Mùa thi ĐH, CĐ năm nào cũng đều có những câu chuyện cảm động về những thí sinh nghèo, khuyết tật vượt khó đi thi.
1. Bị khiếm thị, đi bán vé số để lấy tiền lo cho bản thân mình và trang trải học hành. Nhưng khát vọng có một tấm bằng ĐH luôn cháy lên trong lòng chàng thanh niên khiếm thị Nguyễn Anh Tấn, sinh năm 1985, quê ở Ninh Thuận, thi vào ngành ngôn ngữ – văn học của Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM.
Chúng tôi lần theo địa chỉ trong hồ sơ đăng ký dự thi của Tấn, tìm đến khu trọ mới hay Tấn đang ôn bài tại Hội Người mù TP.HCM (Q.1). Tìm đến nơi thì Tấn đang ngồi một mình trên ghế đá, đeo tai nghe, hai tay giữ chặt chiếc máy phone. Bên hông là một chồng vở được viết bằng chữ nổi Braille. Tấn bảo: “Sắp thi rồi nên phải tăng tốc ôn tập thôi”.
Tấn là con út trong một gia đình có bốn anh chị em. Từ khi lên cấp II Tấn được gia đình chuyển vào ở tại Hội Người mù TP.HCM. Hằng ngày Tấn tự đi đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.1 để học văn hóa. Năm 2006, Tấn tốt nghiệp THPT. Từ đây, Tấn bắt đầu sống tự lập bằng nghề đi bán vé số. Cũng trong năm này, Tấn làm hồ sơ đăng ký thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM, thế nhưng cuối cùng giấc mơ tan vỡ khi Tấn được biết trường này không tuyển thí sinh khiếm thị. Và năm nay Tấn lại “khăn gói” đi thi với khát vọng có kiến thức giúp ích cho đời.
2. Tin Trần Thị Phượng đi thi ĐH làm nhiều người ở Trung tâm Dạy nghề Q.3 không thể tin nổi bởi Phượng là một cô gái bị liệt hai chân, phải đi lại bằng xe lăn. Thế nhưng năm nay, Phượng đã đăng ký thi vào ĐH Sài Gòn (ngành công nghệ thông tin) và ĐH Y dược TP.HCM (ngành dược sĩ).
Bạn Trần Thị Phượng ôn bài – Ảnh: Q.Phương
Trong căn phòng quen thuộc của mình, Phượng đang ngồi bệt, kê sách trên giường, miệt mài với những bài toán. Nghe tin chúng tôi đến, Phượng dùng hai cánh tay tự nâng người ngồi lên xe lăn và bắt đầu tiếp chuyện. Cô thí sinh khuyết tật này sinh ra trong một gia đình làm nông với ba người con. Nhà Phượng ở tận Trảng Bàng, Tây Ninh. Dù bị liệt hai chân từ bé nhưng Phượng vẫn cố gắng học đến lớp 10 thì nghỉ vì trường xa và điều kiện đi lại khó khăn. Ba năm sau Phượng xuống Sài Gòn học tại Trung tâm Dạy nghề Q.3. Tại đây Phượng vừa học văn hóa hệ bổ túc vừa học tin học.
3. Năm nay có lẽ là năm đáng nhớ nhất với Lê Thị Dày vì đây là năm đầu tiên Dày đi thi ĐH. Không giống những thí sinh khác, Dày sinh năm 1985 nhưng hơn 10 tuổi mới vào học lớp 1. Từ khi lên 3 tuổi sau một trận lên ban đỏ, đôi mắt của Dày vĩnh viễn không nhìn thấy gì nữa. Không đầu hàng số phận, Dày quyết tâm theo đuổi việc học. Học ở quê đến lớp 6 thì Dày được gia đình chuyển lên ở tại cơ sở khiếm thị Huynh đệ Như Nghĩa (Bình Tân, TP.HCM).
Bạn Lê Thị Dày học văn bằng sách chữ nổi – Ảnh: Q.Phương
Tại đây, hằng ngày Dày cùng một số bạn bè đón xe buýt đi đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tân Bình để học. Dày không phải học ở những lớp dành cho người khiếm thị mà học với những người bình thường. “Học ở lớp đó em chỉ nghe thầy cô giáo giảng bài, vừa nghe vừa chép lại bằng chữ nổi. Nhiều chỗ chép không kịp thì hỏi bạn bè và chép lại sau” – Dày nói.
Dày đăng ký thi vào ngành xã hội học của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. “Em chọn ngành này vì muốn sau khi ra trường sẽ có nhiều điều kiện giúp đỡ các em có hoàn cảnh giống mình”.
QUANG PHƯƠNG (TTO)
Bình luận (0)