Kết thúc việc đăng ký dự thi THPT quốc gia 2016 vào cuối tháng 4, một điều bất ngờ đã xảy ra: Số thí sinh (TS) không đăng ký để xét tuyển ĐH tăng vọt!
Tại tỉnh Hòa Bình, khảo sát của Sở GD-ĐT tỉnh này cho thấy, toàn tỉnh có khoảng 8.100 TS đăng ký dự thi THPT nhưng trong đó có tới trên 5.600 TS thi chỉ để lấy kết quả công nhận tốt nghiệp, không đăng ký xét tuyển ĐH, chiếm tỉ lệ gần 70%. Còn ở Nghệ An, trong 31.698 TS đăng ký dự thi có 12.113 TS không đăng ký xét tuyển ĐH, chiếm khoảng 40%… Không chỉ ở các tỉnh mà ngay cả ở các TP lớn tỉ lệ này cũng tăng nhanh. Tại Hà Nội, trong 76.046 TS đăng ký dự thi có 16.390 em không đăng ký xét tuyển ĐH, tỉ lệ 21,5%. Tại TP.Cần Thơ, trong 8.773 TS đăng ký dự thi cũng có 2.860 em không đăng ký xét tuyển ĐH, tỉ lệ 32,6%…
Thống kê này đã làm nhiều chuyên gia giáo dục không khỏi bất ngờ. Vâng, từ trước đến nay hầu hết học sinh (HS) tốt nghiệp THPT đều muốn chen chân vào cánh cửa ĐH. Tâm lý phụ huynh dù hoàn cảnh khó khăn đến mấy ai cũng muốn cho con vào ĐH. Làm thay đổi tâm lý này còn khó hơn cả… dời núi, lấp biển. Hàng loạt nỗ lực tư vấn hướng nghiệp nhằm phân luồng hợp lý HS sau bậc THPT trong các năm qua dường như không thu được kết quả bao nhiêu. Tỉ lệ TS vào ĐH từng năm vẫn áp đảo so với vào CĐ, trung cấp, học nghề.
Thế nên tỉ lệ TS không đăng ký xét tuyển ĐH năm nay tăng cao ở nhiều địa phương trong cả nước là hiện tượng đầy bất ngờ. Giải thích hiện tượng này như thế nào? Theo các chuyên gia giáo dục, đây là vấn đề xã hội cần phải phân tích, mổ xẻ kỹ lưỡng, khoa học. Tuy nhiên, trước mắt có thể khẳng định sau rất nhiều nỗ lực, công tác hướng nghiệp đến nay đã phát huy tác dụng. Quay trở lại trường hợp của Nghệ An, theo Sở GD-ĐT tỉnh này, các huyện miền núi như Quỳ Hợp, Tương Dương, Con Cuông, Tân Kỳ… có tỉ lệ HS không đăng ký xét tuyển ĐH cao hơn mức trung bình của tỉnh, dao động từ 59-67%. Tỉ lệ này ở các trung tâm giáo dục thường xuyên xấp xỉ 100%. Từ đây, có thể thấy là các em đã nhận thức được sức học của mình không phù hợp với việc học ĐH nên không đăng ký.
Một nguyên nhân khác mà theo các chuyên gia là nguyên nhân chính, là trong thời gian gần đây tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp gia tăng. Điều này đã tác động đến quyết định không muốn học lên ĐH của các em.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác mà dư luận cứ râm ran nên không thể không đề cập. Đó là có ý kiến cho rằng thi cụm địa phương “dễ thở” hơn nên phụ huynh cho con em mình thi ở đây cho “chắc ăn”. Ngành giáo dục địa phương cũng khuyến khích các trường hướng HS thi ở cụm địa phương để có một tỉ lệ tốt nghiệp “dễ chịu”, không làm ảnh hưởng đến thành tích thi đua của địa phương. Tuy không có cơ sở để nói thi cụm địa phương “dễ thở” hơn nhưng đây cũng là vấn đề mà các sở GD-ĐT địa phương cũng như Bộ GD-ĐT cần lưu tâm. Để xóa bỏ dư luận này cần phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tạo sự công bằng, minh bạch giữa các cụm thi trong thời gian tới.
Nhưng dù với nguyên nhân nào thì đây cũng là một tín hiệu tích cực của công tác hướng nghiệp, phân luồng. Nó cho thấy nhận thức, tâm lý xã hội đã có sự thay đổi: Ngày càng có nhiều HS nhận ra học ĐH không còn là lựa chọn duy nhất để có một nghề nghiệp tương lai ổn định. Thiết nghĩ, đây là cơ hội “vàng” để các trường nghề giành lấy lợi thế tuyển sinh của mình. Xin đừng bỏ mất cơ hội!
Từ Nguyên Thạch
Bình luận (0)