan điểm chúng tôi không phải tập trung vào việc tìm cái thiết bị đó mà tập trung vào việc giữ phòng thi làm sao thật nghiêm túc, không có gì phải ngại, không có gì phải bức xúc”.
Lý giải về việc các phóng viên không được phép dự hội nghị về thi được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hôm 28/5, ông Thống cho rằng vì hội nghị bàn một số vấn đề thuộc về nghiệp vụ của giám thị, ví dụ như phát mật khẩu để vào mạng báo cáo cho các chủ tịch hội đồng…
Nhưng ông Thống cũng cho biết, tại hội nghị trên, cá nhân ông cũng đã giới thiệu với các chủ tịch hội đồng thi một camera không có màn hình dưới dạng cái bút mà ông đang sở hữu.
“Mục đích của Bộ cho mang thiết bị này vào để chống tiêu cực và Hà Nội ủng hộ. Do đó chúng tôi nói với các cán bộ quản lý hội đồng thi: Vấn đề không phải là kiểm soát thiết bị mà kiểm soát hành vi của mình, hãy làm cho đúng”.
Theo TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)