10 ngày sau hạn cuối nộp hồ sơ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 (23.4), hàng ngàn thí sinh vẫn “sấp, ngửa” làm hồ sơ đổi trường, đổi ngành.
10 ngày sau hạn cuối nộp hồ sơ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 (23.4), hàng ngàn thí sinh vẫn “sấp, ngửa” làm hồ sơ đổi trường, đổi ngành do quyết định đình chỉ tuyển sinh quá muộn mà Bộ GDĐT vừa đưa ra.
Theo các quyết định ngày 27.4, Bộ GDĐT dừng tuyển sinh năm 2012 đối với Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Hà Nội và 5 ngành của 5 trường ĐH, CĐ khác với các lý do thiếu giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá cao, 3 năm liền không tuyển sinh được và chưa có đất xây trường.
Trường bị đình chỉ tuyển sinh, nhiều thí sinh hoang mang (ảnh minh họa). |
Sau quyết định đình chỉ, Bộ GDĐT cũng đưa ra hướng dẫn về việc tạo điều kiện cho thí sinh đã nộp hồ sơ vào các ngành bị đình chỉ được đăng ký lại hoặc rút hồ sơ nộp sang trường khác đến hết ngày 15.5. Tính tổng chỉ tiêu của khối ngành bị đình chỉ lên tới vài ngàn sinh viên.
Với động thái này, các chuyên gia giáo dục cho rằng: Quyết định của Bộ GDĐT là cần thiết nhưng đưa ra quá muộn, đặc biệt sau khi thí sinh đã hoàn thành việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi khiến các em bị động, ảnh hưởng đến việc ôn thi.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý giáo dục Hà Nội phân tích: Thay đổi hồ sơ tuyển sinh ở thời điểm này là rất khó khăn cho thí sinh vì nguyện vọng đăng ký dự thi của thí sinh còn liên quan đến nhiều yếu tố như: Gia đình, dự kiến việc làm khi ra trường… Nếu thí sinh giữ nguyên ngành đã đăng ký và dự tuyển vào trường khác có thể xảy ra tình trạng: Điểm chuẩn của trường đăng ký sau cao hơn điểm chuẩn trường đăng ký ban đầu và học phí của các trường khác nhau… gây khó khăn cho thí sinh.
“Mặc dù đa số các trường bị đình chỉ tuyển sinh đều xét tuyển nhưng hàng nghìn chỉ tiêu tuyển sinh bị đình chỉ cũng là hàng nghìn cơ hội trúng tuyển bị đánh mất”– TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Phấp phỏng trường tư
Như vậy, trong mùa tuyển sinh 2012, đã có tổng số 5 trường ĐH, CĐ và 13 ngành đào tạo của 5 trường khác lần lượt bị đình chỉ tuyển sinh. Điều đáng nói, các trường hợp này hầu hết rơi vào khối các trường ngoài công lập. Vì vậy, các trường ĐH dân lập, tư thục khác rất lo ngại, bởi trong bối cảnh đất xây dựng trường cấp quá chậm, khó thuê giảng viên về vùng sâu, vùng xa… nên rất dễ bị “tuýt còi”. Và chắc chắn sẽ có thêm hàng vạn học sinh phải làm lại hồ sơ mỗi năm.
Em Nguyễn Hồng Hạnh – học sinh lớp 12, Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) bày tỏ: “Bọn em nộp hồ sơ hoàn toàn theo thông tin đăng tải ở “Những điều cần biết về tuyển sinh”. Ở cuốn này, không hề có thông tin về điều kiện cơ sở vật chất của trường, số lượng giảng viên… Giờ cứ nộp hồ sơ vào ĐH dân lập là lo, không biết bị… ra đường lúc nào”.
“Trong khi học trường công, sinh viên được hỗ trợ 70% học phí, còn học trường tư, sinh viên phải nộp 100%. Vì vậy, các trường tư rất khó tuyển sinh, và đã khó tuyển lại càng dễ bị đình chỉ”. GS – TS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các Trường ĐH, CĐ ngoài công lập
Về phía các trường ĐH, CĐ bị đình chỉ cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Ông Phạm Bá Phong – Hiệu trưởng ĐH Yersin Đà Lạt cho biết: “Trường sẽ đề nghị Bộ xem xét lại để trường tiếp tục tuyển sinh ngành kiến trúc”.
Theo ông Phong, khu vực Tây Nguyên có nhu cầu nhân lực về ngành kiến trúc rất cao mà chỉ có Trường Yersin Đà Lạt mới đào tạo ngành này nên việc đình chỉ sẽ khiến thiếu hụt nhân lực.
“Việc thẩm định điều kiện đào tạo là việc của Bộ, thực hiện trước thời điểm tuyển sinh chứ không phải giao chỉ tiêu rồi mới kiểm soát như hiện nay”- ông Phong nói.
Ông Nguyễn Đình Ngộ – Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường ĐH Phú Xuân khẳng định, ở đây còn có trách nhiệm của Bộ GDĐT trong việc thẩm định các trường. Nếu trường không đạt chuẩn, Bộ phải có quyết định từ lâu. Đó là chưa kể có nhiều ngành học ở cả trường công lẫn trường tư, mỗi mùa tuyển sinh chỉ thu được vài ba hồ sơ. Cách giải quyết là đợi các em thi xong mới chuyển ngành chứ chưa thấy trường công nào bị đình chỉ.
Theo Dân Trí
Bình luận (0)