Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi và tuyển sinh 2016. Theo dự thảo, năm nay có nhiều thay đổi để phù hợp với thực tế và khắc phục những hạn chế của năm 2015.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) cho biết: Một trong những nguyên nhân gây bất cập trong tuyển sinh năm 2015 là do tâm lý của thí sinh (TS) muốn đến trường nộp hồ sơ cho… yên tâm! Điều này gây tốn kém không cần thiết và gây lộn xộn ở một số trường. Tâm lý này khó có thể khắc phục được ngay nên năm nay bộ quy định TS nộp phiếu đăng ký xét tuyển (ĐKXT) qua đường bưu điện bằng thư chuyển phát nhanh hay đăng ký trực tuyến qua mạng internet. Bộ đã thiết kế mẫu phiếu ĐKXT để TS truy cập sử dụng. Khi đăng ký TS chỉ điền thông tin cần thiết và mã số xét tuyển của mình, không phải gửi kèm hồ sơ hay giấy tờ gì khác. TS cũng cần hiểu rõ số nguyện vọng được đăng ký trong mỗi đợt xét tuyển. Nguyên tắc chung dù đăng ký trực tuyến (do TS nhập thông tin ĐKXT vào hệ thống) hay đăng ký qua đường bưu điện (nhà trường nhập thông tin từ phiếu ĐKXT của TS vào hệ thống) thì TS cũng chỉ được số nguyện vọng tối đa quy định đã nhập vào hệ thống trước. Những nguyện vọng nhập sau đó (quá số nguyện vọng tối đa) thì hệ thống sẽ từ chối. Vì vậy TS cần cân nhắc cẩn thận trước khi quyết định ĐKXT.
Bộ cung cấp cơ sở dữ liệu chung để các trường truy cập khi xét tuyển. Khi có kết quả xét tuyển các trường cập nhật lên hệ thống để loại trừ danh sách TS đã trúng tuyển để xét tuyển các đợt tiếp theo. Các trường chủ động quy định phương thức xét tuyển giữa các nguyện vọng TS đã đăng ký. Quy chế năm nay không quy định điểm xét tuyển đợt sau phải cao hơn hay bằng điểm xét tuyển đợt trước để các trường chủ động cân chỉnh điểm nhận ĐKXT, tránh tình trạng các trường tốp trên nhận hồ sơ từ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, gây phức tạp cho công tác tuyển sinh chung.
Hiện nay bộ đang cập nhật phần mềm tuyển sinh năm 2015 theo các yêu cầu của quy chế tuyển sinh năm 2016 để TS có thể đăng ký trực tuyến ở bất cứ nơi nào có mạng internet. Bộ cũng yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường THPT mở cửa các phòng máy tính nối mạng của trường để TS có thể thực hiện việc đăng ký trực tuyến.
PV: Năm 2015, đã có tình trạng quá tải, nghẽn mạng nghiêm trọng khi TS tra cứu kết quả thi, vậy năm nay, hệ thống dữ liệu điểm thi quốc gia sẽ được cải thiện như thế nào để đáp ứng nhu cầu tra cứu và ĐKXT của TS, công tác xét tuyển của các trường?
Năm 2015 bộ công bố kết quả thi cho TS ở 8 khu vực khác nhau, TS khu vực nào truy cập vào máy chủ của khu vực đó để tra cứu kết quả thi của mình. Chỉ có một địa chỉ TS cả nước có thể truy cập kết quả thi và hệ thống tại đây bị nghẽn mạng. Hệ thống các khu vực không có trục trặc gì. Rút kinh nghiệm năm nay quy chế dự kiến giao cho tất cả các cụm thi công bố kết quả thi của TS của cụm. Lượng TS truy cập sẽ được phân tán trong phạm vi rộng, không tập trung như năm ngoái. Các trường ĐH được giao chủ trì các cụm thi là những trường lớn, có hạ tầng công nghệ thông tin tốt. Những năm tuyển sinh theo hình thức 3 chung các trường này cũng đã công bố kết quả thi của TS thi vào trường mình với số lượng có khi lớn hơn nhiều so với số lượng TS ở cụm thi chủ trì hiện nay. Sự nghẽn mạng vì vậy sẽ không tái diễn.
Việc cho phép TS đăng ký 2 trường với 4 nguyện vọng trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1, 3 trường với 6 nguyện vọng trong đợt xét tuyển 2, nhiều trường lo lắng sẽ dẫn đến tình trạng ảo. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này?
Nguyên tắc lựa chọn phương án tuyển sinh là hài hòa quyền lợi của TS và thuận tiện cho các trường. Nếu tăng quyền lợi của TS thì nhà trường phải khó khăn hơn và ngược lại. Năm 2015 bộ đã áp dụng giải pháp đảm bảo quyền lợi tối đa cho TS (được rút, nộp hồ sơ) và sự thuận tiện tối đa cho các trường (không có ảo) nhưng dư luận xã hội không đồng tình.
Năm 2016 TS đã có thông tin tham khảo của năm 2015 nên việc chọn trường chọn ngành sẽ phù hợp hơn với kết quả thi của mình vì vậy việc quy định trong đợt 1 TS được ĐKXT vào 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành là phù hợp. So với năm ngoái TS vẫn được 4 nguyện vọng nhưng ở 2 trường khác nhau giúp TS lựa chọn ưu tiên ngành mình yêu thích hơn là cố gắng tìm một chỗ vào ĐH với những ngành không phù hợp lắm với năng lực sở trường.
Đối với các trường thì mức độ ảo cũng tương đương với những năm thi 3 chung (TS thường vẫn thi 2 trường ĐH với 2 khối khác nhau). Mức độ ảo như vậy có thể chấp nhận được và các trường cũng đã có kinh nghiệm xử lý. Để các trường có thêm thông tin hạn chế ảo, bộ dự kiến trong phiếu ĐKXT TS cung cấp thêm thông tin các trường mà mình đã ĐKXT trong đợt. Các trường dựa vào các thông tin này để có thể lựa chọn điểm trúng tuyển phù hợp có tính đến mức độ ảo.
Để giảm ảo triệt để hơn, quy chế cũng quy định việc tuyển sinh theo nhóm trường. Các trường chủ động lập nhóm tuyển sinh chung và xây dựng đề án quy định rõ cách thức đăng ký của TS, cách thức xét tuyển các nguyện vọng và trách nhiệm của các trường tham gia nhóm. Việc hình thành các nhóm xét tuyển chung như vậy vừa có lợi cho TS, vừa thuận tiện cho các nhà trường.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê
Bình luận (0)